Được biết, vào những ngày Tết, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Yên cũng bày biện nhiều loại bánh mứt, cũng sắm sửa áo quần, đi du xuân. Nhưng dù đi đâu, làm gì, họ cũng không quên trữ rượu cần trong nhà.
Vào ngày 30-1 (tức mùng 3 tết), tôi có dịp đi về xã KrôngPa, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) - giáp ranh với xã Chư Ngọc, huyện KrongPa (Gia Lai) thăm người bạn kết nghĩa mà 5 năm nay chưa gặp.
Đến nơi, ông bạn người Ê Đê, tên Y Thoan vui mừng: “Ma Vân (nghĩa là “ba của thằng Vân”, người đồng bào gọi tên một người đàn ông đã có gia đình bằng tên con đầu lòng kèm với từ “Ma” ở trước - PV) ghé nhà Y Thoan, cái bụng Y Thoan vui quá”. Ông vừa nói vừa kéo tôi lên nhà sàn.
Sau một hồi hỏi thăm sức khỏe, hỏi thăm gia đình của người bạn lâu nay không gặp, Y Thoan nói: “Lâu lâu, Ma Vân lên đây chơi, uống với Y Thoan hết ché rượu này rồi mới được về”. Sau đó, Y Thoan đến bên vách sàn chọn một trong năm ché rượu cần xếp ngay ngắn để sẵn từ trước. Y Thoan mang ra ché rượu làm bằng đất, tráng men sành sứ với nhiều hình ảnh, họa tiết mang nét văn hóa riêng của từng dân tộc.
Vừa rót rượu vào tô mời tôi, Y Thoan vừa giải thích: “Những năm về trước, vào mỗi độ xuân về, Ma Vân đến bất cứ nhà ai ở trong vùng đều bắt gặp ít nhất bốn, năm ché xếp ngay ngắn bên vách sàn. Nay thì ít hơn nhưng đồng bào vẫn giữ phong tục truyền thống là trữ rượu để đãi bạn bè. Mình cũng như bà con mong muốn thương hiệu rượu cần của người dân tộc thiểu số được đông đảo mọi người biết đến và đó cũng là cách giới thiệu văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Chính vì vậy, mình đã truyền lại cách thức nấu rượu cần cho con cháu trong nhà với mong muốn chúng sẽ nối tiếp truyền thống của gia đình, không quên những gì cha ông để lại”.
Rượu cần không thể thiếu trong gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Yên mỗi khi Tết đến xuân về
Chỉ vào mấy ché rượu cần gia đình chuẩn bị sẵn, Y Thoan chia sẻ, chỉ có khách quý mới được người đồng bào dân tộc thiểu số mời rượu cần. Quy trình làm rượu cần không khó, nhưng để ủ được ché rượu ngon cần đến sự khéo tay và chú tâm của người làm.
Mỗi ché rượu của từng gia đình có vị khác nhau, với nhạt, chua, cay, nồng, ngọt, thanh, đậm... Nguyên liệu để làm rượu cần có nhiều loại, có thể bằng nếp hoặc bắp. Để có được men rượu ngon, người làm phải lên rừng tìm lá, rễ cây để ủ men. Men rượu giã nhỏ thành bột, nắn dẹt thành bánh, trộn đều với nếp, đem phơi trên giàn bếp qua đêm (càng lâu càng tốt), mở ra thấy có mùi thơm ngào ngạt thì cho vào ché. Mì (sắn) được nấu chín, vớt ra để nguội rồi rắc men, trộn thật đều, xong đem ủ kín từ 2 đến 3 ngày. Sắn để làm rượu phải là loại sắn mì gòn.
Tuyệt đối không được dùng sắn cao sản vì chất mủ nhiều, đắng và gây say, có thể làm người uống bị ngộ độc. Nếu có củ riềng và cây ngọt (loại cây mà người Ê Đê gọi là “na ngăm”, có vị ngọt giống cam thảo, phải đặt mua từ các buôn xa, nơi còn rừng) thì trộn vào cùng. Khi thấy mì đã lên men, có mùi thơm thì đem bỏ vào ché, sau đó lấy lá chuối khô đậy lại rồi bịt miệng ché, mang đi ủ. Khoảng một tháng sau là rượu chín, nhưng để càng lâu thì càng thơm ngon, nước rượu càng ngọt, nồng chứ không bị chua”.
Theo Y Thoan, ngày trước, nhiều loại ché có giá trị trên 5 con bò. Tuy nhiên, loại ché này hiện ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số không còn nhiều, chỉ vài ba nhà còn cất giữ. Ngày nay, đồng bào chủ yếu mua các loại ché bán thông dụng trên thị trường, chủ yếu chọn loại ché sản xuất ở Bình Dương”.
Hờ Diệp, vợ Y Thoan kể: “Ngày xưa, cứ tới Tết là trai gái tụ tập nhau tại nhà rông, trai đóng khố đánh chiêng, con gái thì mặc váy thổ cẩm múa theo nhịp chiêng, má ai cũng ửng hồng vì men rượu cần. Năm nay, mùng một tết, buôn mình cũng tổ chức đánh cồng chiêng, vẫn nhảy múa ở nhà rông nhưng màu thổ cẩm không còn vì nghề dệt đã mai một. Chỉ đôi má thiếu nữ thì vẫn hây hây bởi men rượu cần!”.
Y Thoan năm nay 55 tuổi, đã có gần 40 năm gắn bó với nghề làm rượu cần. Từ ngày còn nhỏ, ông đã làm quen với quy trình ủ rượu cần của cha mình - một trong những người làm rượu cần ngon nhất buôn. Lớn lên, với bí quyết ủ rượu cần được cha truyền lại, Y Thoan bắt đầu làm rượu cần bán cho bà con trong buôn những dịp tang ma, cưới hỏi. Hương thơm, vị say ngọt của rượu cần Y Thoan “quyến rũ” không chỉ người trong buôn mà cả nhiều buôn khác đến hỏi mua.
Theo quan niệm của đồng bào nơi đây thì rượu cần là nước uống của Yàng (thần linh)... mang lại niềm vui, sự tốt lành, nên là thức uống cho cả gia đình, những người già, trẻ đều được uống, thậm chí những đứa trẻ sơ sinh cũng được cha, mẹ cho nhắm môi khi vừa lọt lòng...
Ngoài ra, đây cũng là một thức uống luôn có mặt trong các dịp lễ hội, các cuộc vui, đón khách quý hay bạn bè phương xa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Vì thế, mỗi chén rượu cần chính là sợi dây gắn kết từng cá nhân với cộng đồng, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, đoàn kết giúp nhau trong sản xuất, đời sống.