Có thể điều chỉnh chuẩn xây dựng để ứng phó với thiên tai?

Thứ Năm, 12/09/2024 17:49

|

(CATP) Trong bối cảnh nước ta đang gánh chịu ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3 do biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết và thiên tai ngày càng cực đoan, rất cần nghĩ cách thay đổi các tiêu chuẩn về xây dựng nhà ở, công trình, cầu đường để có thể phòng, chống thiên tai, đặc biệt là áp dụng những công nghệ hiện đại.

Siêu bão số 3 gây thiệt hại quá lớn

Siêu bão Yagi (bão số 3) là một cơn bão nhiệt đới cực mạnh, được ghi nhận là một trong những cơn bão lớn nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông. Đây cũng là cơn bão có tốc độ tăng cấp nhanh nhất lịch sử các cơn bão hoạt động trên Biển Đông, với sức tàn phá khó lường, diễn biến phức tạp, hiếm gặp. Mức độ giảm cấp trên đường đi của bão không theo quy luật, dù đã qua Philippines, đảo Hải Nam (Trung Quốc). Điều lạ là khi áp sát bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng, bão vẫn giữ cường độ cấp 12 - 13, giật cấp 14 - 15. Cạnh đó, thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài đến 12 giờ, hoàn lưu gây mưa lớn trêm phạm vi rất rộng gần như toàn miền Bắc và kéo dài trong nhiều ngày qua, đến tận ngày 11/9/2024, dẫn đến nhiều địa phương vẫn còn mưa lớn, xảy ra lũ lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng.

Mặc dù các dự báo về siêu bão này được các đài khí tượng thủy văn trong nước và quốc tế cập nhật thường xuyên, chính xác, công tác chuẩn bị ứng phó khá chu đáo nhưng siêu bão Yagi vẫn gây hậu quả rất nặng nề. Cập nhật đến chiều 11/9, bão số 3 khiến 155 người chết và 141 người mất tích. Con số này có thể còn gia tăng khi mực nước lũ toàn miền Bắc vẫn chưa đạt đỉnh. Đau lòng nhất là trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, H.Bảo Yên, Lào Cai), vùi lấp 37 hộ dân, đến chiều 11/9 mới tìm thấy 30 thi thể, vẫn còn 65 người mất tích.

Lực lượng chức năng bảo đảm an toàn cho công tác cứu hộ tại cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập ngày 09/9/2024

Đến trưa 11/9, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đã vượt báo động 2. Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết vùng núi và trung du Bắc Bộ chiều tối 10/9 đến chiều tối 11/9 vẫn có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Hậu siêu bão Yagi là lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét không chỉ gây thiệt hại rất lớn về người mà còn gây thiệt hại lớn về sản xuất công nghiệp, nông, lâm, ngư nghiệp; hàng loạt công trình, cơ sở hạ tầng (nhất là cầu, đường), nhà dân hư hại nặng.

Theo số liệu của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm hơn 101.000 nhà ở bị hư hỏng (Quảng Ninh 70.584 căn, Hải Phòng 13.927 căn, Bắc Ninh 3.450 căn...). Tại đảo Cát Bà (H.Cát Hải, Hải Phòng), hơn 4.000 nhà hàng, khách sạn, ki-ốt, nhà dân và trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học tan hoang, đổ nát, thiệt hại hết sức nặng nề.

Vì sao cầu Phong Châu bị sập?

Một trong những hình ảnh đau lòng, khiến dư luận choáng váng là vụ cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng trên QL32C nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông (Phú Thọ) bất thình lình sập xuống dòng nước lũ hôm 09/9. Ở Bắc Bộ có nhiều sông, nhánh sông, rất nhiều cầu bắc qua sông chính và các phụ lưu. Cầu Phong Châu được xây dựng với kết cấu giàn thép, dài gần 380m. Phần đường xe chạy 7m, lề người đi bộ mỗi bên 1m; bề rộng mặt cầu là 9,5m. Cầu gồm 8 nhịp, trong đó hai nhịp 6 và 7 được chế tạo từ hai nhịp giàn giản đơn 64m do Bulgaria chế tạo. Công trình được khánh thành vào ngày 28/7/1995.

Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tỉnh Phú Thọ ngày 09/9/2024, cầu Phong Châu bị sập là do bão số 3 gây ra mưa lũ khiến nước sông Hồng dâng cao. Lưu tốc dòng chảy xiết làm thay đổi địa hình lòng sông, kéo đổ trụ T7 và làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu (nhịp 6 và nhịp 7) lúc 10 giờ 2 cùng ngày. Cầu Phong Châu đã qua nhiều đợt sửa chữa, lần gần nhất là năm 2023. Riêng trụ T7 trong năm 2019 từng được tăng cường 8 cọc khoan nhồi bê-tông cốt thép, mở rộng bệ trụ bằng bê-tông cốt thép, gia cường khả năng chống va xô bằng biện pháp nối cứng hai thân trụ. Trụ số 6 vào năm 2019 cũng được gia cố chống xói bằng rọ thép đan máy có luồn thép D8 tạo khung cứng, trong nhồi đá hộc (2 hàng), bên dưới bù đá hộc, phạm vi xếp xung quanh hệ móng cọc.

Khu chợ đêm Cát Bà chỉ còn là đống đổ nát sau bão số 3 (Ảnh: TTXVN)

Câu hỏi đặt ra là hai trụ số 6 và số 7 được gia cố như vậy có đạt yêu cầu kỹ thuật hay không mà mới có hơn 5 năm đã xảy ra sự cố? Năm 2022, cử tri tỉnh Phú Thọ đã đề nghị Bộ GTVT bố trí kinh phí sửa chữa cầu Phong Châu do hư hỏng, xuống cấp nặng, nhưng Bộ này cho biết chưa bố trí được kinh phí. Về nguyên nhân khiến cầu Phong Châu bị sập, ngoài nguyên nhân do lũ lớn lịch sử khiến nước sông chảy xiết, dư luận xã hội còn nghi ngờ có thể do tình trạng khai thác cát gần khu vực chân cầu. Được biết vào ngày 30/8/2024, UBND tỉnh Phú Thọ vừa có văn bản yêu cầu dừng khai thác cát, sỏi với 35 mỏ trên sông Hồng và sông Đà thuộc địa bàn tỉnh này.

Trước tình trạng lũ lịch sử xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc gây nên trận lũ lụt lịch sử và sau khi cầu Phong Châu bất ngờ bị sập, ngày 09 và 10/9/2024, Sở GTVT TP.Hà Nội đã hạn chế phương tiện giao thông di chuyển qua cầu Chương Dương. Ngày 10/9, Hà Nội đóng cầu Long Biên, hạn chế xe qua cầu Đuống và 4 cây cầu trọng yếu khác. Sự thận trọng này là cần thiết khi mà đỉnh lũ trên sông Hồng ở mức rất cao. Chiều 09/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã yêu cầu khẩn trương rà soát những cầu yếu trên địa bàn, khẩn trương triển khai Đề án gia cố, sửa chữa 89 cây cầu yếu, cầu tạm để thực hiện sớm trong thời gian tới.

Không chỉ ở Hà Nội, tại các tỉnh miền núi phía Bắc (Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Giang...), nhiều cây cầu vừa được chính quyền địa phương yêu cầu tạm thời hạn chế hoặc cấm di chuyển vì lo ngại nước lũ chảy xiết dẫn tới nguy cơ sập cầu. Việc hạn chế, cấm tạm thời lưu thông đối với nhiều cây cầu lớn như vậy mục đích là để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện giao thông, đồng thời nhằm bảo vệ cầu trước nguy cơ bị tác động do lũ lớn.

Cần nghiên cứu thay đổi chuẩn về xây dựng

Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu toàn cầu, hàng năm phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai với cường suất lớn, tính chất ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đã có những giải pháp được triển khai để ứng phó, nhưng qua cơn bão số 3 đã bộc lộ nhiều vấn đề về các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong xây dựng cơ bản, xây dựng cầu đường, quy hoạch đô thị ven biển, ven sông... Trong cơn bão số 3, nhiều chung cư cao tầng ở H.Thanh Trì (Hà Nội) bị rung lắc, cư dân cảm nhận được cả tòa nhà rung bần bật, lắc lư như say sóng; tình trạng vỡ, nổ cửa kính nhiều căn hộ chung cư...

Ở góc nhìn khác về chống động đất, theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam, nhà ở phải chống được động đất cấp 7. Quy định này có còn phù hợp khi mà từ ngày 01/01/2024 đến ngày 31/7, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đã ghi nhận hơn 200 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 5,0 theo thang Mô-men trên lãnh thổ, vùng biển Việt Nam? "Nếu có động đất trên 6,0, liệu có bao nhiêu nhà dân, bao nhiêu chung cư cao tầng bị tác động và tác động đến đâu?" là câu hỏi cần đặt ra để có thể xây dựng quy chuẩn xây dựng Việt Nam mới phù hợp hơn. Tương tự, các tiêu chuẩn kỹ thuật mới về cầu, đường bộ Việt Nam được áp dụng như hiện nay có còn thích hợp khi mà dưới tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai cũng rất cực đoan như hiện nay?

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia mới; điều chỉnh Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 cho phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xã hội hiện nay.

Công nghệ hiện đại giúp cảnh báo lũ lụt, sạt lở đất

Theo ông Trần Tấn Phúc (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển - Portcoast), máy bay không người lái (UAV) gắn camera độ phân giải cao sử dụng kỹ thuật photogrammetry (thiết bị quang trắc ảnh) cải thiện đáng kể cách thu thập dữ liệu địa hình. UAV có thể lập bản đồ các khu vực rộng lớn với độ chi tiết cao, cung cấp mô hình bề mặt số (DSM) và mô hình địa hình số (DTM) chính xác, được sử dụng trong việc ứng phó và lập kế hoạch đối phó thiên tai, đặc biệt là lũ lụt, sạt lở đất tại nước ta.

Ngoài ra, còn có USV (tàu không người lái) được trang bị hệ thống công nghệ LIDAR cũng mang lại một tầng lớp chính xác khác cho việc thu thập dữ liệu. LIDAR sử dụng các xung laser để lập bản đồ bề mặt trái đất trong không gian 3D, tạo ra mô hình "đám mây điểm" cho phép đo lường chính xác độ cao bề mặt, rất quan trọng trong việc dự đoán dòng chảy của nước lũ qua các địa hình khác nhau.

Từ dữ liệu của UAV, USV và hệ thống công nghệ LIDAR được thu thập, bước tiếp theo là mô phỏng các "kịch bản" lũ lụt khác nhau bằng những nền tảng công nghệ như ArcGIS, tạo ra các mô hình 3D theo thời gian thực của nhiều khu vực có nguy cơ lũ lụt. Những mô hình này giúp dự đoán cách dòng nước sẽ di chuyển qua cảnh quan trong các tình huống khác nhau, chẳng hạn như các cấp độ mưa khác nhau, các đợt sóng thần, các vụ vỡ đập...

Để dự báo lũ lụt chính xác, cần thiết lập bản đồ số 3D trên nền tảng GIS 3D. Hiện trình độ của các đơn vị tư vấn Việt Nam hoàn toàn có khả năng tạo ra bản đồ số 3D và GIS 3D. Do đó, cần nhanh chóng số hóa và xây dựng bản đồ số 3D trên nền tảng GIS 3D. Hậu quả của thiên tai, lũ lụt sẽ còn tiếp diễn, việc thực hiện quá trình này là hết sức cấp bách.

Bình luận (0)

Lên đầu trang