(CAO) Sáng nay (18/12), tại Tọa đàm “Nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm lĩnh vực tài chính trên không gian mạng”, do Ban Chuyên đề Công an TPHCM phối hợp Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức, chuyên gia công nghệ Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), Giám đốc Dự án Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng đã cảnh báo về sự nguy hiểm của các phần mềm lừa đảo tự động, được sử dụng rộng rãi bởi các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.
Ông Ngô Minh Hiếu đã mô tả chi tiết phương pháp điều tra, bao gồm thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn, phân tích kỹ thuật, và hợp tác với các cơ quan chức năng. Báo cáo cũng đề cập đến nhiều vụ án cụ thể, nhấn mạnh vào các kỹ thuật lừa đảo, công nghệ được sử dụng, và việc xác định danh tính đối tượng. Chuyên gia Hiếu PC cũng cảnh báo về sự nguy hiểm của các phần mềm lừa đảo tự động, dùng trí tuệ nhân tạo (AI), được sử dụng rộng rãi bởi các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.
Chuyên gia Hiếu PC chia sẻ, các đối tượng thường sử dụng chung một mã nguồn và chỉ thay đổi tên miền, logo, hình ảnh để tạo ra các trang web lừa đảo. Trang web giả mạo thường được thiết kế giống với các trang web uy tín như trang web chính phủ, dịch vụ công,... hoặc các sàn giao dịch tiền điện tử.
Chuyên gia Ngô Minh Hiếu chia sẻ tại
tọa đàmCông nghệ được sử dụng để thu thập thông tin nạn nhân gồm: Thu thập địa chỉ IP, theo đó tin tặc thu thập địa chỉ IP của nạn nhân thông qua các nguồn khác nhau trên dark web, Telegram...; Sử dụng phần mềm độc hại, bằng cách tin tặc cài đặt phần mềm độc hại vào máy tính của nạn nhân để đánh cắp thông tin. Tin tặc cũng sẽ khai thác thông tin check-in, khai thác thông tin vị trí của nạn nhân khi họ check-in trên mạng xã hội.
Ông Hiếu cho biết, các tin tặc cũng sẽ tạo ra các ứng dụng giả mạo yêu cầu người dùng xác thực sinh trắc học để đánh cắp thông tin.
Ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) - Giám đốc Dự án Phòng chống lừa đảo và ông Trần Huyền Dinh - Chủ nhiệm dự án ChainTracer, Chủ nhiệm Uỷ ban Ứng dụng Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam tham dự Tọa đàm
Một số công nghệ thường được sử dụng để thao túng nạn nhân là: Công nghệ Deepfake: Tin tặc sử dụng công nghệ Deepfake để tạo ra video giả mạo, giả danh người thân hoặc sếp của nạn nhân; Công cụ AI chatbot tự động: Tin tặc sử dụng công cụ AI chatbot để tự động tương tác với hàng ngàn người, tự động trò chuyện, trả lời tin nhắn với các nạn nhân.
Các nền tảng được tội phạm mạng ưa chuộng sử dụng gồm ứng dụng: Telegram (nền tảng này được sử dụng để trao đổi thông tin nhạy cảm của nạn nhân); Facebook, WhatsApp, Zalo - các nền tảng mạng xã hội này được sử dụng để tạo tài khoản giả mạo và tiếp cận nạn nhân.
Ngoài ra, các đối tượng tội phạm mạng còn sử dụng các công cụ phân tích và truy vết thông tin để xác định danh tính, vị trí và thông tin tài khoản của nạn nhân…
Ban tổ chức chương trình Tọa đàm “Nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm lĩnh vực tài chính trên không gian mạng” trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành: Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TPHCM (HDBank); Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank); Công ty CP Địa ốc Kim Oanh - Kim Oanh Group; Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn HD SAISON; Tổng Công ty Điện lực TPHCM - EVN HCMC; Công ty cổ phần AlphaTrue; Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Kyros; Công ty Cổ phần Truyền thông Công nghệ AC.
(CAO) Tại Tọa đàm “Nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm lĩnh vực tài chính trên không gian mạng” do Ban Chuyên đề Công an TPHCM phối hợp Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức, diễn ra vào sáng nay (18/12), Thượng tá Trần Tiến Quang – Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP.HCM đã nêu lên những cách thức nhận diện tội phạm lĩnh vực tài chính trên không gian mạng và khuyến cáo các biện pháp phòng, chống.
Mai Anh - Thiên Long - Trọng Anh