(CAO) Trong nhịp sống Sài Gòn hiện đại, chúng ta rất khó để tìm về những hoài niệm xưa cũ. Để đánh thức hoài niệm ấy nhiều người đã tìm đến với chợ Cao Minh hay còn gọi là chợ ve chai, chợ đồ cổ,…
Mỗi đồ vật được kể bằng một câu chuyện, một chiếc đồng hồ cũ, một cái bàn là (bàn ủi) hay một tờ tiền của nhiều thập kỷ trước… đã đi vào huyền thoại.
Những món đồ cổ được bày bán từ hộp quẹt zippo cho đến những bình sành sứ cổ
Tọa lạc tại một con hẻm nhỏ trên đường Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh, TP. HCM, chợ Cao Minh từ lâu đã trở thành một điểm đến quen thuộc của nhiều người chơi đồ cổ ở Sài Gòn. Được tổ chức đều đặn từ 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều mỗi sáng chủ nhật hằng tuần, đây chính là nơi tụ tập thường xuyên của giới đam mê cổ vật cũng như những người muốn tìm hiểu về cổ vật, hay đơn giản là người muốn tìm về một vùng ký ức xưa cũ.
Trang sức bông tai, dây chuyền, mặt dây chuyền được giới cổ vật sưu tầm từ nhiều nơi trên thế giới như Ý, Pháp,…
Ra đời từ một hội chơi đồ cổ online trên Interner – cà phê Cao Minh chính là điểm kết cho những người thích sưu tầm cổ vật giao lưu, trao đổi lẫn nhau từ mạng ảo đến đời thực. Chủ quán cà phê là nhạc sĩ Cao Minh là người đầu tiên lên ý tưởng thành lập phiên chợ mang nhiều màu sắc ký ức này.
Anh kể, quán cà phê này trước đây là nhà tôi ở, trong lúc rảnh tôi hay lấy đồ ra ngắm nghía rồi vô tình gặp bạn cùng sở thích. Sau đó, số lượng đồ tăng dần nên tôi quyết định lập thành một quán cà phê để mọi người cùng nhau về đây giao lưu, trao đổi kiến thức về đồ cổ.
Uy tín nghề nghiệp chính là sức hút đối với người mua bán cổ vật tìm đến với chợ đồ cổ Cao Minh
Để tham gia chợ ve chai, trước khi vào cổng mỗi khách hàng phải mua phiếu với giá 30.000 đồng có giá trị với một phần ăn hoặc một phần nước uống tùy thích, đặc biệt với món xứ Quảng ngay trước cổng ra vào chợ. Đến đây người ta sẽ khó phân biệt đâu là chợ đâu là quán cà phê bởi các lối đi đa số là các sạp hàng bày bán đồ cổ và một không gian nhỏ chỉ dành cho khách ngồi thưởng thức cà phê.
Với la liệt hàng hóa được bày bán, thượng vàng hạ cám được các chuyên gia sưu tầm từ khắp mọi miền tổ quốc mang về đây. Những món đồ mang đầy kỷ niệm, về một thời đã xa mà người bán kể cho khách hàng nghe tại các quầy sạp hay ngược lại sự am tường của người mua còn được chia sẻ lại với người bán. Vì thế, nên đây cũng chính là sức hút khó có thể kiếm tìm ở một khu chợ nào khác, sự khiêm nhường, lịch sự luôn được mọi người chú ý.
Những cuốn sách được xuất bản từ nhiều năm trước cũng được bán tại đây
Anh Đinh Văn Hà chia sẻ: “Tôi tìm hiểu về đồ cổ đã lâu, mỗi một phiên chợ ở đây tôi đều tham gia vì đến đây tôi không chỉ được tìm lại một thời kỷ niệm đã qua, tìm những đồ vật vô giá và đối với tôi đồ cổ là những đồ vật có giá trị tinh thần rất lớn”.
Trong không khí xưa cũ, tụ hội của những người yêu thích cổ vật, nói là chợ ve chai nhưng thật ra là những đồ cũ, đồ xưa từ chục năm về trước với đầy đủ các chất liệu từ đồng đá cho đến gốm sứ… Khách tham quan không chỉ được thưởng thức cà phê trong giai điệu du dương của những bản tình ca mà còn được nhìn ngắm bầu không khí mua bán khoan thai mà không thiếu vắng đi sự nhộn nhịp, văn minh.
Trải qua một hành trình dài để tìm về kỷ niệm thông qua những món đồ cổ, không dễ dàng gì chợ Cao Minh trở thành một địa điểm chia sẻ đam mê cổ vật của nhiều người, đó là cả một hành trình lâu dài. Không giống như phố đồ cổ Lê Công Kiều (Q.1), chợ đồ cổ Cao Minh được tổ chức vào chủ nhật hằng tuần vì đa số khách hàng đến tham quan là đủ các tầng lớp xã hội, trong đó có công chức, văn phòng.
Vì thế, chợ được tổ chức vào chủ nhật để tạo điều kiện cho mọi người đến giao lưu, sẻ chia. Cạnh đó, một hội đồng các chuyên gia thẩm định về giá cả cũng được thành lập nếu khách hàng thấy giá trị cổ vật quá cao. Chính vì vậy nên chữ tín cũng được đặt lên hàng đầu khi đến mua bán tại đây.