Hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030":

Những người thầy vẫn học: GS.TS Phạm Văn Hùng - người thầy luôn đam mê học tập (bài 1)

Thứ Tư, 15/11/2023 09:00

|

(CATP) Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, giúp nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của việc tự học trong kỷ nguyên số mang lại nhiều giá trị, cơ hội để thay đổi, để tiếp cận tri thức của nhân loại, mở ra cho mọi người cơ hội học tập thường xuyên, học tập suốt đời, học mọi lúc, mọi nơi, mở rộng quan điểm sống, mở rộng không gian, thời gian, phương pháp và hình thức học tập. Ngoài các em học sinh, sinh viên còn trong độ tuổi đến trường, thời gian qua vẫn có rất nhiều tầng lớp nhân sĩ, tri thức tuy có học hàm, học vị cao, tuổi đã ngoài trung niên nhưng vẫn luôn cố gắng phấn đấu tiếp tục sự nghiệp học tập của mình, nâng cao tri thức cho bản thân và giúp ích cho xã hội. Nhân kỷ niệm ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam (20/11/2023), Chuyên đề Công an TPHCM xin giới thiệu một số tấm gương điển hình trên.

GS.TS Phạm Văn Hùng cho rằng, giảng dạy là đem những kiến thức mình có được truyền đạt lại cho thế hệ sau. Tuy nhiên, hiện nay với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ thì khối lượng kiến thức không còn là một khối vững chắc mà đang thay đổi từng ngày, từng giờ. Do đó cần phải kết hợp nghiên cứu khoa học và giảng dạy để luôn đưa đến cho sinh viên những kiến thức mới mẻ cùng với các kiến thức cơ bản, có được điều này thì công việc giảng dạy mới trở nên thú vị hơn. Trong khi đó, đối với việc nghiên cứu khoa học, mỗi công trình nghiên cứu, dù là cơ bản hay ứng dụng, để có được các kết quả xuất sắc, đều phải xuất phát từ tình yêu và niềm đam mê công việc.

Trưởng thành từ gian khó

gS.TS. Phạm Văn Hùng sinh năm 1974 trong một gia đình công chức nghèo tại xã ven biển Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, nơi có đến 90% dân số sống bằng nghề chài lưới. Bố của anh là cán bộ viên chức, mẹ là giáo viên tiểu học. Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng bố mẹ anh luôn khuyến khích và chăm lo cho các con học hành chu đáo để sau này có cuộc sống dễ dàng hơn.

GS.TS Phạm Văn Hùng trong phòng nghiên cứu

Chính nhờ sự động viên và tạo điều kiện tích cực từ bố mẹ mà việc học của GS.TS Phạm Văn Hùng diễn ra thuận lợi. Mặc dù học trường làng nhưng chàng trai Phạm Văn Hùng rất chăm học và có năng khiếu về các môn tự nhiên, đặc biệt là môn Toán. Anh Hùng đã tham gia nhiều kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp huyện và đã đạt giải Nhì vào năm lớp 8. Qua đó, anh được chọn vào học lớp chuyên Toán của tỉnh nhưng do điều kiện gia đình khó khăn nên anh Hùng không thể tham gia lớp học này. Anh chọn thi vào lớp 10, khóa đầu tiên của Trường THPT Quảng Xương 4, tỉnh Thanh Hóa. Sau đó được bố mẹ động viên nên anh thi đỗ vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và gắn bó với ngành Công nghệ thực phẩm cho tới nay.

Trải qua 5 năm học tập với nhiều khó khăn về vật chất nhưng nhờ sự động viên tích cực từ gia đình, anh Hùng đã tốt nghiệp ĐH với tấm bằng loại giỏi và là một trong 30 sinh viên xuất sắc nhất khóa 1993 - 1998 của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp ĐH, anh được giữ lại trường dưới sự dẫn dắt của PGS. TS. Mai Văn Lề và cũng từ đó mục tiêu đi học nước ngoài của anh được hình thành. Sau đó anh vừa học cao học, vừa học tiếng Anh để tìm cơ hội nhận học bổng du học. Bởi lúc học phổ thông vào thời kỳ ấy anh Hùng chưa được học ngoại ngữ nào. Năm 2001, anh bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ với thành tích xuất sắc và nhận được học bổng đi học Tiến sĩ tại Trường ĐH Phủ Osaka, Nhật Bản.

Theo anh Phạm Văn Hùng, quyết định chọn học trường của Nhật vì thấy ngoài việc trau dồi kiến thức chuyên môn thì cũng cần phải học tập văn hóa, phong tục tập quán và đặc biệt là cách làm việc của người Nhật. Nhận bằng Tiến sĩ tại xứ sở Phù Tang với sự hướng dẫn của GS. Naofumi Morita, anh Hùng tiếp tục tham gia các chương trình nghiên cứu sau Tiến sĩ tại Nhật và Canada, đồng thời xuất bản nhiều công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín. Mặc dù có nhiều cơ hội để ở lại nước ngoài, nhưng anh Hùng quyết định về nước với mong muốn được góp sức mình để xây dựng quê hương, đất nước.

Dù đã là giáo sư nhưng anh Hùng vẫn thường xuyên tới thư viện đọc sách

Năm 2009, anh Hùng về công tác tại Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM, sau đó làm Trưởng bộ môn Công nghệ thực phẩm, rồi Trưởng phòng Quản lý khoa học, trường ĐH Quốc tế và được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư năm 2014. Năm 2022, PGS.TS Phạm Văn Hùng được bổ nhiệm chức danh Giáo sư ngành Sinh học. Với cương vị Trưởng phòng Quản lý khoa học, GS.TS Phạm Văn Hùng cho rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của trường ĐH phải là hoạt động trụ cột bên cạnh công tác giảng dạy. Do đó, sau khi làm trưởng phòng Quản lý khoa học, anh Hùng đã tham mưu Lãnh đạo nhà trường ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích các nhà khoa học tích cực tham gia NCKH, qua đó đã hình thành được 32 nhóm nghiên cứu tiêu biểu thuộc tất cả các lĩnh vực khoa học của nhà trường. Đề tài của các nhóm không chỉ tập trung vào nghiên cứu cơ bản, mà còn cả nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ sát với đời sống thực tiễn hiện nay.

Mặc dù bận rộn với công tác giảng dạy và quản lý khoa học nhưng GS.TS Phạm Văn Hùng vẫn luôn tích cực tham gia NCKH và công bố nhiều công trình khoa học trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế và quốc gia uy tín. GS.TS. Phạm Văn Hùng cũng là người xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu liên ngành Sinh học - Thực phẩm, Hóa học và Môi trường tại Trường ĐH Quốc tế. Các kết quả nghiên cứu của anh và nhóm nghiên cứu đã được công bố trong hơn 100 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín với tổng số trích dẫn gần 4.500 lượt (H-index = 33). GS.TS Phạm Văn Hùng là cá nhân xuất sắc có mặt trong danh sách 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới.

Làm khoa học phải xuất phát từ tình yêu và niềm đam mê công việc

tâm huyết, say mê trong nghiên cứu, GS.TS Phạm Văn Hùng và cộng sự đã tạo ra được các loại tinh bột có chỉ số đường huyết trung bình và thấp. Đây là tiền đề cho các nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng ở Việt Nam để phòng, chống các bệnh mãn tính của con người và đặc biệt dùng cho các bệnh nhân đái tháo đường và béo phì. Công trình nghiên cứu của GS.TS Phạm Văn Hùng đã phát hiện ra mối liên quan giữa cấu trúc phân tử của tinh bột gạo và khả năng tiêu hóa in vitro, khả năng sinh đường in vivo, qua đó tìm ra cơ chế kháng lại sự thủy phân của tinh bột đối với hệ enzim tiêu hóa có trong cơ thể người.

GS.TS Phạm Văn Hùng hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học

Công trình nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Food Chemistry - tạp chí khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sinh học nông nghiệp, được SCIMAGO xếp hạng 9/273 tạp chí chuyên ngành công nghệ thực phẩm. Đây cũng là công trình giúp anh Hùng vinh dự nhận được giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018, giải thưởng danh giá về nghiên cứu cơ bản của Việt Nam. Bên cạnh đó, GS.TS. Phạm Văn Hùng cũng được trao giải giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần thứ nhất năm 2019 cho những công trình nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo của mình.

Theo GS.TS Phạm Văn Hùng, hiện Việt Nam có tỷ lệ mắc bệnh thừa cân, béo phì và đái tháo đường tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh. Nguyên nhân chính gây bệnh đái tháo đường và béo phì là do cơ thể bị rối loạn chuyển hóa carbohydrate khi hormone insulin của tụy bị thiếu hụt, giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện ở mức đường trong máu luôn cao. Đối với người đã mắc bệnh béo phì và đái tháo đường thì ngoài việc uống thuốc hỗ trợ, cần phải có chế độ ăn hạn chế chất đường bột.

Việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm thực phẩm sinh đường thấp nhằm phòng, chống các bệnh béo phì, đái tháo đường là rất quan trọng và cần thiết. Từ thực tế trên cùng với các kiến thức, kinh nghiệm nghiên cứu có được khi làm việc ở các nước có nền khoa học tiên tiến trên thế giới, GS.TS Phạm Văn Hùng và các cộng sự đã tiến hành các nghiên cứu để tạo ra nhiều loại sản phẩm thương mại có khả năng sinh đường thấp dành cho các bệnh nhân béo phì và đái tháo đường.

Chia sẻ về thành công của công trình, GS.TS Phạm Văn Hùng cho biết: "Việt Nam là một nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu thế giới cũng như hàng ngàn các loại cây thuốc quý hiếm. Trong khi đó tỷ lệ các bệnh mãn tính như đái tháo đường, béo phì, tim mạch, ung thư ở Việt Nam đang ngày càng trở nên trầm trọng. Do đó, với tôi, nhiệm vụ của một nhà khoa học trong lĩnh vực sinh học nông nghiệp là phải tạo ra những sản phẩm có giá trị phục vụ sức khỏe cộng đồng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân, không chỉ được ăn ngon, mặc đẹp mà còn ăn để khỏe, ăn để chữa bệnh".

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang