Gánh nặng cho phụ huynh
Bước vào năm học mới, nhiều phụ huynh tất tả để lo chạy tiền cho con vào nhập học. Ngoài những khoản bắt buộc phải chi như tiền sách giáo khoa, tiền quần áo, giày dép, tiền học phí, tiền mua bảo hiểm thì còn hàng chục khoản tiền khác. Chị Nguyễn Thị Thanh cho biết, nhà có 3 con đang tuổi ăn học tại Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, quận 1 và đứa lớn học lớp 11. Vậy nên, cứ vào đầu năm học chị Thanh lại khá hồi hộp trước các buổi họp phụ huynh dự kiến diễn ra cuối tuần này.
Theo chị Thanh, vào đầu năm học, ngoài các khoản chi buộc phải có như sách giáo khoa, đồng phục, bảo hiểm... còn một khoản thường gây tranh luận trái chiều là quỹ hội phụ huynh của lớp, của trường. Theo "thông lệ" ở không ít nơi, cứ vào đầu cấp là học sinh phải đóng tiền mua một loạt đồ mới, trong đó có những món khá nặng tiền như điều hòa, máy chiếu, rèm cửa... mà năm nào phụ huynh cũng phải đóng. Điều này khiến chị Thanh lo lắng khi nghĩ đến khoản tiền phải đóng đầu năm.
Năm ngoái, quỹ Hội phụ huynh trường thu cố định 500 nghìn đồng/học sinh, đóng theo hình thức tự nguyện, nhưng hầu như phụ huynh nào cũng phải đóng. Còn quỹ phụ huynh lớp thì đầu năm học đóng 1 triệu đồng, sau đó cứ dùng hết lại huy động đóng. Cả năm học trước con tôi đóng hơn 1 triệu tiền quỹ phụ huynh lớp và 500 nghìn đồng quỹ hội phụ huynh trường. Năm nay thì quỹ hội phụ huynh trường chưa thu, nhưng tôi chắc còn cao hơn năm trước.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bước vào năm học mới các trường đều "tận thu" nhưng để tránh mang tiếng thu tiền của phụ huynh nhiều nên tự "đẻ” thêm một số khoản tiền khác. Ví như đã thu tiền quỹ hội phụ huynh lại thu thêm khoản tiền quỹ lớp. Có thể kể đến quỹ Đội, quỹ lớp, quỹ xã hội hóa, quỹ hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh, quỹ trường...
Ngoài các khoản trên, các khoản phải đóng bắt buộc như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, quỹ xây dựng trường, học phí. Nếu gộp chung các khoản tiền phải đóng vào đầu năm học, cha mẹ học sinh phải bỏ ra một khoản không nhỏ để đóng cho các con. Bởi thế, áp lực tiền trường đang đè nặng lên vai các bậc cha mẹ. Khổ nhất là những gia đình có điều kiện kinh tế dưới mức trung bình.
Các em học sinh bước vào năm học mới. Ảnh minh họa
Còn anh Nguyễn Văn Hùng, có con học tại trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 cho rằng, nhà trường đã thu quỹ hội phụ huynh, khi con vào lớp còn phải đóng thêm tiền quỹ lớp. Quỹ hội phụ huynh chính là tiền mà cha mẹ học sinh ủng hộ để phục vụ việc học tập và sinh hoạt cho con em mình. Số tiền thu được của mỗi lớp tùy từng trường quy định sử dụng. Có trường cho các lớp giữ lại khoảng 70%, 30% còn lại sẽ nộp về quỹ hội phụ huynh nhà trường. Có trường lại thu 70% số tiền phụ huynh từng lớp ủng hộ, 30% còn lại để tại lớp.
Do nhà trường không có tiền, nên "bật đèn xanh" cho giáo viên chủ nhiệm thu thêm các khoản quỹ, phí, phụ phí. Thế là, cha mẹ các em lại phải móc hầu bao đóng thêm một loại quỹ nữa là quỹ lớp. Số tiền phải đóng quỹ lớp cũng không hề nhỏ. Theo anh Hùng, anh có 2 con đang theo học, mỗi tháng phải đóng tiền quỹ lớp 100 ngàn đồng (tiền quỹ hội phụ huynh nhà trường đã thu đầu năm một triệu đồng). Số tiền này, được chi cho việc photo tài liệu học tập, ủng hộ các phong trào của nhà trường, sơn, sửa phòng vệ sinh, trang trí phòng nội trú...
Nhiều khoản thu trái quy định
Tại một số trường Trung học phổ thông, giáo viên thông báo các lớp có máy chiếu, âm-ly, loa, mic, điều hòa... do các năm trước để lại và đã hư hao nhiều. Theo đó, để máy hoạt động tốt phải mua máy mới hoặc phụ huynh phải chung tay đóng góp để bảo dưỡng. Theo các phụ huynh, đây là những khoản tiền nặng nhất. Ngoài ra, rèm cửa các phòng học hàng năm đều được thay mới dùng cho bán trú, các con ngủ trưa tại lớp nên cần có rèm. Theo các phụ huynh, những khoản này không đóng thì không được...
Ngoài ra là chăn, gối, tủ để chăn gối ngủ trưa của các con, nước sát khuẩn, xịt khử khuẩn, cốc giấy để các con không phải dùng chung cốc khi uống nước ở trường... đầu năm cũng phải thay mới.
Theo phụ huynh, có nhiều trường còn "vẽ” ra cả bản thu chi cho đầu năm học. Theo đó, có trường có tới 18 đầu mục mà Ban phụ huynh kê ra để kêu gọi đóng góp, như tham quan dã ngoại, ngày 20-11, ngày Noel, Tết Nguyên đán, hội chợ, ngày 08-3, chi thường xuyên, thăm hỏi ốm đau, hiếu hỉ... Theo phụ huynh, các đầu mục đưa ra hợp lý nhưng phần dự trù kinh phí khiến một số phụ huynh không khỏi băn khoăn, bởi tổng chi dự kiến các khoản này là rất lớn.
Thực tế hiện nay, nhiều trường học sử dụng nguồn kinh phí do cha mẹ học sinh đóng góp trái với tinh thần của Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT. Thông tư này quy định "Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp từ đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh theo nghị quyết cuộc họp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo nghị quyết của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh trường".
Vì thế, theo đúng nguyên tắc sau khi phụ huynh đóng góp xây dựng kinh phí cho lớp sẽ thống nhất trích về trường bao nhiêu %, số còn lại sẽ để lớp hoạt động. Và nguồn kinh phí này gọi là quỹ lớp. Nhưng trong thực tế, nhiều trường lại quy định buộc các lớp phải nộp hết tiền phụ huynh đóng góp cho lớp về trường.