(CATP) Hàng chục gia đình trong diện hộ nghèo, hộ khó khăn được chính quyền địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ mua đất và xây nhà theo diện "đại đoàn kết". Tuy nhiên, khi xây xong thì tá hỏa vì phát hiện khu vực xây cất thuộc đất lâm phần, việc hợp thức giấy tờ trở thành một bài toán khó không chỉ với họ mà còn rất khó với cả chính quyền sở tại.
Có tình nhưng chưa hợp lý
Sự việc này xảy ra tại thôn 2, xã Đường 10, huyện Bù Đăng, Bình Phước. Theo đơn phản ánh của người dân, chúng tôi tìm về khu "dự án chui" này để tìm hiểu sự việc. Từ UBND xã Đường 10 tới dự án này cách chừng 2km. Từ trục đường chính của xã, một con đường nhựa hơn 2km được mở ra từ nguồn vốn phát triển nông thôn dẫn vào "dự án chui" này.
Theo một số hộ dân cho biết, trước đó, lãnh đạo xã đã "tham mưu" cho chủ đất chia ra một số lô nhỏ để "sang nhượng" cho các hộ nghèo với giá hữu nghị. Bước tiếp theo, xã vận động "quỹ vì người nghèo" dựng lên các căn nhà "đại đoàn kết" hỗ trợ cho họ. Sự việc sau đó bị phát hiện, Hạt kiểm lâm H.Bù Đăng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Bá Hưng (Trưởng thôn 2) về hành vi chiếm đất rừng sản xuất, tự ý mở đường và xây dựng nhà ở.
Trao đổi với phóng viên (PV), ông Hưng cho biết: "Mặc dù là đất lâm phần, nhưng tôi đã trồng điều và sử dụng ổn định hơn 20 năm nay. Ngoài ra, tôi được anh Thảo (nguyên Chủ tịch xã Đường 10) vận động hiến đất để làm nhà cho bà con nghèo, rồi xã sẽ mở đường nhựa đi ngang. Tôi thấy có tình, có lý nên đồng ý, chủ yếu là muốn giúp những hộ nghèo có đất để xây nhà. Ai ngờ giờ đây bị xử phạt vì cho xây trái phép".
Người dân nghèo có nguy cơ bị mất nhà vì xây dựng trên đất lâm phần
Hiện trạng tại "dự án" có 25 căn nhà trái phép đã mọc lên, điện lưới cũng được kéo vào tận nơi. Dọc theo con đường nhựa trên là những đường bê-tông xương cá xẻ ngang vào tận nhà dân. Ngoài 20 căn nhà "đại đoàn kết" dành cho các hộ nghèo thì trên dự án này còn có 5 căn nhà dành cho các giáo viên, người thu nhập thấp...
Ông Đào Văn Long - Phó Chủ tịch UBND xã Đường 10 không dấu diếm cho biết thêm: "Do xã thấy những người nghèo không có đất để làm nhà nên mới vận động ông Hưng san sẻ một ít đất để xã đề xuất xây nhà đại đoàn kết, mỗi hộ chỉ trả 30 triệu đồng cho ông Hưng là tiền công khai phá và hoa màu trên đất thôi, vì phải có đất thì họ mới được xây tặng nhà đại đoàn kết, mới có nhà để ở... Chúng tôi làm cũng vì chủ trương giúp hộ nghèo, không có ý hay trục lợi gì khác. Còn đường nhựa vào dự án trên là từ nguồn vốn 7/3 xây dựng nông thôn, có sự vận động, đóng góp của dân nữa".
Cần giải pháp "mở" cho dân nghèo
Phân trần với PV, ông Lê Văn Suất nói trong lo lắng cho biết: "Tôi đi làm thuê làm mướn, không có nhà để ở. Từ lúc được hỗ trợ 80 triệu đồng xây nhà đại đoàn kết, tôi rất vui vì có chỗ an cư lập nghiệp, còn việc xây nhà trên nguồn gốc đất lâm phần thì tôi không biết. Mỗi hộ chỉ tốn 30 triệu đồng trả cho ông Hưng để có tờ giấy tay xác nhận vị trí đất này. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền tạo điều kiện đừng giải tỏa vì chẳng còn nơi nào để ở cả” - ông lo lắng chia sẻ.
Khu dân cư trái phép xây trên đất lâm phần
Tương tự, hộ bà Nguyễn Thị Hương chỉ có 2 mẹ con, bao năm làm thuê kiếm sống qua ngày, giờ được chính quyền vận động xây tặng nhà "đại đoàn kết", bà rất vui. Nhưng giờ lại nghe nói bị giải tỏa, bà hết sức lo lắng. "Đất thì tôi phải gom góp mua, nhà thì Nhà nước xây tặng, giờ giải tỏa thì biết đi đâu về đâu?" - bà Hương nói trong nước mắt.
Theo xác minh của PV, hầu hết các hộ dân ở đây đều là hộ nghèo, là đối tượng được xây tặng nhà "đại đoàn kết" trong chương trình giảm 1.000 hộ nghèo của tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, cách làm không giống ai của lãnh đạo xã Đường 10, huyện Bù Đăng đã đẩy người nghèo vào "thế kẹt", hàng tỷ đồng tiền xây "nhà đại đoàn kết" từ nguồn quỹ từ thiện sẽ bị san phẳng nếu phải làm đúng quy trình.
Sau khi phát hiện sự việc, ngày 05/7/2022, ông Trần Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng đã ban hành quyết định 1533 xử phạt vi phạm hành chính 30,8 triệu đồng đối với ông Nguyễn Bá Hưng (chủ đất) vì hành vi tự ý mở đường, xây dựng nhà ở tại tiểu khu 104, xã Đường 10, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và trả lại đất đã lấn chiếm. Tuy nhiên, hiện nay mọi việc vẫn còn bỏ ngỏ.
Chính quyền tỉnh Bình Phước cần có giải pháp mở để giải cứu cho những người dân nghèo. Trên cơ sở là đất lâm phần, tuy nhiên người dân đã canh tác lâu năm. Thiết nghĩ, cần có cơ chế chuyển đổi để dân được hợp thức hóa nhà trên đất, an tâm sinh sống.