(CATP) Năm 1993, chúng tôi được theo đoàn nhà báo của Trung ương và TPHCM ra Trường Sa. Sau hành trình 2 ngày 2 đêm thì tàu ra đến đảo Song Tử Tây và tổ chức đêm văn nghệ phục vụ quân, dân huyện đảo Trường Sa.
Chiếc tàu Titan trọng tải 5.500 tấn (do Cộng hòa liên bang Đức chế tạo) khi đó còn khá mới, khá hiện đại nên được bộ đội gọi vui là "Hoa hậu biển", bật hết đèn trên boong, trên các cột, tháp trở thành một "lâu đài" rực sáng giữa mênh mông biển trong đêm tối, từ xa hàng chục cây số cũng nhìn thấy. Tiếng nhạc phóng qua loa công suất lớn trên tàu cũng át cả tiếng sóng biển ồn ào.
Thế là bộ đội ở các đảo, nhà dàn gần đó sau khi bố trí lực lượng trực chiến đấu xong liền đi ca nô đến tham dự bữa tiệc âm nhạc, ánh sáng rất hoành tráng đó. Rất nhiều tàu cá của ngư dân đang đánh bắt xa bờ cũng háo hức kéo đến quây quần bên "tàu mẹ” và cũng bật hết đèn lên nên vùng biển thâm u bỗng trở thành một "đô thị” sáng rực ánh đèn. Ánh sáng soi xuống bóng nước biển sâu tạo thành những phản quang, gọi nôm na là biển ánh sáng đa sắc, lung linh, rực rỡ. Trong không khí rộn ràng như vậy, từ quân đến dân đều háo hức, hạnh phúc như nhau trên biển đảo quê hương thân thương.
Tác giả (bìa phải), nhạc sĩ Trần Hữu Bích (bìa trái) gặp gỡ các ngư dân và đại diện nghiệp đoàn nghề cá ở Phú Yên, tháng 6/2023
Dẫn đầu đoàn đại biểu và báo chí đi thăm Trường Sa năm đó là Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh (1927 - 2013, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) khi đó đã 66 tuổi. Một ngày trước đó, tàu gặp bão cấp 7, 8 nên đám phóng viên trẻ chúng tôi cũng rất mệt khi bị say sóng nằm la liệt khắp các phòng trên tàu.
Một người đã gần 70 tuổi như Thượng tướng chắc chắn cũng chịu nhiều dư âm suốt mấy tiếng đồng hồ tàu tròng trành, vất vả bị sóng đánh tơi tả. Thế nhưng trước quang cảnh hùng vĩ giữa biển trời, bác Nguyễn Nam Khánh như trẻ khỏe lại, cũng ra boong tàu Titan chào bộ đội, ngư dân đến xem văn nghệ. Một chương trình văn nghệ hoành tráng, tưng bừng do các đoàn văn công quân đội biểu diễn giữa biển trời Tổ quốc với lời ca, tiếng hát vút cao, trấn áp cả sóng biển Đông, làm nức lòng hàng trăm quân, dân tham dự...
Khi kết thúc văn nghệ, các ngư dân với sự phấn khích, tự hào đã khiêng nhiều cần xé cá, mực, tôm tươi ngon sang tàu Titan để tặng cho bộ đội và thưởng cho các nghệ sĩ văn công. Thuyền trưởng và các thủy thủ trên tàu Titan cũng "đáp lễ", tặng lại bà con bằng hàng chục can dầu, can nước ngọt (trên tàu Titan có máy biến nước biển thành nước sinh hoạt, ăn uống). Những ngư dân có vấn đề sức khỏe đêm đó và sáng hôm sau đều được qua tàu Titan nhờ các bác sĩ quân y khám, cấp phát thuốc...
Trưa hôm sau, tàu Titan nhổ neo, bộ đội và các ngư dân bùi ngùi chia tay thành viên trong đoàn công tác. Cánh nhà báo chúng tôi dồn hết ra boong tàu, vừa vẫy tay vừa chụp ảnh, quay phim giờ phút chia tay bùi ngùi, xúc động. Ai cũng rơm rớm nước mắt, mới gặp nhau một đêm mà cứ ngỡ thân thiết từ lâu lắm rồi.
Đã 30 năm trôi qua, những hình ảnh về tình quân dân tuyệt vời giữa biển khơi ngày đó vẫn cứ là kỷ niệm đẹp, in mãi trong tâm thức chúng tôi, làm chúng tôi thêm tự hào về đất nước, dân tộc và biển trời quê hương mình.