TPHCM: Dịch sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến phức tạp

Thứ Sáu, 04/11/2022 08:31  | Nam Anh

|

(CATP) Dù đã cuối mùa mưa nhưng trên địa bàn TPHCM, bệnh sốt xuất huyết (SXH) vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, mà đang có chiều hướng gia tăng. Số ca mắc trên địa bàn thành phố (TP) hiện chiếm 1/4 cả nước. Khoa Nhiễm của các bệnh viện (BV) đang rơi vào tình trạng quá tải, nhiều nơi phải kê giường ra hành lang. Sở Y tế (YT) đã cho phép BV Nhi đồng TP tăng thêm giường để tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhi.

66.699 ca bệnh trong vòng 10 tháng

Ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) TPHCM - cho biết, từ đầu năm đến nay có 29 trường hợp tử vong do SXH; riêng tháng 10 có 5 ca tại Củ Chi, Bình Chánh, Bình Tân, TP. Thủ Đức. Khoảng 75% số trường hợp tử vong do SXH là người lớn; trong đó, từ đầu năm đến cuối tháng 10 trên địa bàn TPHCM, số người mắc SXH đã lên đến 66.699 trường hợp, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó số ca nặng là 1.477 và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, nhiều BV ở TP phải gánh thêm bệnh nhân (BN) các tỉnh lân cận đến điều trị nên tất cả khoa Nhiễm đều rơi vào tình trạng quá tải.

Trung bình mỗi tuần, các BV trên địa bàn TP khám, điều trị cho hơn 2.320 BN. Hiện hầu hết quận huyện ở TP đều có BN mắc SXH, dịch xuất hiện tại các quận 10, 11, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú, TP. Thủ Đức cùng các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè đã tăng cao vượt mức báo động. Địa phương có số người mắc bệnh nhiều nhất là Q12 (tăng đến 135%).

Trong khi đó, tại khoa Nhiễm các BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, trong tháng 10 số trẻ mắc SXH, tay chân miệng đến khám, điều trị tiếp tục tăng. Tại khoa SXH của BV Nhi đồng 1 thời gian gần đây có hơn 250 trẻ đang được điều trị. Đang chăm sóc con tại BV Nhi đồng 2, chị Trần Thị Mỹ Hạnh (ngụ TP. Thủ Đức) cho biết, con trai chị là Nguyễn Lê Anh Duy (4 tuổi) có triệu chứng sốt nên gia đình đưa vào BV đa khoa Thủ Đức cấp cứu, sau đó chuyển lên BV Nhi đồng 2. Người mẹ trẻ với đôi mắt đỏ hoe cho biết, cứ tưởng Duy sốt bình thường như những lần trước, chỉ cần kê đơn lấy thuốc về uống, nhưng sau khi xét nghiệm, nghe bác sĩ thông báo Duy bị SXH, gia đình mới tá hỏa.

Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết đến điều trị khiến các bệnh viện trở nên quá tải

Theo Phòng Kế hoạch tổng hợp - BV Nhi đồng 2, trái ngược với thông lệ hàng năm, trong 3 tháng trở lại đây, số trẻ đến khám và điều trị nội - ngoại trú về SXH liên tục xếp đầu bảng. Trong tháng 10, toàn TP ghi nhận 5 trường hợp tử vong do SXH. Ổ dịch nằm ở một số quận vùng ven như Bình Tân, quận 12, huyện Hóc Môn và Bình Chánh, những nơi có nhiều công trình xây dựng dang dở, các hộ kinh doanh phế liệu dẫn đến tình trạng ao tù, nước đọng...

Trước tình hình SXH gia tăng nhanh chóng, ngày 30-9 tại BV Nhi đồng 1 đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề "Bệnh SXH, cách nhận biết dấu hiệu và chăm sóc tại nhà” do BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa SXH - tư vấn, qua đó cung cấp những thông tin cơ bản, cần thiết trong việc chữa trị, phòng bệnh, thu hút hàng trăm phụ huynh, giáo viên mầm non, tiểu học và người chăm sóc trẻ trên địa bàn TP tham dự.

Hiện bệnh này đã được đưa vào chủng loại nguy hiểm vì chưa có thuốc đặc trị cũng như vắc-xin phòng ngừa. Người bệnh thường có triệu chứng sốt, nhức đầu, sau đó tay tê liệt, không thể cử động. Thời gian sốt ở trẻ thường kéo dài 5-8 ngày, người lớn có thể lên đến 8-12 ngày, trường hợp nặng sẽ rơi vào hôn mê rồi tử vong. Sau 3-4 ngày bệnh, trên da BN xuất hiện những dấu chấm nhỏ màu đỏ. Riêng trường hợp xuất huyết não rất khó nhận biết, vì biểu hiện ban đầu không rõ ràng, nhưng rất dễ tử vong. Trước đó, tại BV Bệnh nhiệt đới đã tổ chức tập huấn cho các điều dưỡng, kỹ thuật viên về chuyên đề "Chăm sóc, theo dõi bệnh nhân SXH Dengue".

Quyết liệt dập dịch

Để ngăn chặn dịch bệnh này, từ tháng 8-2022 đến nay Trung tâm YTDP thành phố đã lập 3 đoàn giám sát công tác phòng, chống dịch và đến nay đã giám sát được 14/22 quận huyện cùng TP. Thủ Đức. Qua đó ghi nhận dịch bệnh gia tăng tại một số địa phương do kiểm soát chưa tốt các điểm có nguy cơ gây bệnh như bãi rác, hộ kinh doanh vỏ xe, phế thải tồn tại trên địa bàn, hộ gia đình có nhiều bể chứa..., những nơi tạo điều kiện cho loại muỗi truyền bệnh sinh sôi nảy nở.

Diệt lăng quăng, bọ gậy giúp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Hiện khoảng 75% số ca tử vong do SXH là người lớn, có những trường hợp đến BV trễ làm gia tăng nguy cơ tử vong do không được điều trị kịp thời. Trong tháng 10, toàn TP ghi nhận 534 ổ dịch mới phát sinh ở 67 phường, xã thuộc 19/22 quận huyện và TP.Thủ Đức. Tổng số ổ dịch được phun hóa chất là 534 và có 4 phường, xã xử lý ổ dịch trên diện rộng. Tổng cộng 310 lượt tiến hành diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ ở 137 phường, xã thuộc 22/22 quận huyện, TP.Thủ Đức.

Ngành Y tế khuyến cáo, khi có dấu hiệu sốt 2-3 ngày, cơ thể giống bị suy kiệt, kéo dài không thể làm được việc gì, rơi vào tình trạng nhức đầu, đau người, rát họng và không ăn uống được thì phải đến ngay các trung tâm y tế để được khám và điều trị kịp thời. Nếu có biểu hiện sốt cao 39-40 độ C đột ngột, liên tục, cần đi khám để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc phù hợp. Quá trình điều trị SXH tại nhà, người chăm sóc và BN cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để nhanh chóng đưa BN đến BV, không thể chủ quan. Đối với bệnh SXH, khi hạ sốt càng cần phải theo dõi sát các dấu hiệu chuyển nặng.

Trước nguy cơ bùng phát dịch SXH, mới đây tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (một điểm nóng SXH của TP), Trung tâm YTDP thành phố phối hợp với Sở Y tế, Thành Đoàn, Sở Tài nguyên - Môi trường tổ chức Lễ ra quân "Chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống SXH" trên toàn TP từ nay đến Tết Nguyên đán.

Bệnh SXH vẫn đang diễn biến phức tạp tại TPHCM, các trường hợp tử vong tiếp tục được ghi nhận trong những tuần gần đây. Trước tình trạng đó, Sở Y tế TPHCM vừa triển khai quy trình báo động đỏ đối với bệnh nhân SXH nhằm hạn chế thấp nhất số ca tử vong.

Trước đó, UBND TPHCM đã có văn bản về tăng cường công tác phòng, chống dịch SXH trên toàn địa bàn, giao thủ trưởng các sở, ban, ngành TP, chủ tịch UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tham gia diệt muỗi, lăng quăng tại nơi làm việc hàng tuần để phòng, chống SXH. Đây là đợt cao điểm TP ra quân nhằm loại bỏ các điểm nhiều nguy cơ sản sinh muỗi gây bệnh. Chiến dịch này nhằm kéo giảm số ca mắc SXH trong toàn cộng đồng, được phát động đến tận nhà để người dân cùng tham gia dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng..., nhằm loại bỏ các nguy cơ trở thành điểm nóng về dịch.

Chủ tịch UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức tăng cường trách nhiệm, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp huy động cả hệ thống chính trị, những nguồn lực xã hội trên địa bàn thực hiện có hiệu quả biện pháp phòng, chống dịch bệnh; có kế hoạch diệt muỗi, lăng quăng hàng tuần; đánh giá kết quả từng đợt ra quân để rút kinh nghiệm, xử lý những tồn đọng trong công tác này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang