Liên tiếp xảy ra bạo lực học đường: Bất an trong ứng xử ở môi trường giáo dục

Thứ Bảy, 05/11/2022 12:33

|

(CATP) Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục (GD) Việt Nam - đã thốt lên rằng: "Khi ép một ông thầy, đặc biệt là hiệu trưởng, quỳ xuống thì không chỉ hạ nhục, bôi nhọ họ, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến vai trò GD học sinh (HS). Các em sẽ nghĩ gì khi chứng kiến hoặc biết người thầy, đặc biệt là hiệu trưởng, phải quỳ gối trước một phụ huynh (PH) bặm trợn, hung hăng cầm dao đến dọa?". Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ bạo hành (BH) trong môi trường GD, cũng như giữa các nhóm HS với nhau, gây nhức nhối dư luận...

Nhức nhối hành vi "làm nhục" thầy giáo

Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về trường hợp xảy ra mới đây tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) khiến nhiều PH, HS nhớ lại một số vụ việc đáng tiếc từng xảy ra đối với thầy cô giáo, PH, HS... Tuy nhiên, cách ứng xử "khen, che, nêu tên, xử phạt" trong GD như hiện nay cũng cần phải xem lại.

Nguyên nhân bước đầu xác định, sáng 24-10 sau tiết chào cờ đầu tuần, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lâm gọi 30 HS chưa tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) lên trước sảnh văn phòng vận động, tuyên truyền để các em về trao đổi với PH về việc tham gia BHYT (đây có thể nói là vấn đề tế nhị, cần cân nhắc). Sau đó, một số PH đã tham gia đóng BHYT cho con em. Đến ngày 30-10 còn lại 14 em chưa đóng nên nhà trường tiếp tục gửi giấy mời PH lên để cùng trao đổi về vấn đề này. Sáng thứ hai, ngày 31-10 trong buổi chào cờ đầu tuần, nhà trường tiếp tục mời một số HS, trong đó có hai con học lớp 1 và 5 của ông Võ Văn Điệp (ngụ thôn Lâm Bình, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), đứng dậy... Đến chiều cùng ngày, ông Điệp vác dao xông vào trường lăng mạ giáo viên (GV). Sau đó, ông này tìm gặp thầy hiệu trưởng đe dọa, bắt quỳ xuống xin lỗi.

Theo một chuyên gia về GD, sự việc trên không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, danh dự nhà giáo, mà còn cho thấy lỗ hổng lớn trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học (đặc biệt là lực lượng bảo vệ của trường). Tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) vẫn xảy ra ở nhiều địa phương, trong đó liên tiếp là các vụ HS đánh nhau hoặc bị đánh hội đồng, thầy đánh trò... Tuy nhiên, việc PH vác dao xông vào trường đe dọa GV, bắt hiệu trưởng phải quỳ xuống xin lỗi là sự việc gây rúng động, có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng nhà giáo.

Ngày 04-11, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Hương Sơn cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Võ Văn Điệp về hành vi "làm nhục người khác".

Công an lấy lời khai một trường hợp bạo lực học đường

Phải xử lý nghiêm theo pháp luật

Qua vụ việc này, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho biết: "Lâu nay, thầy cô dạy dỗ HS không chỉ bằng lời nói mà còn thông qua nhân cách, hình ảnh của chính mình. Người cầm hung khí vào trường đe dọa thầy hiệu trưởng cần phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật, không thể xuê xoa bằng vài lời xin lỗi, để qua đó nhằm răn dạy những trường hợp khác rằng trường học không phải là nơi có thể hành xử tùy tiện".

Tiến sĩ Lâm cũng chỉ ra rằng: "Cần siết chặt quy trình đảm bảo an ninh, an toàn trường học. Mỗi ngôi trường có hàng trăm, hàng nghìn HS, cần đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng các em, phòng chống tình trạng xâm hại tình dục, bắt nạt... Bằng phương thức nào đó, như bảo vệ (BV), giám sát, gắn chuông khẩn cấp để ấn nút ứng cứu khi xảy ra tình huống... Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cần kiến nghị với các địa phương đưa vấn đề này trở thành quy chế trường học và thực hiện ở tất cả các trường".

Mặt khác, nhà trường luôn phải có đội ngũ BV được huấn luyện để đối phó với các tình huống có nguy cơ gây mất an toàn cho GV, HS. Trong trường hợp này, khi thấy PH cầm dao qua cổng trường, lực lượng BV phải lập tức giữ lại, kêu gọi sự trợ giúp, không được để vào bên trong.

Bên cạnh đó, các trường cũng cần rút kinh nghiệm trong việc ứng xử phù hợp với văn hóa, môi trường sư phạm. Trong trường hợp trên, một số HS chưa nộp tiền BHYT, bị trường phát loa gọi tên có thể làm tổn thương danh dự các em. Hiện nay, khi HS chưa thực hiện hoặc vi phạm vấn đề nào đó, Ban giám hiệu không nên nêu tên, cảnh cáo trước trường, trước cờ, mà chỉ nêu sự việc để cùng tìm hướng giải quyết, cân nhắc "khen, chê” thế nào cho hợp lý trong môi trường GD.

Hiện nay, những thông tin về vụ việc đã lan truyền qua các video, clip trên mạng xã hội (MXH), các vụ ẩu đả của các em HS khiến dư luận lo ngại, phẫn nộ về sự gia tăng cùng tính chất côn đồ, hung hãn của hành vi BLHĐ, mà nạn nhân thường là một người bị nhóm HS đấm đá, cá biệt có vụ dùng hung khí (dao), mũ bảo hiểm... đánh gây thương tích. Một số vụ người xem quay lại video, clip chia sẻ rộng rãi hoặc phát livestream trên Facebook làm ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống của nạn nhân, gây phức tạp an ninh trật tự tại địa phương. Điều đáng nói, trong hầu hết các vụ việc đều có nhiều HS chứng kiến, nhưng không ai can ngăn, thậm chí còn cổ vũ, tỏ ra vô cảm...

Có thể nhận thấy tình trạng BLHĐ hiện đang diễn ra phức tạp, chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt thường ngày mà hầu hết ứng xử với nhau thiếu lòng nhân ái, trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam. Càng đáng lo hơn khi xảy ra nhiều trường hợp nữ sinh đánh hội đồng, với những cử chỉ thô bạo dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Một vụ học sinh đánh nhau trước cổng trường, nhiều em vô cảm đứng nhìn

Theo các chuyên gia tâm lý, hiện tượng BLHĐ không phải là mới, song thời gian gần đây xảy ra thường xuyên hơn, cả trong môi trường học đường lẫn bên ngoài..., dù chỉ xuất phát từ việc va chạm trong lúc chơi đùa trên đường đi học, mâu thuẫn dẫn đến nói xấu nhau trên các diễn đàn, MXH...

Vấn nạn BLHĐ là vấn đề nhức nhối trong văn hóa ứng xử ở môi trường sư phạm vốn lâu nay vẫn được nhìn nhận là nhân văn, thân thiện. Dù chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh" nhưng hậu quả để lại đã kéo theo nhiều hệ lụy khó lường cho xã hội. Trước thực trạng này, Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp luật, trong đó quy định về việc phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật nói chung và phòng, chống BLHĐ nói riêng...

Song song với đó, Bộ GD- ĐT đã tích cực, chủ động triển khai các giải pháp để phòng ngừa và đẩy lùi tình trạng BLHĐ. Theo đó, bộ đã chỉ đạo cơ quan quản lý GD các cấp, các cơ sở GD đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, GV, nhân viên, HS, gia đình các em và cộng đồng về phòng, chống BLHĐ; phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi này...

Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế, việc triển khai các quy định trên còn gặp không ít khó khăn, như cơ sở vật chất nhiều nơi thiếu các hạng mục tối thiểu để bảo đảm an toàn cho GV, HS; trong khi công tác tuyên truyền bị hạn chế do thời lượng phải cắt giảm, việc tổ chức hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm dành cho HS thiếu cả về không gian lẫn thời gian và kinh phí tổ chức; thậm chí ở một số nơi ít được sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng sự phối hợp của các lực lượng xã hội với nhà trường...

Để ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước chấm dứt tình trạng BLHĐ rất cần sự chung tay của toàn xã hội, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và ban ngành các cấp, các tổ chức đoàn thể xã hội... Cụ thể, các cơ quan quản lý nhà nước cần thắt chặt việc kiểm soát những thông tin, nội dung đăng trên internet, phim ảnh và trò chơi lưu hành trên thị trường, những hội nhóm được thành lập với mục đích lôi kéo giới trẻ...

Chính quyền địa phương cần chủ động làm trong sạch môi trường xã hội xung quanh các cơ sở GD trên địa bàn, cũng như phát huy vai trò của các ban ngành, tổ chức đoàn thể tại chỗ trong phối hợp với nhà trường và gia đình quản lý, GD học sinh cá biệt hoặc có hoàn cảnh đặc biệt.

Nhà trường cần chủ động trong việc trao đổi thông tin với PH để có thể nắm bắt tình hình cũng như biểu hiện của HS. Mặt khác, cần chú trọng giảng dạy một số môn học về kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống, trang bị thêm kiến thức cho các em HS về những hành động đẹp, tăng cường tinh thần trách nhiệm cũng như ý thức đấu tranh đẩy lùi BLHĐ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang