Chuyện thường ngày: Lỗ hổng đạo đức

Thứ Ba, 08/08/2023 11:01

|

(CATP) Dư luận đã nhiều lần nóng lên trước chuyện "Bạo lực học đường" với hàng loạt vụ việc như: nữ sinh bị đánh hội đồng, xé áo, bắt quỳ gối giữa đường rất giống cảnh bạo lực trong phim xã hội đen. Những cảnh bạo lực hạ nhục bạn cùng lớp như thế này không chỉ diễn ra giữa thực tế xã hội mà còn bị quay phim, tung lên mạng Internet.

Trước đó cũng đã xảy ra tình trạng nữ sinh đánh nhau vì những mâu thuẫn nhỏ, không hiếm những vụ việc nam sinh "thanh toán" nhau tại lớp học, hay ngay trước cổng trường. Nguy cơ cho đạo đức xuống cấp hơn nữa là chuyện học sinh đánh thầy, rượt chém thầy để giải quyết hiềm khích cá nhân ngay hành lang lớp học hoặc đón đường, chặn ngõ để ra tay "nguội".

Tư Văn Nghệ nghĩ rằng, chúng ta nên bình tĩnh nhìn nhận một vấn đề mang tính thực tiễn xã hội chứ không nên lấp liếm, che giấu cho rằng đó chỉ là những trường hợp cá biệt. Bởi vì những trường hợp cá biệt chỉ xảy ra một, hai lần, hoặc thậm chí "sự bất quá tam" rồi chấm dứt chứ không phải tái diễn nhiều lần và mang tính lây lan trong thời gian qua và không hy vọng gì sẽ chấm dứt nếu không có một giải pháp khả thi để giải quyết tình trạng đáng buồn này.

Tại sao lại xảy ra nạn "bạo lực học đường" và ai có lỗi? Lâu nay, các phân tích từ dư luận, nhà trường, gia đình, đoàn thể, các chuyên gia tâm lý lẫn cán bộ có trách nhiệm của ngành Giáo dục & Đào tạo đều mang tính chung chung, mỗi "ngành nghề", mỗi "phía" lãnh trách nhiệm một ít và chính vì cái lỗi "chung chung", mỗi nơi "nhận một ít" này mà sự thể kéo dài, ngày càng nghiêm trọng và không có biện pháp khả thi để giải quyết dứt điểm.

Nguyên nhân của vấn đề bạo lực học đường đáng lo và đáng báo động như hiện nay người ta cho rằng do sự "vô cảm" của xã hội nên để một lớp thanh thiếu niên thế hệ "tuổi teen" thay vì trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân chuẩn của xã hội trong tương lai, đã trở thành những "vệt mờ" trên chân trời Giáo Dục, tấm gương xấu của học sinh và nỗi lo của chuẩn mực đạo đức con người mới xã hội chủ nghĩa. Điều này đúng nhưng chưa đủ.

Theo Tư Văn Nghệ, nguyên nhân chủ yếu, mấu chốt của vấn đề chính là do Giáo dục mà ra. Lỗ hổng đạo đức này cần làm rõ trách nhiệm, gõ đúng cửa, đúng địa chỉ chứ không nên nói một cách chung chung kiểu đổ thừa cho... xã hội rồi coi như xong.

Vậy nên:

Trách nhiệm mà nhận chung chung

Giống như đập muỗi lung tung trong mùng

Tay này có tay kia không

Giống như trách nhiệm mênh mông... mịt mờ!

Bình luận (0)

Lên đầu trang