Vụ "Ngang nhiên chiếm đất của nhiều hộ dân để xây nhà trái phép" tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai:

Cần làm rõ bản hợp đồng nghi bị giả mạo nhưng lại được Tòa đóng dấu công nhận?!

Thứ Năm, 12/09/2024 17:28  | Trung Hiếu

|

(CATP) Tiếp tục phát sinh tình tiết mới trong vụ khiếu nại kéo dài nhiều năm qua, hàng chục hộ dân ngụ xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) một lần nữa lại gởi đơn khiếu nại đến tòa soạn Chuyên đề Công an TPHCM để mong vụ việc được đưa ra ánh sáng.

Nghi vấn dùng tài liệu giả để khởi kiện?

Trước đó, Chuyên đề Công an TPHCM đã đăng bài phản ánh những bức xúc của một số hộ dân, gồm: Trần Duy Chinh (SN 1979), Nguyễn Hữu Tri Túc (SN 1970), Nguyễn Anh Vũ (SN 1977), Nguyễn Văn Bằng (SN 1978), Trần Thị Thùy Tiên (SN 1980), Nguyễn Thị Lan (SN 1974), Trần Văn Hùng (SN 1984), Chu Công Hoàn (SN 1981), Nguyễn Văn Tiến (SN 1985)... khi bỗng dưng trở thành "bị đơn" trong nhiều vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng thửa đất mà họ đã quản lý, sử dụng và được Ủy ban nhân dân huyện Trảng Bom và Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Nai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất "sổ đỏ” cách đây 20 năm.

Nguyên đơn trong vụ tranh chấp này là bà Ngô Thùy Dân (SN 1957, cùng ngụ tại xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom, Đồng Nai). Nội dung tranh chấp xoay quanh vấn đề các hộ dân nói trên đã được chính quyền địa phương cấp "số đỏ” trên thửa đất được mua bán, chuyển nhượng công khai, minh bạch ở xã Bắc Sơn cách đây 20 năm. Nhưng sau đó, bà Dân cùng con gái là Thân Mỹ Phụng đã chỉ đạo một số người đến các thửa đất hợp pháp của các hộ dân để liên tiếp bao chiếm, xây nhiều căn nhà trái phép. Hành vi chiếm, xây dựng nhà trái phép trên đất của chủ sở hữu khác của gia đình bà Dân bị chính quyền địa phương lập biên bản. Hơn 50 người dân liên quan cũng đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. UBND huyện Trảng Bom dù khẳng định đã cấp "sổ đỏ” đúng quy định của pháp luật cho các hộ dân, nhưng thật ngạc nhiên là UBND xã Bắc Sơn không tiến hành xử phạt hành chính hành vi lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép trên đất của chủ sở hữu hợp pháp khác?

Dãy nhà trọ của anh Vũ, chị Tiên đang sử dụng, quản lý, cho thuê cũng bị bà Dân tự nhận của mình và tranh chấp

Trong đơn tố cáo mới nhất, các hộ dân cho biết, nhiều năm qua, bà Ngô Thùy Dân đã sử dụng tài liệu có dấu hiệu bị làm giả, sửa chữa, tẩy xóa là Hợp đồng số 18/HĐLN ngày 27/5/1988 với Trạm trồng rừng Thống Nhất về "nhận đất để trồng rừng và nhận rừng đã trồng để chăm sóc, bảo vệ cho đến khi thu hoạch sản phẩm" (gọi tắt là Hợp đồng số 18) có đóng dấu của Tòa án nhân dân (TAND) huyện Trảng Bom để sử dụng làm tài liệu khởi kiện. Điều ngạc nhiên là TAND huyện Trảng Bom đã thụ lý, giải quyết hơn một năm nay, nhưng tuyệt nhiên không làm rõ 2ha đất trồng rừng theo Hợp đồng số 18 ở đâu? Tại sao bà Dân sử dụng loại đất trồng rừng để tranh chấp quyền sử dụng nhiều thửa đất đã có thổ cư, đã được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cách đây 20 năm? Tại sao bà Dân tự nhận có 2ha đất trồng rừng, nhưng lại chỉ tranh chấp quyền sử dụng 15 thửa đất đã có thổ cư với tổng diện tích hơn 3.700 mét vuông?

Nói về vụ việc, ông Nguyễn Văn Bằng nhận định: Nhờ vào Hợp đồng số 18, bà Dân đã lớn tiếng thách thức các hộ dân trong vụ tranh chấp đất này. Tuy nhiên, qua xem xét, đối chiếu các hồ sơ, chứng từ có liên quan, chúng tôi khẳng định bản hợp đồng này có dấu hiệu làm giả và bị sửa chữa, tẩy xóa. Vấn đề đặt ra là vì sao TAND huyện Trảng Bom lại đóng dấu xác nhận tính pháp lý của hồ sơ này, để rồi bà Dân sử dụng cung cấp cho Tòa án, làm cơ sở khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất với nhiều người, ở nhiều khu vực khác nhau?

Ai đã "bảo trợ" cho các hành vi sai phạm?

Chúng tôi nhìn vào các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có đóng dấu của UBND huyện Trảng Bom và đóng dấu của Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, chợt nghĩ: Không lẽ Giấy tờ thật lại thua giấy tờ giả, bị tẩy xóa, sửa chữa hay sao? Ai đã "bảo trợ" hàng loạt những hành vi vi phạm pháp luật của bà Ngô Thùy Dân trong nhiều năm qua?

Cụ thể, khi đối chiếu Hợp đồng số 18 được TAND huyện Trảng Bom đóng dấu bút lục số 81, 82, 83, được chứng thực bản sao số 46, ngày 18/3/2021, tại UBND xã Bình Minh (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), cùng Hợp đồng số 18 được TAND huyện Trảng Bom đóng dấu giáp lai và số bút lục 168, 169, 170, 171 của TAND tỉnh Đồng Nai, các hộ dân đã nhận ra một số sự khác biệt về cách trình bày lẫn thông tin dù tài liệu chỉ có 1. Từ đó, các hộ dân không khỏi đặt nghi vấn không biết bằng cách nào, con dấu của TAND huyện Trảng Bom lại được đóng lên tài liệu bị sửa chữa, tẩy xóa, để bà Ngô Thùy Dân sử dụng làm tài liệu đó nộp vào Tòa án khởi kiện, tranh chấp quyền sử dụng đất với những hộ dân đã được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hợp đồng số 18 có nhiều điểm nghi vấn bị làm giả, tẩy xóa

Các hộ dân cũng thông tin, Văn bản số 4942/UBND-TNMT ngày 08/5/2023 của UBND huyện Trảng Bom về việc phúc đáp nội dung Công văn số 1262/CV-TA ngày 07/11/2022 của TAND tỉnh Đồng Nai đã khẳng định nguồn gốc và quá trình hình thành cũng như được Nhà nước công nhận quyền sử dụng các thửa đất của các hộ dân là hợp pháp. Đồng thời, một số đơn vị có liên quan cũng đã ban hành văn bản trả lời cụ thể về việc không có Hợp đồng số 18.

Đáng nói, trong đơn khởi kiện của mình, bà Ngô Thùy Dân tự nhận quản lý, sử dụng liên tục 2ha đất ở xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) theo Hợp đồng số 18 từ năm 1988 đến nay, dù nhà bà Dân ở ấp Tân Thành. Trong khi, đa số các hộ dân đều đang sinh sống trên hoặc gần các thửa đất của mình và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cách đây 20 năm. Vậy mà không hiểu sao chỉ vì một bản hợp đồng được TAND huyện Trảng Bom đóng dấu xác nhận cho bà Dân, thì các hộ dân bỗng chốc trở thành "bị đơn"? Ông Nguyễn Anh Vũ và bà Trần Thị Thủy Tiên cũng rất ngạc nhiên khi 2 dãy nhà trọ lớn của gia đình đang có rất nhiều công nhân ở trọ cũng bị bà Dân tự nhận là xây dựng trên đất nhà bà Dân quản lý, sử dụng liên tục từ năm 1988 đến nay, để rồi bà Tiên cũng nằm trong danh sách bị bà Dân khởi kiện? Trong khi, đa số các hộ dân đều ở xã Bắc Sơn và ở gần các thửa đất của mình. Mọi người đều không hiểu bà Dân tự nhận quản lý, sử dụng liên tục các thửa đất như thế nào?

Do TAND huyện Trảng Bom thụ lý, giải quyết đơn khởi kiện của bà Dân hơn một năm nay chưa có kết quả, nên các hộ dân bị hạn chế 1 phần quyền sử dụng 15 thửa đất (tổng trị giá khoảng hơn 20 tỷ đồng): Không thể thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng, không thể tận dụng cơ hội xây dựng nhà trọ, ki-ốt để kinh doanh, không thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất... để trang trải cuộc sống. Trong khi, một số thửa đất bị bao chiếm, xây dựng nhà trái phép đang được bà Dân ngang nhiên sử dụng trái phép, cho thuê thu lợi bất chính từ năm 2022 đến nay, mỗi năm hơn 50 triệu đồng...

Tiếp xúc với chúng tôi, các hộ dân đều bày tỏ sự bức xúc về việc xem thường pháp luật của gia đình bà Ngô Thùy Dân. Đại diện các hộ dân, anh Trần Duy Chinh cho biết: Chúng tôi rất mong các cơ quan bảo vệ pháp luật sớm làm rõ tại sao Hợp đồng số 18 có dấu hiệu bị làm giả, bị tẩy xóa, sửa chữa lại được bà Dân sử dụng làm cơ sở khởi kiện yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất? Vì sao TAND huyện Trảng Bom lại đóng dấu lên tài liệu bị làm giả, bị sửa chữa, tẩy xóa này? Việc bà Dân sử dụng tài liệu này để khởi kiện yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất có đúng quy định của pháp luật hay không?

Thiết nghĩ, nguyện vọng của các hộ dân là có cơ sở. Rất mong các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai sớm vào cuộc để có kết luận cuối cùng nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của các hộ dân, đồng thời tránh để kiện thưa kéo dài gây ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Bình Tây, TPHCM cho biết: "Theo hồ sơ được tiếp cận thì chứng cứ là Sổ hợp đồng giao nhận rừng và đất lâm nghiệp để sản xuất nghề rừng số 18/HĐLN ngày 30/05/1988 của Sở Lâm nghiệp tỉnh Đồng Nai (bản phô tô có dấu bút lục 171 của TAND tỉnh Đồng Nai) và bản sao y do nguyên đơn đang giữ có sự khác nhau, không đồng nhất. Cụ thể là Sổ hợp đồng giao nhận rừng và đất lâm nghiệp để sản xuất nghề rừng số 18/HĐLN ngày 30/5/1988 của Sở lâm nghiệp tỉnh Đồng Nai (bản phô tô có dấu bút lục 171 của TAND tỉnh Đồng Nai) thể hiện phần trang cuối của sổ này (BL 168) không có nội dung giao cho Hộ gia đình ông bà Ngô Duy Đức và xác định tứ cận rõ ràng, cụ thể như trong phần trang cuối của tài liệu chứng cứ này. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi cho các đương sự, thiết nghĩ TAND huyện Trảng Bom phải tổ chức phiên họp, kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ theo quy định của BLTTDS, yêu cầu các đương sự cung cấp bản chính các chứng cứ này để đối chiếu làm cơ sở xác định chứng cứ một cách chính xác, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự.

Trường hợp đương sự cố tình ngụy tạo, cung cấp chứng cứ giả để nộp cho Tòa án, có thể cấu thành tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức", tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" quy định tại điều 341 BLHS 2015. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng hoặc bị phạt tù đến 3 năm".

Bình luận (0)

Lên đầu trang