Miền Tây: Dịch bùng phát, một số địa phương lúng túng

Thứ Hai, 08/11/2021 10:28

|

(CATP) Hiện nay, các tỉnh miền Tây đang bùng phát dịch, nhiều nơi từ vùng xanh chuyển sang vùng vàng, vùng đỏ. Một số địa phương tỏ ra lúng túng trong biện pháp phòng chống (PC) dịch, nhiều tỉnh, thành siết chặt công tác này hơn.

Người dân hạn chế ra đường

Tại Hậu Giang, ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh - đã ký văn bản yêu cầu bắt đầu từ 6 giờ ngày 8-11, người dân tuyệt đối không ra đường từ 21 giờ hôm trước đến 4 giờ hôm sau do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát (KS) tại địa phương (trừ trường hợp cấp cứu và lực lượng PC dịch, PC thiên tai, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài, lực lượng phát hành thư, báo, công nhân vệ sinh môi trường đô thị, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật, các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện "Một cung đường, hai điểm đến", phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, gas...). Các nhà hàng, quán ăn, cà phê trên địa bàn chỉ được bán mang về, không phục vụ tại chỗ.

Tại tỉnh Vĩnh Long ngày 7-11, ngày đầu xét nghiệm (XN) sàng lọc ở TP.Vĩnh Long, ngành Y tế (YT) đã phát hiện 130 ca dương tính với Covid-19, trong đó 111 trường hợp có kết quả khẳng định PCR. Cùng ngày, Sở YT tỉnh ghi nhận thêm 74 ca dương tính với Covid-19. Trong đó, nửa số trường hợp được phát hiện qua khám sàng lọc tại các bệnh viện, phòng khám, cơ sở YT trong tỉnh; 23 trường hợp chuyển từ F1 thành F0 khi được cách ly (CL) tại các trung tâm YT. Ổ dịch ở thị trấn Cái Nhum (H.Mang Thít) ghi nhận thêm 18 trường hợp khi XN sàng lọc trong cộng đồng. Trước diễn biến dịch phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu tạm dừng phục vụ tại chỗ đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP.Vĩnh Long từ ngày 5 đến 11-11.

Tỉnh Hậu Giang triển khai tiêm vắc-xin cho học sinh

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cuối tuần qua đã ký văn bản gửi các địa phương về việc phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (CB, CCVC và NLĐ). Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, lãnh đạo địa phương quán triệt cho lực lượng này phát huy tinh thần gương mẫu, nâng cao ý thức PC dịch, đi làm theo nguyên tắc "Một cung đường, hai điểm đến" (chỉ đi từ nhà đến cơ quan và ngược lại), hạn chế đến các nơi công cộng như chợ, siêu thị, cơ sở dịch vụ ăn uống...; không tập trung đông người trong thời gian này để phòng ngừa dịch bệnh lây lan, trường hợp ra khỏi tỉnh phải báo cáo thủ trưởng đơn vị.

Tương tự, UBND tỉnh An Giang có công văn tăng cường biện pháp PC dịch, yêu cầu chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các tổ phản ứng nhanh phối hợp chặt chẽ với tổ Covid-19 cộng đồng, công an địa phương, tổ dân phố quản lý chặt các đối tượng lạ mặt đến địa phương cư trú... đồng thời tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ đối với những người ở các khu phong tỏa và các trường hợp đang CL tại nhà, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định. Tình hình dịch bệnh tại Kiên Giang hiện ngày càng phức tạp; TP.Rạch Giá và 2 huyện Châu Thành, Hòn Đất đã chuyển sang vùng cam. Tỉnh áp dụng biện pháp hành chính bổ sung: hạn chế người dân ra đường từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng (trừ các trường hợp cấp thiết và những trường hợp đặc thù khác do địa phương quyết định) đối với 3 địa phương trên.

Vận hành lại chốt kiểm soát dịch

Sở YT tỉnh Kiên Giang cho biết, những ngày đầu tháng 11-2021 số ca F0 tăng nhanh, trung bình mỗi ngày có gần 500 trường hợp nhiễm. Đặc biệt đã xuất hiện một số ca nhiễm có liên quan đến CB, CCVC và NLĐ làm việc trong các cơ quan nhà nước. Trước tình hình này, Tỉnh ủy Kiên Giang ra chỉ thị về tăng cường lãnh đạo PC dịch Covid-19 trên địa bàn. Hiện Kiên Giang vẫn giữ lại các chốt KS liên tỉnh, nhưng chủ yếu để KS an ninh trật tự, không gây khó khăn cho người dân khi đi lại, vận chuyển.

Tại tỉnh Cà Mau, nhiều địa phương đã chuyển sang vùng đỏ do số ca nhiễm cộng đồng tăng. Từ ngày 6-11, tỉnh phong tỏa tất cả địa phương vùng đỏ. Trao đổi với phóng viên, ông Trần Tấn Công - Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời - cho biết, huyện đã phong tỏa 4 địa phương gồm: thị trấn Sông Đốc, xã Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Hưng, Khánh Hải để thiết lập vùng cách ly y tế PC dịch. Huyện đã lập hơn 20 chốt KS dịch. Cũng theo ông Công: "Việc phong tỏa dự kiến diễn ra từ 7 -10 ngày. Sau đó, chúng tôi triển khai nhanh việc XN nhằm bóc tách F0 khỏi cộng đồng, tiến tới thu hẹp phạm vi phong tỏa". Theo quyết định công bố cấp độ dịch Covid-19 quy mô cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn Cà Mau do Sở YT tỉnh ban hành, toàn tỉnh có 9 đơn vị cấp xã thuộc vùng đỏ (cấp độ 4) và 27 đơn vị cấp xã thuộc vùng cam (cấp độ 3) về dịch Covid-19.

Một chốt kiểm soát dịch tại huyện Chợ Mới, An Giang

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố khẩn trương thiết lập lại các chốt để KS người và phương tiện trên địa bàn quản lý, hướng dẫn người dân ra, vào huyện (trừ các tuyến quốc lộ).

Tại Bạc Liêu, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều đã ra quyết định về việc cập nhật và công bố cấp độ dịch Covid-19 để áp dụng biện pháp hành chính "Thích ứng an toàn, linh hoạt, KS hiệu quả dịch Covid-19" trên địa bàn. Tỉnh có 20/64 đơn vị cấp xã ở cấp độ 4 (vùng đỏ), 8 đơn vị nguy cơ cao... Bạc Liêu đã thiết lập, vận hành lại các chốt KS dịch nhằm quản lý người ra, vào. Ngày 7-11, tỉnh ghi nhận thêm 297 ca Covid-19, tăng 32 ca so với ngày 6-11. Đáng lưu ý, trong số 106 ca cộng đồng phát hiện trong ngày có 43 trường hợp được phát hiện qua truy vết, lẫy mẫu sàng lọc liên quan đến nhiều ổ dịch tại Công ty TNHH thủy sản Tấn Khởi, Công ty TNHH MTV chế biến thủy sản Châu Bá Thảo, Công ty chế biến thủy sản Láng Trâm, Công ty TNHH thủy sản Nigico và Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Rain Bow (cùng TX.Giá Rai).

Thêm bệnh viện dã chiến, tiếp tục test nhanh cộng đồng

Tỉnh Hậu Giang cũng chuẩn bị thiết lập thêm 2 bệnh viện dã chiến (BVDC) với quy mô gần 800 giường. Để đảm bảo khả năng thu dung, điều trị, UBND tỉnh đã gửi công văn đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đề xuất Bộ Quốc phòng xem xét hỗ trợ vật tư, trang thiết bị PC dịch cho tỉnh, gồm: 500 giường YT, 200 bình oxy YT, 50.000 bộ trang phục chống dịch cấp 2, 100.000 khẩu trang N95, 50.000 test PCR, 100.000 test kháng nguyên và 5.000 găng tay lấy mẫu.

TP.Cần Thơ tái lập BVDC phục vụ công tác PC dịch, hiện địa phương không còn "vùng xanh" cấp quận. Cần Thơ có 32 khu CL tập trung đang tiếp nhận 2.338 người và số đang CL theo dõi sức khỏe tại nhà gồm: 12.685 người. Ngành YT thành phố cũng đã kích hoạt thêm các BV; tổ chức thu dung điều trị bệnh nhân theo mô hình tháp 3 tầng với 3.470 giường. Để giảm tải cho hệ thống điều trị và YT trong việc cách ly F1, F0, Cần Thơ đang rà soát, đánh giá lại để thí điểm tổ chức CL tại nhà một số trường hợp F1 đủ điều kiện và tổ chức cho YT cơ sở theo dõi điều trị F0 không triệu chứng tại cộng đồng.

UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo tổ chức XN Covid-19 cho CB, CCVC và NLĐ đang làm việc thuộc thẩm quyền quản lý để chủ động tầm soát, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch; thời gian thực hiện trong 2 tuần, bắt đầu từ 8-11. Các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang cho biết, khi có ổ dịch xảy ra phải khoanh vùng thật nhanh, phong tỏa hẹp nhất có thể, điều tra, truy vết thần tốc và XN, trả kết quả nhanh để dỡ bỏ phong tỏa. Ngoài ra, các địa phương quán triệt thực hiện theo "Ba trụ cột chống dịch": CL nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất có thể; XN thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch; điều trị tích cực từ sớm, từ xa. Từng địa phương phải lập kế hoạch quản lý, XN tầm soát định kỳ đối với các địa bàn "nguy cơ” và đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm F0.

Bình luận (0)

Lên đầu trang