(CAO) Du khách đến Việt Nam phải dự tính một mức chi tiêu tối thiểu là 5.000 euro cho một chuyến viếng thăm dài 14 ngày. Với số tiền này họ có thể trả tiền máy bay, phòng khách sạn, tiền ăn, tiền di chuyển tuyến ngắn, tiền mua sắm....
Trong số đó tiền phòng khách sạn chiếm phần lớn vì du khách phải trả trung bình 50 USD hay nhiều hơn cho một đêm trọ, nếu không muốn sử dụng dịch vụ nhà trọ cho "tây ba lô" có phần rẻ hơn, ít tiện nghi hơn. Nói chung, mỗi du khách trung bình chi tiêu gấp rưỡi số tiền dự tính, là mức ít nhất sau mỗi chuyến đi.
Phần tiền dành cho mua sắm chiếm rất ít, hoặc vì du khách không tìm ra sản phẩm địa phương mà họ ưng ý, hoặc họ tự hạn chế vì không đủ khả năng chi tiêu. Thủ đô Hà Nội có nhiều làng nghề truyền thống, có nhiều sản phẩm thủ công đẹp và hấp dẫn, có nhiều ưu điểm, trong khi ở TP.HCM lại hạn chế hoạt động mua sắm trong những trung tâm thương mại bán các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài.
Nói về hàng may mặc bán sẵn cho du khách, thì hầu như nhà sản xuất "bỏ qua" giai đoạn nghiên cứu thị trường, ví dụ như du khách phần lớn đều là người đứng tuổi, quần áo bán cho họ lại không phù hợp với mảng khách hàng này, từ sản phẩm, mẫu mã cho tới số đo, màu sắc đều không thích hợp.
Các cửa hàng may mặc theo phom người thì không phục vụ kịp sản phẩm trong thời gian ngắn hạn du khách lưu lại đây. Rốt cuộc các doanh nghiệp thủ công than phiền chỉ bán được những mặt hàng rẻ tiền cho du khách.
Một khách sạn cho "Tây ba lô" ở Hà Nội
Năm 2017 người ta ghi nhận mức sống của người Việt Nam tăng cao. Du khách ngạc nhiên vì hầu như mỗi người Viêt Nam đều có điện thoại di động, các sân bay đều chật kín hành khách Việt, các khách sạn năm sao, resort biển sang trọng đều kín người Việt, các nhà hàng ăn đều đông nghẹt người đã đặt chỗ trước.
Trên đường phố xuất hiện nhiều loại xe sang trọng. Phụ nữ Việt Nam đã đẹp lại còn thêm thanh lịch trong những bộ quần áo, trang sức đắt tiền.
Để đi một chuyến du lịch xa, nhiều ngày thường là người du khách phải để dành tiền trong hai, ba năm.
Du khách đến Viêt Nam thường di chuyển bằng taxi vậy mà hiện tuợng xe chạy lòng vòng, chặt chém bằng "xe dù", "xe mù", đặc biệt ở thủ đô Hà Nội và TP.HCM còn phổ biến, không có cách nào ngăn chặn được.
Câu hỏi tại sao du lịch Viêt Nam chỉ thuyết phục du khách bằng chi phí "rẻ", phải được đặt lại là du lịch Việt Nam đã làm gì để nâng cấp các mảng du lịch của mình? Các hệ thống resort biển sang trọng hút du khách có tiền, nhưng họ than phiền một điều gần như duy nhất là trình độ ngoại ngữ của nhân viên còn yếu.
Khách sạn nằm trong ngõ cụt
Vả lại nếu muốn nhắm vào thành phần du khách thượng lưu thì du lịch Việt Nam phải "tính lại", không thể chỉ đưa du khách thượng lưu từ ốc đảo resort này sang một ốc đảo resort khác. Phải phát triển theo hướng tất cả dịch vụ từ tiếp đón tại phi trường, cho tới dịch vụ phục vụ trong thời gian du khách lưu trú đều phải của người Việt.
Nói tóm lại, không thể tách rời du lịch và môi trừờng sinh sống của một xã hội, nâng cấp du lịch gắn liền với cải thiện mức sống của xã hội, giải quyết các vấn đề môi trường trước mắt, đặc biệt là rác rưởi và tiếng động.
Một phòng lưu trú cho khách với giá khá mắc khoảng 1 triệu đồng/ đêm