TPHCM: Nhiều biện pháp phòng ngừa, ứng phó với an ninh phi truyền thống

Thứ Hai, 30/05/2022 18:33

|

(CAO) TPHCM đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức về an ninh phi truyền thống như an ninh y tế, phòng chống dịch bệnh; xung đột xã hội và mối đe dọa dẫn đến những tình trạng khẩn cấp… Trong đó có những vấn đề chưa từng có tiền lệ như dịch bệnh Covid-19.

Đây là nội dung được các chuyên gia, nhà nghiên cứu đưa ra tại Hội thảo “Phòng ngừa, ứng phó các mối đe dọa, khủng hoảng, thảm họa an ninh phi truyền thống trên địa bàn TPHCM”, do Viện An ninh phi truyền thống (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp cùng Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM và Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân (Bộ Công an) tổ chức vào chiều nay (30-5).

Đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các cơ quan chức năng, các đơn vị thuộc lực lượng Công an đến tham dự hội thảo.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Thiếu tướng Lê Hồng Nam – Giám đốc Công an TPHCM cho biết, với vị thế là đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, TPHCM đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh bảo đảm, giữ vững “an ninh truyền thống”, đã xuất hiện những vấn đề “an ninh phi truyền thống” mới, đòi hỏi phải có những giải pháp ứng phó cấp thiết và mạnh mẽ.

Dẫn chứng công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 diễn ra trong thời gian qua, lãnh đạo Công an TPHCM cho biết đây là vấn đề chưa từng có tiền lệ. Theo đó, lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các đối tượng chống phá trong nước cấu kết cùng các thế lực ở nước ngoài không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá, kích động, khai thác nhiều vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận để phát tán thông tin xuyên tạc, gây rối trên địa bàn TP.

Thậm chí, một số đối tượng còn lợi dụng các hoạt động xã hội từ thiện để phát triển lực lượng. Trước tình hình trên, Công an TP đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Thành uỷ - UBND TPHCM, xác định mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác công an, chủ động phản bác các thông tin sai lệch, phát huy vai trò nòng cốt, xung kích của các đơn vị công an để “biến nguy… thành cơ”, góp phần đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan chức năng, đơn vị công an dự hội thảo 

Ngay khi dịch bệnh bùng phát, các đơn vị Công an TPHCM đã nhanh chóng thiết lập hơn 60 chốt, trạm kiểm dịch tại các cửa ngõ TP; tổ chức "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, phát hiện và ngăn chặn kịp thời lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Ngoài ra, CATP đã xử lý 119 người nước ngoài nhập cảnh trái phép, phát hiện và xử lý 68 vụ kinh doanh, mua bán khẩu trang không rõ nguồn gốc và sản xuất, kinh doanh găng tay, đồ bảo hộ y tế giả.

Đồng thời, CATP đã nhanh chóng nắm bắt và dự báo được tình hình để tham mưu cùng lãnh đạo TP trong việc thiết lập “vùng xanh”, ứng dụng công nghệ trong kiểm soát và cấp giấy đi đường, xây dựng các phương án bảo đảm an ninh trật tự tại các khu cách ly. Ngoài ra, lực lượng CATP đóng vai trò nòng cốt đã huy động được quần chúng nhân dân cũng như cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác chăm lo, thực hiện tốt an sinh xã hội cho người dân, góp phần vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Trên cơ sở nhận diện sâu sắc các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, Thiếu tướng Lê Hồng Nam cho rằng dù mang tính “phi truyền thống” nhưng các vấn đề an ninh này lại có tính tương quan, tương hỗ với các vấn đề “an ninh truyền thống”. Kết quả thực hiện ứng phó với các vấn đề “an ninh phi truyền thống” góp phần “biến nguy cơ thành cơ hội thuận lợi” để thực hiện các mặt công tác công an, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống biểu tình, gây rối trật tự công cộng…

“Nhờ đó, tình hình tội phạm trên địa bàn TP năm 2021 được kéo giảm 9,8% so với năm 2020, một con số kéo giảm sâu rất ấn tượng”, Thiếu tướng Lê Hồng Nam đúc kết.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội thảo

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã trình bày các tham luận liên quan đến các vấn đề xung đột xã hội và mối đe dọa dẫn đến những tình trạng khẩn cấp; An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong bối cảnh TP đang đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh và xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, an ninh môi trường và an toàn thực phẩm, an ninh y tế, phòng chống dịch bệnh….

Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng “an ninh phi truyền thống” hiện nay đã trở thành là một thành tố quan trọng của an ninh quốc gia cũng như an ninh toàn cầu. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, nhiều lĩnh vực “an ninh phi truyền thống” đã và đang tác động thường xuyên, mạnh mẽ đến an ninh, an toàn của mỗi địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Với tính chất đặc thù và quan trọng của TPHCM, các đại biểu cho rằng cần phải không ngừng nâng cao về nhận thức lý luận về các vấn đề an ninh phi truyền thống và vận dụng vào thực tiễn để giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Bình luận (0)

Lên đầu trang