Chuyện về nhà báo thành... "dân chăn mèo"!

Thứ Bảy, 20/07/2024 11:59

|

(CATP) Ở Trại sáng tác văn học nghệ thuật tại Vũng Tàu (tháng 4/2024) do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức, tôi ở chung phòng với Tô Giang (SN 1978, quê Nghệ An) - tác giả của 2 cuốn sách khá đặc biệt, đang được dư luận trong lẫn ngoài nước chú ý là Đường xanh viễn xứ (NXB Hội Nhà văn năm 2021) và Nếu không có ngày mai (NXB Phụ nữ Việt Nam năm 2022).

Tô Giang từng là nhà báo triển vọng, biên tập viên của Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An (giai đoạn 2002 - 2013) rồi bỏ nghề báo để sang Úc cùng các đồng phạm làm... "dân chăn mèo" (tiếng lóng gọi những người Việt thuê nhà rồi lén trồng cần sa) suốt 4 năm. Bị bắt và ngồi tù 3 năm ở Úc, Tô Giang hậm hực ủ mưu trả thù đối thủ đã đẩy mình vào tù. Sau đó, Tô Giang cùng một số "ông trùm" mang nhiều quốc tịch lên kế hoạch vượt ngục rồi tổ chức một đường dây buôn lậu heroin, cocain... xuyên lục địa.

Thế nhưng nhiều cơ duyên đưa đẩy để nỗi sân hận, thói ham tiền bất chấp thiện - ác trong người Tô Giang dần lắng dịu. Anh quyết tâm cải tạo tốt nên được giảm 6 tháng tù. Từ Úc, Tô Giang tự nguyện xin trục xuất trở về quê hương, viết sách kể về những ngày dài chìm đắm trong tham vọng và trả giá đau đớn tại đất khách quê người. Sách của anh đã được dịch ra tiếng Anh, phát hành ở nhiều nước. Một số đơn vị Công an đã mời Tô Giang đến nói chuyện với phạm nhân đang chấp hành án phạt tù về ý chí hoàn lương...

*

* *

Đọc Đường xanh viễn xứ của Tô Giang, chúng ta thấm thía nỗi đau, nỗi khổ của những người Việt tha hương bị cuốn vào vòng xoáy nghiệt ngã của nghề "chăn mèo". Họ có thể kiếm hàng triệu đôla Úc chỉ sau một năm lén lút trồng cần sa trong những căn nhà được ngụy trang rất kỹ. Số tiền đó có thể được chuyển về quê hương để mua đất, xây nhà, mở công ty..., nhưng cũng có thể bị "đốt" hết tại các sòng bạc, trong các cuộc ăn chơi bạt mạng hoặc đầu tư để có quốc tịch Úc qua các cuộc kết hôn giả. Để thu hoạch những lứa cần sa bộn tiền như vậy, họ phải sống trong các vỏ bọc dối trá, với nỗi sợ hãi triền miên khi thấy bóng dáng cảnh sát Úc hoặc biểu hiện khác thường quanh những căn nhà đang lén trồng cần sa. Họ sợ cả bọn cướp từ các sắc dân khác, sợ cả những đồng hương người Việt "ghen ăn tức ở" hoặc tham lam, thủ đoạn; sợ cả "vợ" hoặc "chồng" trong dịch vụ kết hôn giả lừa đảo, sợ làm ăn thất bại gây ảnh hưởng đến gia đình, dòng họ ở quê hương...

Tô Giang (đeo kính) cùng tác giả

Còn nhớ vụ 39 người Việt chết trong thùng xe đông lạnh ở Anh năm 2019 đủ nói lên những khó khăn, mất mát, đau thương trên bước đường tha hương với kế hoạch kiếm được nhiều tiền để đổi đời. Từ những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, Tô Giang với ý chí kiếm tiền mạnh mẽ đã vươn lên thành "dân chăn mèo" có thâm niên, thành "ông chủ” của những trang trại trồng cần sa bí mật có doanh thu hàng triệu đôla, được ăn chơi "không có điểm dừng" với ma túy, rượu mạnh, gái đẹp... Nhưng rồi chỉ trong khoảnh khắc mọi thứ thay đổi đến đảo điên khi tài sản bị cướp sạch, phải vào tù và mất hết hàng chục ngàn đôla đầu tư cho dịch vụ kết hôn giả, bị người vợ ở quê nhà ly hôn, người yêu bỏ, mẹ ruột đổ bệnh vì buồn cho con trai... Tô Giang đã tuyệt vọng!

*

* *

May mắn là thời gian trong tù Tô Giang đã gặp Sanchez - người tù gốc Nam Mỹ mang án chung thân, ở tuổi "xưa nay hiếm". Bằng phong thái khỏe mạnh, đĩnh đạc, bản lĩnh và bộ óc chứa nhiều kiến thức bổ ích, người tù "thâm hậu" này đã an ủi, động viên, khích lệ Tô Giang hãy "biến nhà tù thành trường học" để rèn luyện ý chí, ngoại ngữ, sức khỏe, kỹ năng sống và tự làm đẹp tâm hồn mình thay vì suy sụp, yếu đuối, buông xuôi hay nuôi nấng hận thù, lòng tham để tự làm khổ mình.

Đọc cuốn Nếu không có ngày mai của Tô Giang, tôi cứ ngỡ Sanchez là vị thánh bị đày đọa hoặc vị thiên thần có kiến thức đồ sộ của một triết gia. Nhưng tôi thích nhất là những đoạn Tô Giang mô tả về nữ quản giáo xinh đẹp mới 22 tuổi Drusilla (cái tên có nghĩa giọt sương long lanh, theo chú thích của tác giả). Nữ quản giáo này còn tuyệt vời hơn khi cùng với phạm nhân Tô Giang yêu thương, hy vọng, tận tâm chăm sóc cho một cây dại mọc hoang trên bệ cửa sổ phòng giam mà cả hai cùng thống nhất đặt tên là "Magdalena" (món quà của Chúa). Drusilla dám làm trái luật, thậm chí là can thiệp với các "sếp" nhà tù Fulham (Úc) để cây dại đó được sống thêm vài ngày, vài tuần trước khi bị nhổ đem ra vườn trồng.

Bìa hai cuốn sách của Tô Giang

Trong hai cuốn sách của Tô Giang có nhiều nhân vật nữ, nhưng chưa có nhân vật nào đẹp ở mọi nghĩa như Drusilla. Trong gần trăm cuốn tiểu thuyết tôi đã đọc trong 5 năm gần đây, chưa có nhân vật nữ nào làm cho tôi xao xuyến rồi "thương thầm nhớ trộm" như Drusilla của Tô Giang. Cùng với tù nhân già Sanchez, nữ quản giáo này đã nâng tầm cho văn phong, tư tưởng triết học, nghệ thuật trong tác phẩm của Tô Giang. Nó làm cho câu chuyện từ nhà tù Fulham trở nên nhân văn, sâu sắc. Những nữ quản giáo như vậy sẽ khơi gợi thiện tính, làm mềm lòng những tội phạm dù ngoan cố, độc ác nhất. Đó cũng là biểu hiện của "nhân nghĩa thắng hung tàn" trong giáo dục, cải tạo những người lầm lỡ.

Tô Giang kể với tôi sau 2 cuốn Đường xanh viễn xứ và Nếu không có ngày mai, anh sẽ tập trung viết sách về Nữ phạm nhân. Mong rằng tác phẩm mới của Tô Giang cũng sẽ thành công như hai cuốn anh đã xuất bản. Hiện Tô Giang đang là Giám đốc ToGiang Media và huấn luyện viên thể hình.

Đường xanh viễn xứ đã được NXB Bonre Books (Úc) phát hành quốc tế với tên tiếng Anh: Herding Cats (Dân chăn mèo). Ngay khi ra mắt, một số học giả, giáo sư nổi tiếng như Andrew Goldmith (Tổng biên tập Tạp chí tội phạm học Úc - New Zealand), Daniel Silver Stone (Trưởng khoa Luật hình sự - Đại học GreenWich, Anh quốc) đánh giá rất cao trong bài review của họ (trích từ sách Nếu không có ngày mai của Tô Giang).

Bình luận (0)

Lên đầu trang