Ngày gia đình Việt Nam 28-6: Nếp nhà thời… 4.0

Thứ Hai, 28/06/2021 12:54

|

(CATP) Những xung đột trong quan hệ gia đình ngày nay, đó là một hiện tượng đau đáu với bất cứ ai quý trọng giá trị truyền thống. Nhưng để giải quyết mối xung đột đó thì không chỉ một sớm một chiều.

Điều cốt lõi và quan trọng nhất, đó chính là mỗi người, mỗi nhà, cần gạt đi những khoảng cách, nỗi niềm riêng, mở rộng sự sẻ chia để thấu hiểu, tạo nên gắn kết vững chắc nhất. Gia đình thời 4.0 nay đã khác, nhưng sẽ không thực dụng nếu chúng ta còn giữ được "nhịp cầu" yêu thương!

Trẻ cậy cha, già cậy… ai?

Dưới mái nhà của gia đình Việt Nam từ ngàn xưa vẫn luôn tồn tại ba, bốn thế hệ cùng chung sống, gọi là "tứ đại đồng đường", tạo ra những giá trị đạo đức, gia phong làm lên phẩm chất của con người Việt Nam đến ngày nay. "Trẻ cậy cha", con cái dứt khoát phải được sinh ra và lớn lên trong sự bảo bọc của gia đình. Dù có khiếm khuyết vì lý do nào đó thì "sẩy cha, còn chú, sẩy mẹ bú dì”! Ngược lại, con cháu có nghĩa vụ phụng dưỡng ông bà, cha mẹ khi tuổi già! Nếu những điều đó không được thực hiện thì bị đánh giá là nhà vô phước, con cái bất hiếu!

Các tiêu chí trên tưởng như sẽ bất di bất dịch? Nhưng trong một xã hội mà nền kinh tế thị trường phát triển kèm theo bước nhảy vọt của công nghệ thông tin thì không phải gia đình nào cũng gìn giữ được giá trị truyền thống đó! Chẳng hạn như ông bà bỗng nhiên không muốn sống chung với con cháu. Trước tình huống này, con cháu chẳng biết xử xao cho đặng?

Thuê người giúp việc thì không an tâm, dù giá thuê có cao, nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn làm vừa lòng các cụ. Còn tự tay săn sóc thì việc mưu sinh của con cháu để cho ai? Chữ "Hiếu" khi ấy chẳng được vẹn toàn! Hết phương án, có gia đình tính đường đưa các cụ vào viện dưỡng lão. Nhưng định kiến xã hội nước ta chưa chắc đã chấp nhận (!). Vả lại, không phải viện dưỡng lão nào cũng thực sự là nơi an dưỡng "lý tưởng" cho người già và cũng không phải gia đình nào cũng đủ khả năng kinh tế để đáp ứng loại dịch vụ này!

Mặt trái của cơ chế thị trường, công nghệ thông tin phát triển... khiến nếp sống gia đình truyền thống ngày càng thực dụng. "Trẻ cậy cha, già cậy con", lẽ đời từ ngàn xưa ông bà ta đặt để với nguyện ước giữ gìn được thuần phong, mỹ tục, giữ được giá trị đạo đức bao đời của người Việt, đang đứng trước nguy cơ bị mai một ít nhiều. Nếp nhà thời 4.0 nay đã khác...

"Gia quy" thời thực dụng

Có gia đình, ông bà, cha mẹ vì muốn con cháu mình được đủ đầy hơn với đời mà hễ việc gì cũng đem... tiền ra lo liệu! Đứa cháu về thăm, cụ rút tiền ra cho; cần sai con trẻ việc vặt, cũng lại tiền; Mong muốn con cháu phải biết siêng năng thăm viếng ông bà, biết nghe lời căn dặn thì các cụ lại dùng đến tờ di chúc mà ai cũng hiểu mình có phần hậu hĩnh.

Phút đoàn viên của một gia đình thời nay

Đồng tiền, tự lúc nào đã trở thành "bửu bối" đầy sức mạnh răn đe, thay cho "gia quy" của một mái ấm. Đương nhiên, không phải con cháu nào cũng khuất phục cách ứng xử đó! Đơn giản, bản thân chúng cũng đâu có thiếu của cải vật chất? Cái khổ là đâu phải ông bà, cha mẹ nào cũng hiểu, vì cách ứng xử sòng phẳng này mà con cháu ngày lễ tết về thăm các cụ, chỉ đau đáu nhìn vào cái bao lì xì màu đỏ mà các cụ sẽ trao! Xong việc mừng tuổi thì đứa nào đứa nấy kiếm cớ đi nơi khác. Bởi vậy, ba ngày tết, các cụ mới thấy thấm câu: "Thứ gì cũng có chỉ thiếu chúng nó”!

Xã hội phát triển kéo theo việc tôn trọng quyền tự do cá nhân ngày một được nâng cao. Bố mẹ muốn vô phòng con phải gõ cửa, muốn trao tặng gì phải hỏi ý kiến, con lớn lên khi đã có gia đình riêng, ông bà muốn đến thăm cháu phải hẹn trước... Điều này vô hình chung khiến các bậc cha mẹ trở nên bị động trong việc quản lý con cái, ai mà biết chúng đang làm gì sau cánh cửa phòng khóa chặt?

Liệu con của mình đang học bài hay chơi game; tệ hơn là lên mạng tham gia vào nhiều trò vô bổ, nếu không nói đến những mối nguy hiểm khác dành cho những đứa trẻ chưa trưởng thành? Nhiều bậc phụ huynh vì sốt ruột với những gì ẩn chứa bên trong "căn phòng khép kín" (mà thực ra nó đang được mở toang bởi mạng xã hội), nên đã phá bỏ quy tắc tôn trọng sự riêng tư của con cái! Mâu thuẫn từ đó cũng xuất hiện!

Điều gì cha mẹ muốn dạy con thì thường mang tấm gương của bản thân ra để cho chúng học tập, nhưng lại đâu hiểu được, con trẻ đã chán ngắt cái bài ca "hồi đó”! Nó vừa khô khan, kém hấp dẫn, sinh động không được như người bạn trên mạng xã hội đang luôn tươi cười chỉ dẫn đủ mọi thứ trên đời, kể cả việc "nấu cháo gà để nguyên lông" hay "thắt cổ sao cho không bị chết"? Vì lẽ đó, điều tâm huyết bố mẹ dạy thì con trẻ để ngoài ta, chỉ thích nghe những trào lưu "xúi bậy" trên Youtube!

Chuyện mẹ chồng, nàng dâu xưa nay trăm bề rối rắm! Giờ thời của công nghệ, của sự bình đẳng, con dâu về sống chung với gia đình nhà chồng, nếu có định kiến với mẹ chồng thì càng phức tạp! Nàng dâu học đủ thứ trên mạng, từ nữ công gia chánh đến... "công dung ngôn hạnh", chẳng cần đâu xa, "Ông Gu Gồ" chỉ tất! Vai trò của mẹ chồng, xem như trở trên mờ nhạt với nàng dâu, nếu không nói là... vô nghĩa!

"Nhịp cầu" yêu thương

Giải thích hiện tượng này, một tiến sỹ xã hội học phân tích, nguyên nhân là do sự "xung đột thế hệ" vì tốc độ phát triển xã hội quá nhanh, đặc biệt là có sự góp phần của công nghệ thông tin! Sự xung đột đó khiến người già càng trở nên khép kín, e dè trước thế hệ trẻ! Họ tâm niệm về sự khác biệt trong hiểu biết công nghệ dẫn đến khác biệt nhận thức, nên dạy con đã không thành công nói gì đến dạy cháu! Vậy nên, những tồn tại mâu thuẫn trong quan hệ gia đình thời nay là điều tất yếu!

Dẫu gì thì đó chỉ là một khía cạnh của vấn đề! Mặt trái từ sự phát triển xã hội khiến cuộc sống thực dụng, dẫn đến những khoảng cách vô hình dần chiếm lĩnh tính kết nối của một gia đình. Nhưng với người Việt, hai chữ gia đình luôn là một định nghĩa thiêng liêng trong tâm khảm, để dù đi đâu, làm gì, có sa cơ thất thế ở đâu thì gia đình vẫn luôn là nơi dang rộng vòng tay ôm lấy.

Bình luận (0)

Lên đầu trang