(CATP) Người dân hiến 4m đất để làm đường giao thông, chính quyền đo vẽ thành 5m rồi "bỏ hoang" gần 10 năm dẫn đến việc lấn chiếm, chồng lấn ranh, tranh chấp kéo dài…
Tự ý lấy đất để làm đường
Trên các số báo ngày 05/3 và 29/5/2024, Báo Công an TPHCM phản ánh vụ việc bà Lưu Thị Bé Năm (ngụ ấp Vinh An, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) khiếu nại UBND xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) lơ là quản lý đường dân sinh do bà hiến đất, để hộ liền kề lấn chiếm và được cấp giấy CNQSDĐ. Mới đây, ngày 05/8/2024, UBND huyện Trảng Bom ban hành Quyết định số 11507/UBND-TNMT chỉ đạo UBND xã Sông Trầu khẩn trương triển khai tổ chức cắm mốc, quản lý phần diện tích đường giao thông theo đúng quy định, đồng thời hướng dẫn hộ bà Năm, ông Huệ, bà Đây cấp đổi giấy CNQSDĐ trên cơ sở trích lục và biên vẽ thửa đất bản đồ địa chính số 1669/2024.
Tuy nhiên, cơ sở để UBND huyện chỉ đạo xã Sông Trầu tổ chức cắm mốc là Báo cáo số 2901/BC-TNMT ngày 30/7/2024 của Phòng Tài nguyên và Môi trường lại có những thông tin chưa chính xác khiến người khiếu nại là bà Năm tiếp tục phản ứng. Theo Phòng TN&MT, ngày 19/3/2015 bà Năm có đơn xin hiến đất làm đường giao thông diện tích 400m2 (4m x 100m) đồng thời tách thửa và lập thủ tục chuyển nhượng cho 8 hộ dân phía trong sử dụng. Hồ sơ đo đạc diện tích hiến đường là 508,9m2 (5m x 108m). Phần diện tích còn lại gia đình bà Năm được cấp giấy CNQSDĐ số CA 259360 ngày 12/6/2015 có chiều ngang tiếp giáp đường vào thác Đá Hàn là 17,14m. Sau đó bà Năm chuyển nhượng một phần đất, diện tích còn lại 638m2 lấy số thửa 476 và được cấp giấy CNQSDĐ số CB 293954 ngày 06/10/2015, có chiều ngang tiếp giáp đường vào thác Đá Hàn là 18,14m.
Bà Năm cho biết, "Đơn xin hiến đất để làm đường" của gia đình bà có xác nhận của UBND xã Sông Trầu ghi rõ (Tổng diện tích: ngang 4m x 100m dài = 400m2), nhưng khi địa phương đo vẽ lại lấy 5m nên chiều ngang đất chỉ còn 17,14m. Bà Năm không đồng ý, do vậy Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cấp lại giấy CNQSDĐ số CB 293954 có chiều ngang là 18,14m. Hiện tại giấy CNQSDĐ còn giá trị sử dụng. Ngoài ra theo các trích lục bản đồ địa chính ngày 28/9/2015, ngày 25/10/2018 có xác nhận của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai - Chi nhánh Trảng Bom thì chiều ngang thửa đất vẫn là 18,14m.
Kiểm tra hiện trạng đất ngày 12/7/2024
Như vậy, căn cứ theo các bản đồ địa chính, dù đường giao thông là 4m hay 5m thì tổng chiều ngang đất của bà Năm là 22,14m, của bà Đây là 30,6m. Tại buổi làm việc ngày 12/7/2024 do UBND xã Sông Trầu tổ chức, đại diện phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xác nhận: Khoảng cách mặt tiền của hai hộ bà Năm và bà Đây cơ bản là chính xác, phần 4m đất bà Năm hiến làm đường giao thông chồng vào ranh đất cấp giấy cho ông Huệ là 2,62m. Tuy vậy, trong văn bản số 2901/BC-TNMT, Phòng Tài nguyên và Môi trường lại báo cáo UBND huyện như sau: Đơn xin hiến đất của bà Năm là 4m x 100m, tuy nhiên khi đo đạc diện tích mở đường là 508,9m2 (5m x 108m).
Qua kiểm tra hiện trạng con đường hiện còn rộng 2,38m trong đó có 1m (chiều ngang) nằm trong diện tích đất bà Năm đang sử dụng. Đơn vị này lý giải rằng do việc đo đạc tách thửa hiến đất và thông số khoảng cách giữa các lần cấp giấy CNQSDĐ có sai lệch dẫn đến con đường bị thu hẹp, diện tích đất của hộ bà Năm và bà Đây đều bị thiếu, từ đó bà Năm cho rằng ông Huệ chiếm đường.
Đề nghị giao đất đúng ranh mốc hiện hữu
Báo cáo của Phòng TN&MT như trên là không chính xác. Xuyên suốt quá trình khiếu nại từ năm 2018 đến nay, bà Năm không đề cập thiếu diện tích trên giấy CNQSDĐ, chỉ khiếu nại và yêu cầu địa phương chỉnh trả lại con đường đúng 4m như khi bà hiến đất. Đối với việc sử dụng và cấp giấy CNQSDĐ cho ông Huệ vào năm 2014 không có chữ ký giáp ranh của bà (là chủ sử dụng đất liền kề) có đúng quy định của pháp luật không? Vì sao diện tích đất ông Huệ được cấp sổ đỏ chồng lấn vào đường giao thông? Trong một số bản đồ địa chính, chiều ngang đất của bà bị thu hẹp, ngược lại chiều ngang đất của bà Đây tăng với thông số tương đương?
Cọc sắt và đá hiện hữu đánh dấu ranh mốc đất
Trong đơn khiếu nại và các buổi tiếp xúc, làm việc với UBND xã Sông Trầu cùng các cơ quan chức năng huyện Trảng Bom, bà Năm khẳng định 4 góc thửa đất đều có cọc mốc ranh, không sai lệch trong quá trình sử dụng, đặc biệt cọc mốc giáp ranh đất ông Huệ là cọc sắt chữ V do gia đình bà Đây cắm mốc, sau đó bà Năm chôn thêm trụ đá kế bên. Ngày 12/7/2024 UBND xã Sông Trầu tổ chức kiểm tra hiện trạng có sự tham gia của Thanh tra huyện, Phòng TN&MT, Văn phòng ĐKĐĐ, ghi nhận 2 cọc mốc bằng sắt và đá đúng như bà Năm trình bày. Tuy nhiên khi tiến hành đo đạc bằng máy thì có sự chênh lệch so với đo bằng thước dây. Bà Năm, bà Đây, ông Huệ đều không đồng ý với việc đo đạc này.
Đến nay, sau 6 năm "loay hoay" tìm hướng giải quyết, UBND xã Sông Trầu và các cơ quan chuyên môn huyện Trảng Bom đã thống nhất kết quả đo vẽ và kiểm tra thực địa rõ ràng. Ranh mốc do các hộ cài cắm khi mua bán, giao nhận đất với nhau còn nguyên vẹn, văn tự hiến đất có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, giấy CNQSDĐ còn nguyên giá trị. Do vậy, UBND xã Sông Trầu cần sớm thực hiện việc cắm mốc và quản lý đường giao thông theo đúng quy định, bảo đảm quyền lợi của người dân cũng như bảo vệ tài sản của Nhà nước.