Hai người bố của tháng ngày tuổi thơ

Chủ Nhật, 29/09/2024 19:13

|

(CATP) Tiếng ve kêu hè, hàng cây phượng vĩ đỏ rực ở góc sân trường gợi lên trong tâm trí của Đại úy Đặng Thanh Tùng những kỷ niệm về tuổi thơ và hai người bố. Đại úy Tùng đang công tác tại Đội Tổng hợp của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Kiên Giang.

Linh cảm tuổi thơ

Ngày 08/4/1996, Trung úy Đặng Đức Thanh vội vã tạm biệt gia đình ở thị xã Rạch Giá (Kiên Giang) để trở lại Hải đoàn 28 Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đi công tác. Bộ Tư lệnh BĐBP cũng vừa có công văn triển khai đến toàn tuyến, trong đó trọng điểm là khu vực biên giới biển Tây Nam về thủ đoạn mới của các tàu nước ngoài hoạt động ở vùng biển Việt Nam. Sau khi Trung úy Thanh và đồng đội tham gia bắt giữ tàu D-4460 ở vùng biển đảo Thổ Chu, từ lời khai của các thủy thủ người nước ngoài, các đơn vị phát hiện ra thủ đoạn mới.

Năm đó, cậu bé Tùng vừa tròn 3 tuổi. Cậu bé quá quen với cảnh người cha thỉnh thoảng ghé thăm nhà một hôm rồi trở về đơn vị. Nhưng lần này thì không còn là việc bình thường vì bỗng dưng cậu khóc to, không cho bố đi. Người mẹ là chị Nguyễn Thị Tuyên dỗ dành mãi, nhưng cậu vẫn khóc rất to và gọi: "Bố ơi...!". Trung úy Thanh có nước da đen bóng bởi nhiều tháng lênh đênh trên biển và ai cũng tắm nước biển vì tiết kiệm từng ca nước ngọt. Nghe con khóc, bước chân người lính chậm lại vài nhịp, sau đó anh quả quyết bước qua cây cầu dừa, trở về đơn vị lên tàu ra quần đảo Thổ Chu. Chị Tuyên ra sức dỗ dành con. Mãi sau này chị mới hiểu ra đứa con trai cố níu kéo cha trở lại vì linh tính trước điều gì đó mà chị không thể lý giải được.

Năm 1996 là thời điểm nóng bỏng ở vùng biển Tây Nam, ngoài lực lượng BĐBP, Quân khu 9 và Công an tỉnh Kiên Giang cũng trang bị tàu tuần tra để tổ chức ngăn chặn tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền. Ngày 31/5/1995, Trung úy Vũ Văn Phóng (quê Nam Hà) và Thiếu úy Trần Văn Dũng (quê Hà Tĩnh) đã anh dũng hy sinh trên biển cả. Sau lần đồng đội trong đơn vị hy sinh, mỗi lần Trung úy Thanh trở về thường ôm Tùng thật lâu trong lòng. Và lần khóc to nhất trong đời của cậu bé không ngờ là lần cuối cùng cha con gặp nhau.

Trung tá Hà Đình Khiết cùng đồng đội và chính quyền chứng kiến vụ bắt giữ chiếc tàu xâm phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam vào ngày 11/3/1996 (Ảnh: Tư liệu)

Năm 1996, Tùng mới 3 tuổi nên chưa hiểu được nỗi đau của người lớn trước biến cố ly biệt. Cậu nhớ như in trong ký ức là mẹ đã khóc. Rồi lớn lên một chút, nhìn di ảnh bố treo trên tường thì cậu hiểu được rằng bố mãi mãi không bao giờ quay về với gia đình. Ngày mẹ treo ảnh bố lên tường, các chú cùng cơ quan của bố cứ đều đặn tới thăm. Có một chú thường đến thăm mỗi khi mẹ cậu bệnh, sau đó lại vội vã ra đi, rất giống bố của Tùng. Mẹ cậu khẽ nói: "Đó là bác Hà Đình Khiết, sinh năm 1968, lớn hơn bố 1 tuổi và cũng cùng quê với bố mẹ”.

Bắc Giang - Kiên Giang

Sau ngày 30/4/1975, một biến cố rất lớn và đau thương xảy ra ở vùng biển Tây Nam là 513 người dân ở xã Thổ Châu (quần đảo Thổ Chu) bị Khmer Đỏ bắt đem đi thủ tiêu. Đến ngày 25/5/1975, Thổ Chu mới chính thức được giải phóng, vì vậy đây là nơi được giải phóng cuối cùng trong năm 1975. Khi tình hình trên đảo tạm yên thì tiếp tục nổ ra nhiều vụ việc trên biển. Vùng biển này "nổi sóng" hơn 20 năm ròng rã.

Năm 1992, người lính Đặng Đức Thanh (SN 1969) trở về xã Tư Mạc (H.Yên Dũng, Bắc Giang) cưới vợ, sau đó anh đưa chị vào vùng đất Tây Nam định cư. Đúng ngày 02/9/1993, chị Tuyên sinh đứa con trai đầu lòng. Những chiếc tàu cao tốc Grif tuần tra trên biển thời đó không có hệ thống cấp đông, vì vậy cứ ra khơi khoảng hai, ba ngày là bắt đầu thiếu rau xanh và nước ngọt. Phần lớn những người lính ở đơn vị đến từ nhiều tỉnh, thành như: Nghệ An, Quảng Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bắc Giang. Dù cuộc sống và chiến đấu rất gian khổ nhưng tình đồng chí, đồng đội luôn gắn bó như anh em ruột thịt.

Thỉnh thoảng anh Thanh trở về thăm nhà rồi vội vã ra đi. Ngày đó, có những chiến công của anh và đồng đội được báo chí đăng tải, điển hình như vụ vây bắt tàu nước ngoài xâm nhập vào ngày 31/5/1995 tại khu vực quần đảo Thổ Chu. Có 6 tàu nước ngoài bị bắt giữ. Thượng tá Phạm Kim Thắng (Hải đoàn trưởng) luôn ra lệnh cho anh em chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ để bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Anh Đặng Thanh Tùng và mẹ (Ảnh: Văn Chương)

"Bác giống bố của con"

Ngày 13/4/1996, trong một cuộc vây bắt tàu nước ngoài trên vùng biển Tây Nam, Hải đoàn 28 bị thiệt hại lớn: có đến ba người lính hy sinh. Người lính trẻ tuổi nhất trong số đó là Thiếu úy Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1977, quê H.Nam Đàn, Nghệ An), cùng Chuẩn úy Trần Công Thắng (SN 1974, quê H.Hưng Hà, Thái Bình) và Thượng úy Đặng Đức Thanh. Ngày tang lễ, Thượng tá Lê Quang Tưởng (Phó Hải đoàn trưởng Chính trị) nhắc nhở đơn vị phải biến đau thương này thành hành động, tiếp tục ra khơi bám biển, đó cũng là cách thể hiện tình thủy chung sắc son với đồng chí, đồng đội đã ngã xuống.

Rồi những tháng ngày dài sau đó, Tùng trở thành cháu của một gia đình cùng quê hương Bắc Giang ở gần nhà. Ông, bà Đinh Trọng Cân xưng là ông nội, bà nội với Tùng. Gia đình Tùng nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ gia đình người đồng hương. Chị Tuyên bắt đầu gượng dậy để đi tiếp con đường dài phía trước. Thỉnh thoảng chị vào bệnh viện nằm điều trị, Hải đoàn 28 đều cử cán bộ tới thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ cho gia đình. Ngày chị vào Trường Trung học Sư phạm Kiên Giang, anh em Hải đoàn 28 rất vui mừng. Người vui mừng nhất là Trung úy Hà Đình Khiết, người bạn thân và là đồng hương của anh, chị. Trung úy Khiết năm đó đã xấp xỉ bước sang tuổi 30. Thỉnh thoảng nghe tin chị Tuyên bệnh, anh thường xin phép đơn vị đến thăm hỏi, vui đùa với cậu bé Tùng một lát rồi vội vã trở về đơn vị.

Sáu năm sau khi anh Thanh hy sinh, chị Tuyên trở thành cô giáo Trường Tiểu học Hồng Bàng. Tới lúc đó, anh Khiết mới nói ra điều hệ trọng: "Xin thay anh Thanh giúp đỡ mẹ con em!". Chị Tuyên đỏ mặt, ngại ngùng nhìn con trai và nói:

- Nếu con em đồng ý thì em sẽ tính chuyện.

Tùng năm đó đã 9 tuổi. Khi được mẹ hỏi có đồng ý gọi "bác Khiết" bằng "bố" hay không, cậu mỉm cười gật đầu.

Sau này lớn lên, Tùng chọn ngành Công an vì đã in đậm trong lòng hình ảnh của hai người bố. Cả hai người bố đều dành cho Tùng tình thương yêu vô hạn. Bố Khiết thường dặn con: "Chiến sĩ công an thì phải luôn làm tròn phận sự vì nhân dân quên mình". Mẹ thì nói: "Nếu bố Thanh còn sống thì chắc chắn cũng luôn dạy con như vậy".

Bình luận (0)

Lên đầu trang