(CATP) Một thửa đất có nguồn gốc rõ ràng, được chủ nhân trực tiếp canh tác, kê khai từ trước năm 1970, đến sau năm 1975 vẫn đóng thuế đầy đủ. Thế nhưng, khi nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ), thửa đất trên bất ngờ bị một người hàng xóm tranh chấp. Điều đáng nói là khi chính quyền địa phương vào cuộc giải quyết, huyện thì cho rằng đây là đất công, nhưng cấp xã thì khẳng định đây là đất của người dân. Vụ việc kéo dài khiến người dân rơi vào bế tắc.
Đất sử dụng ổn định từ năm 1970
Ông Bùi Hiếu Nhơn (SN 1977, ngụ tại ấp 1, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) gửi đơn phản ánh đến Báo Công an TPHCM cùng tài liệu trình bày, thửa đất số 22 tờ bản đồ số 4 cũ (số mới 112 tờ bản đồ số 6) tại xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch có diện tích khoảng 2.250m² là đất vườn, có nguồn gốc do cụ Bùi Văn Rùa (ông nội của ông Nhơn) khai phá và sử dụng, có kê khai Địa bộ tại Tổng Nha điền địa từ ngày 22/8/1970. Khi con trai ông Rùa là ông Bùi Văn Xương lấy vợ là bà Nguyễn Thị Oanh thì được ông Rùa cho con sử dụng. Vợ chồng ông Xương canh tác có kê khai, đóng thuế cho Nhà nước. Năm 1997, ông Xương mất, để lại thửa đất cho mẹ con ông Nhơn tiếp tục sử dụng, có đóng thuế đầy đủ. Nhiều mộ phần của gia đình cụ Rùa, ông Xương cũng an táng tại khu vườn này. Khoảng năm 1990, Nhà nước mở đường nhựa lớn đi ngang phía trước khu đất, gia đình ông Nhơn cũng xây nhà và sinh sống ổn định ở đó cho đến nay.
Năm 2001, thực hiện chính sách của Nhà nước, bà Oanh làm thủ tục xin cấp giấy CNQSDĐ cho mãnh đất thì xảy ra tranh chấp. Cụ thể, bà Bùi Thị Những và ông Trần Văn Nhấn đòi chia một nửa diện tích theo diện thừa kế vì cho rằng đó là đất mộ của gia tộc.
Sau nhiều lần hòa giải không thành, UBND xã Long Thọ đã báo cáo và chuyển hồ sơ vụ việc lên huyện Nhơn Trạch giải quyết. UBND huyện Nhơn Trạch sau khi thụ lý hồ sơ đã ban hành Quyết định số 683/QĐ-UBND ngày 28/5/2007 với nhận định cho rằng, do các các tài liệu trong hồ sơ bà Oanh cung cấp không xác định được vị trí và thể hiện là đất vườn nên huyện quyết định bác yêu cầu của bà Oanh về việc đòi công nhận quyền sử dụng đất, bác yêu cầu đòi chia một nửa khu đất của bà Bùi Thị Những và ông Trần Văn Nhẫn, giao khu đất gia đình bà Oanh đang sinh sống, canh tác cho UBND xã Long Thọ quản lý.
Không đồng ý với Quyết định trên, bà Oanh gửi đơn khiếu nại đến UBND huyện Nhơn Trạch, nhưng không có hồi âm. Đến năm 2010, sau nhiều lần liên hệ UBND huyện và chờ đợi nhưng không được phản hồi, bà Oanh tiếp tục gửi đơn đến UBND tỉnh Đồng Nai thì được trả lời: "do quá thời hạn khiếu nại"?.
Một tờ Thông báo nộp thuế của ông Xương từ năm 1999
Lúng túng xử lý tranh chấp
Thực tế, từ khi có Quyết định số 683/QĐ-UBND ngày 28/5/2007 đến nay, đất vẫn do gia đình bà Oanh quản lý sử dụng. Sau khi thành lập đoàn thanh tra, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định số 233/KL-STNMT ngày 10/8/2018 thể hiện: qua kiểm tra thực tế khu đất thì người dân đang sử dụng. Báo cáo số 226/ BC-UBND ngày 30/9/2019 của UBND xã Long Thọ về việc báo cáo xin ý kiến xử lý đối với thửa đất số 22 tờ bản đồ số 4 cũ (số mới 112 tờ bản đồ số 6) tại xã Long Thọ, trong đó có nêu: "Kiểm tra hồ sơ đất công của UBND xã Long Thọ thành lập năm 1998, khu đất trên không nằm trong diện đất công do UBND xã quản lý, kết hợp kiểm tra hồ sơ thực tế UBND xã nhận thấy khu đất trên đó bao gồm nhiều chủ, trong đó có phần đất của bà Oanh và bà Những tranh chấp, ông Huỳnh văn Sách đăng ký hồ sơ địa chính năm 1995 không phải là đất công. Từ khi UBND huyện ban hành văn bản giao UBND xã quản lý, các hộ dân vẫn tiếp tục sử dụng. Các ngôi mộ có trên khu đất hộ dân đã di dời về khu nghĩa địa và tiếp tục sử dụng cho đến nay, đất có ranh giới rõ ràng".
Hiện bà Oanh đã qua đời, con trai bà Oanh là ông Nhơn tiếp tục đi tới đi lui các cấp chính quyền yêu cầu giải quyết nhưng không có lối ra vì Quyết định số 683/QĐ-UBND ngày 28/5/2007 của UBND huyện Nhơn Trạch dù tréo ngoe vẫn đang tồn tại và có hiệu lực.
Khu đất gia đình ông Nhơn sử dụng có nguồn gốc từ ông nội để lại
Theo luật sư Trần Đình Dũng, Quyết định số 683/QĐ-UBND ngày 28/5/2007 của UBND huyện Nhơn Trạch về hình thức văn bản và nội dung đều vi phạm. Về hình thức, huyện ban hành quyết định về việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất của cá nhân với cá nhân, nhưng vừa có nội dung xác định đất công và giao đất tranh chấp cho UBND xã quản lý là sai về mặt thể thức văn bản quy phạm pháp luật. Về mặt nội dung, nhận định của UBND huyện cho rằng các tài liệu trong hồ sơ bà Oanh cung cấp không xác định vị trí và là đất vườn. Phần đất giáp đường lộ. Còn theo trích lục địa bộ bà Oanh cung cấp không giáp đường lộ là nhận định phiến diện, chủ quan mà không xem xét theo đúng thực tế diễn biến về đất đai tại địa phương. Trích lục địa bộ năm 1970, trong khi đường lộ Nhà nước mở khoảng năm 1990.
Chiếu theo quy định hiện hành, để giải quyết sự việc, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, không thể đá qua đá lại và làm ngơ mà cần căn cứ Điều 38 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP của Chính phủ: "Khi phát hiện việc giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người có thẩm quyền hoặc giao Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết".