(CAO) Ngày 18/12, UBND TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”. Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp hoạt động trong ngành văn hóa, du lịch trong nước và quốc tế đã có nhiều góp ý, gợi mở để Đà Lạt phát triển du lịch xanh, bền vững.
TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại hội thảo
Đây là một trong các chương trình thuộc khuôn khổ Festival hoa Đà Lạt lần thứ 10 năm 2024. Hội thảo thu hút hơn 160 đại biểu đến từ Thái Lan, Singapore, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, đại diện các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, các chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, hàng không, văn hoá - nghệ thuật...
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết những kết quả thành phố đạt được trong năm qua. Tính đến nay, ngày 18/12/2024, thành phố đón khoảng 7,9 triệu lượt khách du lịch, tăng 21% so với năm 2023; trong đó, trên 65% là lượng khách quốc tế. Cơ cấu ngành thương mại - du lịch - dịch vụ chiếm hơn 69% cơ cấu kinh tế toàn thành phố. Từ năm 2005, Đà Lạt được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là thành phố Festival hoa duy nhất của Việt Nam, 2 lần được công nhận là "Thành phố du lịch sạch ASEAN" vào các năm 2020 và 2022. Ngày 31/10/2023, Đà Lạt chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO lĩnh vực âm nhạc...
Quang cảnh buổi hội thảo
Theo ông Đặng Quang Tú, hội thảo lần này mong muốn nhận được ý kiến của các chuyên gia, dưới các góc nhìn khoa học, hướng tiếp cận đa chiều, đa ngành, các tư liệu, luận cứ khoa học sẽ phân tích, đề xuất các giải pháp xây dựng Đà Lạt trở thành hình mẫu tiêu biểu về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thông qua phát triển du lịch, dịch vụ kết hợp hài hòa với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Jackie Ong - Giảng viên cấp cao ngành quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, nhận định ngành văn hóa càng lúc càng có vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế toàn cầu. Các giá trị mới của phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa đã được nhiều tổ chức quốc tế nghiên cứu. Trong đó, phát triển ngành công nghiệp văn hóa giúp tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo sản phẩm dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm nhiều việc làm mới, đóng góp tích cực cho nền kinh tế; phát triển du lịch xanh giúp giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo, phát huy di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện môi trường. Những giá trị này đã được cộng đồng du lịch tiếp cận và phát triển ngày càng sâu rộng.
Ông Đỗ Quốc Thông - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM nêu ý kiến: Sau hơn 30 năm phát triển du lịch kết hợp với đô thị hóa và di dân cũng phần nào đó làm thay đổi cảnh quan, diện mạo của Đà Lạt. Hội thảo này sẽ có sự đánh giá về hiện trạng phát triển du lịch của thành phố theo hướng tích cực hơn; phát triển cần có định hướng và nguyên tắc để không gây những ảnh hưởng, khó khăn cho việc quản lý.
Theo ông Thông, để du lịch Đà Lạt phát triển, cần liên kết tour, tuyến du lịch với nhiều địa phương khác như TPHCM - Phan Thiết - Đà Lạt, TPHCM - Nha Trang - Đà Lạt… để cùng tăng trưởng phát triển du lịch; một tuyến du lịch đi qua nhiều điểm có nhiều sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng và hấp dẫn.
Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM nhận thấy, Đà Lạt hiện nay có lượng khách du lịch quốc tế khá nhiều, do đó nên chăng ngay từ bây giờ cần phân khúc thị trường du lịch; tạo nên các sản phẩm cao cấp cho khách du lịch nội địa, sản phẩm cho du khách Đông Nam Á, khách du lịch Đông Bắc Á, Châu Âu, Châu Mỹ… để tạo nên sự phát triển bền vững. "Làm sao để Đà Lạt không còn "tính mùa" - là mùa đông khách và mùa vắng khách - mà lúc nào cũng đầy khách. Bên cạnh đó, Đà Lạt phát triển du lịch mà vẫn bảo tồn được di sản quý là hàng ngàn ngôi biệt thự cổ mang kiến trúc Pháp - là di sản rất quý mà chỉ riêng Đà Lạt mới có. Vấn đề quan trọng nữa là hạ tầng giao thông kết nối của Đà Lạt với các khu vực xung quanh", ông Thông góp ý.
Khách mời, đại biểu trước gian hàng nông sản OCOP của Đà Lạt
Kết thúc Hội thảo, TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu đầy chia sẻ với khách mời tham dự hội thảo và chính quyền TP Đà Lạt, các cơ quan chức năng địa phương về những thế mạnh riêng có của Đà Lạt, như khí hậu, cảnh quan, thổ nhưỡng; đến nay, cần chú trọng yếu tố quản lý, khai thác đúng mực của con người, để TP Đà Lạt luôn xanh - sạch - đẹp, hiền hoà, thanh lịch trong mắt du khách, các nhà đầu tư. Ông nhấn mạnh đến nền du lịch canh nông - đầu tiên, riêng có và đặc biệt của Đà Lạt. Qua buổi hội thảo này, TS Phạm S mong muốn và kỳ vọng sự kết hợp giữa góc nhìn chuyên môn của các nhà nghiên cứu và những chia sẻ thực tế từ các nhà hoạt động nghệ thuật đã và sẽ mang đến những ý tưởng sáng tạo và giải pháp thiết thực cho việc xây dựng, phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở Đà Lạt.
Thông qua sự kiện, đại diện lãnh đạo TP Đà Lạt cũng giới thiệu tiềm năng thế mạnh của thành phố nhằm kêu gọi và thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, văn hóa âm nhạc góp phần xây dựng Đà Lạt trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao, điểm đến sáng tạo văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc.
Các đại biểu, khách mời tham dự hội thảo