(CAO) Tại dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất 2 phương án quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình.
Bộ Y tế cho biết, thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW, đến năm 2030 duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người; giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế, dự thảo Luật Dân số đề xuất quy định các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khoẻ, điều kiện học tập, lao động, thu nhập và nuôi dạy con tốt. Mỗi cặp vợ chồng, cá nhân nên có hai con.
Tuy nhiên, việc quy định các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định số con là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội. Vì vậy dự thảo Luật thiết kế trình Quốc hội phương án thứ hai theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo đó, mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khoẻ, điều kiện học tập, lao động, thu nhập và nuôi dạy con tốt. Sinh đến hai con, trừ 7 trường hợp quy định trong Luật.
Ảnh minh họa
Cụ thể, tại phương án 1, Bộ Y tế đề xuất: Quyền của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân không tách rời nghĩa vụ trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình.
Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền: Quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khoẻ, điều kiện học tập, lao động, thu nhập và cùng Nhà nước thực hiện duy trì mức sinh thay thế; bình đẳng trong lựa chọn, quyết định sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có trách nhiệm thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến kế hoạch hóa gia đình.
Tại phương án 2, Bộ Y tế đề xuất quy định: Quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khoẻ, điều kiện học tập, lao động, thu nhập và nuôi dạy con tốt. Bình đẳng trong lựa chọn, quyết định sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến kế hoạch hóa gia đình.
Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp sau đây:
1- Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2- Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.
3- Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.
4- Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.
5- Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.
6- Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ): Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ). Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ); quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống;
7- Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.