Xảy ra bạo lực học đường: Ai mới là nạn nhân?

Thứ Tư, 01/06/2022 08:51

|

(CATP) Mọi hành vi bạo lực (BL) xảy ra trong môi trường học đường đều đáng bị lên án. Tuy nhiên, nạn nhân của những vụ việc này không chỉ là những học sinh (HS) bị bạn bè tấn công, mà còn là những em bị ám ảnh bởi xu hướng BL.

Bênh vực kẻ yếu hay “câu like”?

Đơn cử vụ việc xảy ra tại một trường quốc tế ở TP.Thủ Đức (TPHCM) ngày 28-5 vừa qua, thay vì thể hiện thái độ góp ý chân thành cho cả hai bên, cộng đồng mạng (CĐM) và cả những người trong cuộc lại trút sự phẫn nộ lên nữ sinh đã tấn công bạn mình trong trường bằng những hành động trù dập không thương tiếc trên mạng, điều đó có thể gián tiếp khiến tương lai một đứa trẻ bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực.

Nhiều trang mạng xã hội lợi dụng sự việc bạo lực xảy ra ở một trường quốc tế để sản xuất video nhằm “câu” lượt tương tác

Những ngày qua, tuần suất tìm kiếm thông tin liên quan đến vụ bạo lực học đường (BLHĐ) xảy ra tại trường quốc tế ở P.An Khánh (TP.Thủ Đức) luôn “đạt top”. Tất cả những bài viết, hình ảnh, video, kể cả những câu chuyện chưa được kiểm chứng xung quanh vụ việc này khi đăng tải đều nhận về những con số tương tác “khủng”.

Đây được xem là thời cơ vàng cho nhiều trang mạng xã hội (MXH), hội, nhóm trên các nền tảng giao lưu trực tuyến khai thác tối đa. Thậm chí, nhiều người đã lập hẳn các trang mới, tận dụng dòng sự kiện “câu” người theo dõi, để khi đạt đủ số lượng, họ sẽ chuyển tên trang rồi bán lấy tiền hoặc phục vụ mục đích kinh doanh khác.

Điều đáng nói là thay vì chia sẻ những nội dung mang tính giáo dục, các bài viết này đều xoay quanh những câu nói, phát ngôn và hình ảnh gây tranh cãi nhằm thu hút sự tranh luận của người sử dụng mạng, khiến sự việc ngày càng “nóng”. Thậm chí, khi đề tài khai thác cạn kiệt, các trang mạng này lại quay sang đào sâu đời tư của cả bị hại lẫn bên “châm ngòi” sự việc...

Nhiều người dùng mạng xã hội đào bới hình ảnh cá nhân của những người trong cuộc để tấn công không thương tiếc

Tiếp đó, chiến lược kêu gọi đánh giá 1 sao trên mạng internet đối với trường quốc tế này nhanh chóng được CĐM kêu gọi. Nhưng điều đáng nói là một ngôi trường khác hoàn toàn không liên quan đến vụ việc lại phải nhận “cơn mưa” đánh giá tệ một cách oan uổng.

PGS.TS Trần Tiến Khoa - Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) - cho biết: “Hai hôm nay rất nhiều thông tin phản hồi tiêu cực về trường hợp này xuất hiện trên mạng, khiến nhiều người phản ứng mạnh bằng cách vào công cụ tìm kiếm của Google đánh giá 1 sao về chất lượng. Sự nhầm lẫn này khiến trường chúng tôi bị ảnh hưởng...”.

Trường đại học quốc tế lên tiếng trước sự việc tấn công oan ức của cộng đồng mạng

Chưa dừng ở đó, nhiều “KOLS” (người có sức ảnh hưởng trên mạng) còn tự mình biên diễn lại những câu chuyện về BLHĐ theo chiều hướng tiêu cực khiến dư luận thêm sục sôi… Ngoài ra, nhiều tổ chức phản động, các hội nhóm quốc tế lợi dụng dân chủ, số đối tượng thường xuyên chống đối Đảng, Nhà nước đã nhân cơ hội này đưa ra những lời lẽ xuyên tạc nhằm định hướng dư luận với mục đích cuối cùng: Bôi nhọ uy tín ngành Giáo dục trong nước!

Xử lý bạo lực học đường thế nào?

Ngay sau khi biết con gái mình bị bạn tấn công, việc bà T. - mẹ của nữ sinh nạn nhân trong vụ việc - đã bảo vệ con rất quyết liệt. Đây cũng là hành động thường thấy của người trong cuộc, nhưng sau đó nhiều phát ngôn và hành động thiếu kiềm chế đã khiến sự việc càng lúc càng bị đẩy đi quá xa. Từ chỗ bảo vệ con cái, qua đó giúp cải thiện môi trường giáo dục, việc bà T. có những lời lẽ nặng nề trong các buổi livestream trên MXH khiến sự việc dần trở thành cuộc khẩu chiến một chiều.

Nhiều người nổi tiếng nhân sự việc này đã sản xuất nhiều video có nội dung tiêu cực nhằm “câu” tương tác trên mạng xã hội

Đằng sau vụ việc này, dư luận cần quan tâm hơn đến cách giải quyết của nhà trường và những bên liên quan, về biện pháp giáo dục để con trẻ không tiếp tục lặp lại những hành vi tương tự. Nhưng dường như suốt nhiều ngày qua, những mong muốn về vấn đề này vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng khiến vấn nạn “tin bẩn”, “tin độc hại” được dịp phát tán.

Trao đổi với phóng viên Báo Công an TPHCM, bà Nguyễn Thị Ngọc - một hiệu trưởng trường THPT đã nghỉ hưu ở TPHCM - cho rằng: Các bậc phụ huynh (PH) đừng mặc định suy nghĩ trong đầu rằng cho con học ở trường quốc tế, học phí hàng trăm triệu đồng mỗi năm là sẽ không có BLHĐ. Nhiều gia đình có điều kiện về kinh tế nên phó thác hoàn toàn việc quản lý cho nhà trường, mà không dành cho con cái bất kỳ sự quan tâm nào.

Để có một môi trường học tập lành mạnh, an toàn không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố cơ sở vật chất, mà còn dựa trên các tiêu chí nề nếp, kỷ luật nhà trường bên cạnh đạo đức, sự tâm huyết của giáo viên... Nhưng trên hết vẫn là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Vì vậy, bất kỳ cơ sở giáo dục, trường công lập hay quốc tế nào nếu không làm tốt được điều này thì BLHĐ xảy ra cũng không có gì bất ngờ”.

Cùng quan điểm, chị Trần Ánh Tuyết (ngụ Q5) tâm tư: “Qua sự việc lần này, tôi lo sẽ tạo ra những ảnh hưởng tâm lý không tốt cho các em HS. Các em dù ở phía nào cũng cần được người lớn, nhà trường và xã hội dành sự quan tâm, yêu thương và cả những bài học cần thiết. Chúng ta nên sớm dừng lại những hành động bới móc đời tư và tấn công các em từ nền tảng MXH”.

Nhiều chuyên gia tâm lý nhận định, hành vi BL của trẻ em tại trường học được xem là cách các em giải tỏa ức chế, khúc mắc phát sinh với bạn bè khi chưa làm chủ được bản thân và cảm xúc, những hành động này bộc phát một phần do ảnh hưởng từ gia đình và môi trường sống.

Khi phát hiện sự việc mâu thuẫn giữa con mình và các bạn trong trường hay phát sinh BLHĐ, phụ huynh đừng vội đổ lỗi và nghĩ đến những hình phạt khắc nghiệt dành cho đối tượng đã gây ra, mà cần bình tĩnh nhìn nhận sự việc và đưa ra hướng giải quyết phù hợp, để trẻ có thể nhận ra cái sai và đi đến tự hòa giải.

Trong bất kỳ vụ việc BLHĐ nào, cả người chủ ý gây chuyện lẫn các em HS bị bắt nạt đều là nạn nhân: một bên là nạn nhân của hành vi BL và bên kia là nạn nhân của sự thiếu quan tâm, chăm sóc dẫn đến các hành vi không chuẩn mực trong môi trường học đường.

Mỗi PH ngoài bảo bọc, chăm lo cho con cái cần phát huy hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong nhiệm vụ quản lý, giáo dục con em. Đừng vì sự tức giận mà khiến sự việc bị đẩy đi quá xa, từ đó khiến các em nhận thêm vết thương tinh thần bên cạnh nỗi đau về thể xác.

Sự việc xảy ra tại Trường quốc tế American Academy (ISHCMC-AA) khi một HS được cho là có võ đã đấm vào ngực, xô xát với 4 HS khác khiến các em này chảy máu, xây xước tay, cổ, khó thở, sang chấn tâm lý… Chị T. , phụ huynh em HS bị đánh nặng nhất do bức xúc đã vào trường tìm hiểu sự việc, yêu cầu nhà trường phối hợp làm việc nhưng phía PH và HS đánh bạn lại tỏ thái độ thách thức. Trong khi đó, theo phụ huynh T., phía nhà trường chỉ đưa số điện thoại của các PH để tự giải quyết với nhau, nhưng chị T. không đồng ý. Liên tục những ngày qua, phụ huynh T. tổ chức livestream trên MXH thể hiện sự bất bình.

Bình luận (0)

Lên đầu trang