(CAO) Những hình ảnh bình dị nhưng vô cùng ấm áp với hình ảnh những bình trà đá, thùng bánh mì, bơm vá xe, thuốc men,… miễn phí dành cho người lao động nghèo đã nói lên cái “tình” ở vùng đất Sài Gòn.
Một trong những nhà hảo tâm thường xuyên làm những công việc “miễn phí” dành cho người nghèo phải kể đến là chị Trang (trú hẻm 108 Phan Đình Phùng, Q. Phú Nhuận), nhắc đến chi mọi người như nhắc đến điểm tựa của người nghèo.
Thùng trà đá trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1)
Công việc chính của chị không phải là bơm vá xe nhưng chị vẫn sắm sửa dụng cụ và sẵn sàng sửa xe giúp người lao động nghèo. Cạnh đó, chị còn để một tủ thuốc nhỏ, trong đó có đủ các loại thuốc chữa bệnh thông thường.
Khi hỏi có mạnh thường quân nào tài trợ cho chị, chị cười: “Tôi nghèo nhưng may mắn hơn những người khác, ý thức được điều đó nên tôi tự sắm đồ đạc để ai cần gì thì lấy, giúp được gì tôi sẽ giúp, có người thấy vậy nên cũng mua thuốc men rồi tự bỏ vào. Tôi làm chỉ vì nghĩ, khi mình tốt với ai họ sẽ tốt với mình, cuộc sống cho đi là nhận lại”.
Đối với người Sài Gòn, hình ảnh những bình trà đá miễn phí đã trở nên quen thuộc hơn bao giờ hết. Giữa cái nóng bức, thất thường của thời tiết Sài Gòn, bình trà đá miễn phí ở các ngã tư đèn giao thông chính là cứu cánh cho người lao động.
Chị Trang bên thùng thuốc
từ thiện của mình
Chú Nghĩa (53 tuổi, Bến Tre) lên Sài Gòn bán vé số dạo đã 5 năm nay, chú nói: “Một ngày đi bộ dưới cái nắng nên người mệt mỏi thường xuyên, vì thế những bình trà đá miễn phí ở nhiều tuyến đường đã giúp tôi không phải mất tiền mua nước uống, bán 1 tờ vé số chỉ lời 1.000 đồng mà mua nước ít nhất gì cũng gần chục ngàn rồi nên có những thùng trà như vậy tôi thấy ấm lòng lắm.Vừa uống vừa rót ra bình mang theo, nước ở nhà mang theo không bao giờ đủ”.
Một cử chỉ ấm lòng khác của người Sài Gòn nữa cần phải kể đến chính là việc phát cơm từ thiện ở nhiều bệnh viện. Theo tìm hiểu của phóng viên, việc làm này xuất phát từ nghĩa cử cao đẹp của nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân hay một vài nhóm bạn trẻ cùng quyên góp để thực hiện…
Tại bệnh viện Ung Bướu hằng ngày đều có người đến phát cơm từ thiện đã phần nào giúp cho bệnh nhân ở quê lên Thành phố thăm khám tiết kiệm chi phí. Chị Hằng (40 tuổi, Tây Ninh) cho biết: “Đến bệnh viện thăm khám với biết bao nhiêu việc phải lo nghĩ, nhà lại nghèo, tiền lo thuốc thang đã nhiều nên thấy người ta phát cơm miễn phí tôi mừng lắm, ngày nào tôi cũng ra đây ăn nhờ cơm, đỡ đần một phần chi phí sinh hoạt cho gia đình”.
Phát cơm từ thiện ở bệnh viện Ung Bướu
Có lẽ, người Sài Gòn đã không còn xa lạ với những thùng bánh mì miễn phí trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q. Bình Thạnh, TP. HCM). Đây là tủ bánh mì của bà Lan – chủ một cơ sở thẩm mỹ trên đường này. Từ mờ sáng đã có người giao đến 150 ổ bánh mì, nếu hết bà Lan sẽ cho nhân viên bỏ thêm vào.
Bà Lan chia sẻ: “Đừng chụp hình tôi làm gì, việc này trong khả năng của tôi nên tôi làm, nhìn họ có miếng ăn thêm tôi cũng nhẹ lòng, có nhiều người lấy 2, 3 ổ nhưng tôi không nói gì, tôi cũng dặn nhân viên của mình không được la rầy họ vì nhỡ đâu họ lấy giúp ai thì sao”.
Thùng bánh mì miễn phí của chị Lan trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q. Bình Thạnh)
Sài Gòn là quê hương thứ hai của những người con xa xứ, ở đây người ta đôi khi chạnh lòng vì nhớ nhà nhưng bù lại người Sài Gòn đem đến cho họ cảm giác thân thiện, ấm áp bởi những hành động “miễn phí” này.
Sài Gòn nhiều lắm những tấm lòng nhân đạo, thỉnh thoảng các quán cơm cũng làm từ thiện bằng việc hằng tuần đều có ngày ăn miễn phí hoặc chỉ 2.000 đồng/ suất cơm. Việc làm này khiến cho những người nghèo thêm niềm tin và động lực vươn lên số phận. Để mỗi người trong chúng ta hiểu rằng đâu đó trong cuộc sống này vẫn còn tình người, vẫn còn những trái tim yêu thương lan tỏa.