Viết tiếp vụ "Xử lý nghiêm hành vi vận chuyển, mua bán pháo lậu dịp cuối năm":

Coi chừng Tết năm nay pháo vẫn nổ khắp nơi

Thứ Bảy, 13/01/2024 20:29

|

(CATP) Chỉ thị số 406/CT-TTg ngày 08/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, buôn lậu và đốt pháo nổ đã tròn 30 năm. Đây là chỉ thị lịch sử bởi chấm dứt thói quen sản xuất, buôn bán và đốt pháo đã tồn tại từ rất lâu đối với người Việt Nam, gây ra rất nhiều hệ lụy. Nhưng tại sao đến nay việc đốt pháo nổ vẫn còn, thậm chí ngày càng nhiều hơn?

Cần xử phạt nghiêm

Tết Nguyên đán 2015, chúng tôi có dịp đi dọc các tỉnh miền Trung. Tại cửa khẩu Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), chiều tối 27 Tết, pháo đã nổ đì đùng. Hỏi người dân sở tại, được biết Tết nào họ cũng đốt pháo tưng bừng, từ trước Tết đến khi tiễn đưa ông bà, rồi tân niên pháo vẫn nổ. Tại đây dường như nghị định cấm sản xuất, buôn bán, đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ không có hiệu lực?

Vào tối 30 Tết, chúng tôi có mặt ở TP.Vinh (nghệ An), pháo vẫn nổ khắp phố, càng đến giao thừa pháo càng nổ rộ như người dân chẳng biết lệnh cấm đốt pháo nổ. Tại Hà Tĩnh cũng tương tự, người dân vô tư đốt pháo nổ. Thực tế, nhiều tỉnh thành, đặc biệt là các tỉnh biên giới giáp Lào, Trung Quốc, chuyện đốt pháo vẫn xảy ra liên tục, năm sau nhiều hơn năm trước. Pháo sử dụng chủ yếu là pháo nổ nhập lậu từ Trung Quốc.

Đốt pháo nổ là vi phạm pháp luật, có thể bị án tù, vì nước ta cấm đốt pháo nổ từ 30 năm qua. Nhiều năm nay, cơ quan chức năng các địa phương vẫn xử phạt những người vi phạm. Mới đây nhất, lúc 21 giờ ngày 31/12/2023, Công an xã Xuân Thành (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) trong lúc tuần tra, kiểm soát trên địa bàn, phát hiện Phan Văn L. (SN 1996, trú thôn Thành Tiến, xã Xuân Thành) sử dụng pháo hoa nổ trái phép để "mừng Tết tây", bị cơ quan chức năng xử phạt 7,5 triệu đồng.

Trên 20kg pháo tại nhà một đối tượng (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) ngày 11/01/2024

Những vụ xử phạt như vậy vẫn được các cơ quan chức năng thực hiện ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, vẫn chỉ là phạt "điển hình" để răn đe, bởi có lẽ phạt... không xuể khi địa phương có hàng ngàn người đốt pháo nổ. Thực tế, chưa có ai đốt pháo nổ gây mất trật tự công cộng bị phạt nặng, phạt tù theo luật định. Vì sao người dân gần như ai cũng biết đốt pháo nổ là vi phạm pháp luật nhưng vẫn vô tư đốt?

Hiện nay, nạn buôn lậu pháo nổ từ bên kia biên giới về Việt Nam, càng gần Tết càng "nóng" lên, khi lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ một lượng pháo nổ nhập lậu rất lớn. Điều này cho thấy Tết Giáp thìn 2024, tình trạng vi phạm việc đốt pháo nổ khó suy giảm, thậm chí có thể tăng hơn.

Cấm pháo nổ - một quyết định lịch sử

Tết Giáp Thìn 2024 - tròn 30 năm Việt Nam nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước, bằng Chỉ thị số 406/CT-TTg ngày 08/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, kể từ ngày 01/01/1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa). Trẻ em dưới 16 tuổi vi phạm thì bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng phải chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại hoặc nộp tiền phạt hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc nộp tiền phạt hành chính. Và nhiều điều khoản phạt tù giam với những hành vi buôn lậu, tàng trữ pháo nổ...

Chỉ thị 406 dưới thời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt mang tính lịch sử bởi chấm dứt thói quen sản xuất, buôn bán và đốt pháo đã tồn tại từ hàng ngàn năm đối với người Việt Nam, gây ra rất nhiều hệ lụy. Theo chỉ thị này, các bộ, UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương được giao nhiệm vụ phải lập và duyệt kế hoạch về kinh phí đào tạo để chuyển số lao động chuyên sản xuất pháo nổ chuyển sang ngành sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa hoặc sang nghề khác, theo giấy phép hành nghề mới.

Pháo lậu bị thu giữ

Chỉ thị cũng nghiêm cấm việc nhập khẩu các loại pháo, các loại thuốc pháo và nguyên liệu làm pháo từ nước ngoài vào Việt Nam. Mọi loại pháo nước ngoài đang được buôn bán trên thị trường Việt Nam đều bị tịch thu và tiêu hủy và thu hồi giấy phép kinh doanh, nếu gây hậu quả nghiêm trọng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Để có được chỉ thị này, Chính phủ đã vượt qua nhiều quan điểm khác nhau, đặc biệt về truyền thống đốt pháo nổ nhân dịp Tết cổ truyền, lễ hội, cưới hỏi...

Hàng nghìn nạn nhân bị tai nạn về pháo, có những tai nạn về pháo rất thảm khốc, gây hậu quả xã hội rất lớn, là lý do để Chính phủ buộc phải ra một lệnh cấm vào năm 1994 mà giai đoạn đầu không phải người dân nào cũng ủng hộ. 30 năm qua, đã chứng minh rằng lệnh cấm pháo là đúng đắn, phù hợp. Cấm pháo vừa tránh hao tổn tiền của trong dân, vừa tránh được tai nạn liên quan đến pháo. Nếu không có Chỉ thị 406, chắc chắn có hàng ngàn sinh mạng bị cướp đi vì pháo.

Dù đã có Chỉ thị 406, nhưng nhiều người vẫn coi thường pháp luật và những hậu quả đáng tiếc vẫn xảy ra. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính từ 30 tháng chạp đến ngày mùng 2 Tết Mậu tuất 2018, cả nước có 190 người nhập viện do tai nạn pháo nổ, tăng gấp rưỡi so với Tết Đinh Dậu 2017.

Nên hiểu rõ việc cho phép đốt pháo hoa

Thế nhưng những năm gần đây, có vẻ Chỉ thị 406 bị "lờn thuốc". Vì vậy, năm 2020, để tăng cường hiệu lực của Chỉ thị 406, Chính phủ có thêm Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo. Theo đó, đối với pháo nổ (bao gồm pháo nổ và pháo hoa nổ) là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ đã bị nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng (trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng giao theo quy định).

Thực tế, từ khi cấm pháo nổ, nhiều địa phương tổ chức nhiều điểm bắn pháo hoa để người dân đón giao thừa. Và với Nghị định 137, việc sử dụng pháo hoa do nhà nước sản xuất cũng được cho phép. Pháo hoa do Nhà máy Z121 sản xuất được bán rộng rãi cho dân. Người dân cần hiểu rằng, mặc dù được phép sử dụng pháo hoa không nổ nhưng người sử dụng phải đủ 18 tuổi trở lên. Việc kinh doanh pháo hoa phải là cơ quan, tổ chức thuộc Bộ Quốc phòng, được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ đó và được cơ quan công an có thẩm quyền cấp giấy phép.

Vậy mà việc buôn lậu pháo vẫn xảy ra, càng gần những ngày cận Tết, cơ quan chức năng càng bắt nhiều vụ vận chuyển, tàng trữ pháo lậu rất lớn. Mới đây nhất, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An cũng đã triệt phá một đường dây mua bán pháo nổ rất lớn, bắt giữ 2 đối tượng, thu hơn 1,4 tấn pháo lậu. Chưa hết, những vụ trẻ em lên mạng tìm tài liệu, tự sản xuất pháo gây tai nạn cực kỳ nghiêm trọng liên tiếp xảy ra. Điển hình, 2 em P.V.G.B (14 tuổi) và N.V.H (15 tuổi, cùng ở tỉnh Lâm Đồng) trong lúc dùng máy xay sinh tố chế tạo pháo đã bị nổ dẫn đến thương tích nặng, thủng ruột, rách gan, nhiều vết thương ở ngực và một trẻ nguy kịch...

Tình hình này, có thể dự đoán Tết Giáp Thìn 2024 có thể pháo vẫn nổ khắp nơi. Những hậu quả của nó thì đã thấy và rất dễ thấy. Việc ngăn chặn hành vi đốt pháo nổ vẫn là một thách thức với các cơ quan chức năng.

Các mức phạt hành vi đốt pháo trái phép

1. Mức xử phạt hành chính đối với hành vi đốt pháo: Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức xử phạt hành chính đối với hành vi đốt pháo trái phép là từ 5 - 10 triệu đồng.

2. Trách nhiệm hình sự với các hành vi vi phạm về sử dụng pháo:

- Xử lý theo hành vi gây rối trật tự công cộng: Căn cứ Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người nào sử dụng pháo gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Đối với tội danh này, người phạm tội có thể bị phạt cao nhất đến 7 năm tù.

- Xử lý theo hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ: Theo quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ có thể bị phạt tù từ 1 - 5 năm, cao nhất có thể bị phạt tù từ 15 - 20 năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 - 5 năm.

- Đối với các hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ nếu không thuộc trường hợp theo quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm. Mức phạt đối với các hành vi này có thể lên đến 15 năm tù.

Bình luận (0)

Lên đầu trang