Sự biến động của lứa tuổi
Học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông (khoảng từ 11-18 tuổi) đang ở vào lứa tuổi đầy biến động, thay đổi về tâm sinh lý. Theo các chuyên gia về tâm lý học: dưới tác động của các hormone tăng trưởng và hormone sinh dục, cơ thể trẻ sẽ phát triển mạnh mẽ cả về chiều cao và cân nặng. Tính độc lập và thậm chí “nổi loạn” cũng bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn này. Và một trong những đặc điểm nổi bật là thích tò mò, khám phá, thích tự thể hiện và khẳng định chính mình. Trong tháp nhu cầu của MASLOW thì nhu cầu tự khẳng định nằm ở đỉnh chóp của tháp. Và lứa tuổi này chính là khởi đầu của nhu cầu ấy.
Đây là giai đoạn chưa định hình được nội dung và cách thức để thực hiện và thể hiện nhu cầu, đặc điểm dễ nhận biết là sự bột phát. Vậy nên, thay vì thể hiện những giá trị của bản thân, các em lại thường rơi vào sự hiếu thắng, nhất là các bạn nam. Lấy ví dụ khi có mâu thuẫn với nhau thì các bạn có ưu thế về sức mạnh, ưu thế về cơ bắp hoặc là ưu thế về việc sở hữu và sử dụng các loại hung khí, các bạn sẽ chọn cái cách là trấn áp đối phương bằng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn và xem đó là giá trị mà mình đã thể hiện, đã khẳng định được trước bạn bè.
Thậm chí những bạn khác cũng xem thắng lợi bằng sức mạnh cơ bắp, bằng vũ khí kia là một giá trị mà các bạn ghi nhận và cổ xúy. Chính hiện tượng trên lâu dần dẫn đến việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực trở thành một trào lưu phổ biến. Hễ đụng chuyện là các bạn hẹn nhau để giải quyết bằng bạo lực, bằng hung khí.
Cần giáo dục, định hướng về kỹ năng, tư duy
Học sinh lứa tuổi này cần nhận thức được một điều rằng trong cuộc sống thì mâu thuẫn giữa người với người là điều tất yếu phải xảy ra. Tại sao? Vì là mỗi người sinh ra và lớn lên chịu những tác động ở những điều kiện, những môi trường khác nhau, cho nên tư tưởng, tính cách cũng khác nhau. Vì thế mà xung đột về tư tưởng, về hành động là điều đương nhiên. Cho nên việc giải quyết mâu thuẫn như thế nào sao cho nó đẹp nhất, sao cho có giá trị nhất, đó mới là vấn đề cần bàn, cần phải suy nghĩ. Muốn như vậy thì phải có kỹ năng, mà để có được kỹ năng thì phải trau dồi, phải học hỏi.
Đầu tiên chính là kỹ năng kiềm chế quản lý cảm xúc: Phải giáo dục các cháu luôn bình tĩnh, chủ động trong mọi tình huống, đặc biệt là khi bị kích động. Phải nhận thức rằng mọi lời nói, hành động trong trạng thái nóng giận, bị kích động đều dễ dẫn đến sai lầm và để lại hậu quả nghiêm trọng. Chính vì thế phải rèn luyện đức Nhẫn để không bị kích động nhằm đảm bảo mọi lời nói, hành động luôn ở trạng thái bình tĩnh nhất, chủ động nhất. Từ đó lời nói hành động của chúng ta sẽ trở nên đúng đắn nhất, dễ nghe nhất.
Thứ hai là kỹ năng giải quyết mâu thuẫn: Trên cơ sở sự bình tĩnh, chủ động trong kỹ năng quản lý cảm xúc, khi mẫu thuẫn xảy ra dù chưa biết ai đúng ai sai nhưng chúng ta tâm niệm và thống nhất thực nguyên tắc không trách mắng, không to tiếng, không dùng lời thô tục, xúc phạm. Thật sự bình tĩnh để tìm ra nguyên nhân của vấn đề rồi cùng nhau tìm cách giải quyết. Biết nhận lỗi khi sai và biết chấp nhận lời xin lỗi của người khác. Chỉ cần các bạn thực hiện được hai điều trên thì tin rằng chẳng bao giờ có bạo lực xảy ra.
Còn nếu như các bạn bất chấp, các bạn hành động bản năng thì bạo lực, thậm chí đâm chém nhau là rất dễ xảy ra. Và như thế cả hai đều lãnh hậu quả, hay nói cách khác là cả hai đều thất bại trong cách giải quyết mâu thuẫn.
Các chuyên gia về giới tính đưa ra ví dụ về một vụ va chạm giao thông nhẹ, người và xe hai bên không sao cả. Nhưng do tranh cãi xem ai đúng ai sai sai rồi to tiếng xúc, phạm lẫn nhau, rồi đâm chém nhau. Thậm chí người đúng lại là người bị đâm. “Tại vì đúng mà ăn nói khó nghe quá, nói chuyện xúc phạm người khác nên kích động tính bạo lực trong người khác”.
Như vậy rõ ràng từ chỗ mình là người đúng mà mà do cư xử kém, không có kỹ năng giải quyết mâu thuẫn nên phải lãnh hậu quả nặng nề. Còn ngược lại, kể cả chúng ta là người sai, nhưng biết mềm mỏng, biết nhỏ nhẹ, biết xin lỗi, biết hạ cơn nóng nảy của người khác xuống thì chắc chắn sẽ không có bạo lực xảy ra. Thậm chí bạn còn được quý trọng vì cung cách hành xử tuyệt vời ấy. Đấy mới thực sự là giá trị đích thực mà ta thể hiện được, chứ không phải là cái chỗ là chúng ta tranh cãi coi ai đúng ai sai.
Như đã nói ở trên, do mỗi con người có sự khác biệt về tư tưởng về tính cách cho nên khi sống chung trong một môi trường, một tập thể thì va chạm, mâu thuẫn là khó tránh khỏi. Tuy nhiên cũng có một cách để hạn chế những mâu thuẫn xảy ra, đó chính là chúng ta có được sự ứng xử, có được khả năng giao tiếp tốt.
Tức là phải ứng xử, giao tiếp trên nguyên tắc tôn trọng người khác, tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân. Biết nhìn nhận và thừa nhận ưu điểm, cảm thông với khuyết điểm của người khác. Không vạch lá tìm sâu, không bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
Một người suốt ngày cứ tìm những khuyết điểm của người khác soi mói, chê bai thì chắc chắn rằng không được ai yêu quý, tôn trọng cả. Còn ngược lại một người biết nhìn nhận được điểm hay, điểm tốt của người khác mà động viên, khích lệ, khen ngợi kịp thời, thì chắc chắn sẽ nhận được sự yêu quý, sự tôn trọng của người khác.
Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:
Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác:
Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.