Bộ Y tế: Đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 - 2 con

Thứ Sáu, 12/07/2024 10:17

|

(CATP) Trong dự án (DA) Luật Dân số (DS), Bộ Y tế (YT) đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh 1-2 con, trao quyền quyết định sinh con cho các cặp vợ chồng, thực hiện mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) nhằm đối phó với tình trạng già hóa dân số (GHDS) đang cận kề.

Trao quyền quyết định sinh con cho mỗi gia đình, cá nhân

Trong báo cáo đánh giá tác động của DA Luật DS đang được lấy ý kiến, Bộ YT cho biết dự luật đặt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) trên phạm vi cả nước. Dự luật sẽ không quy định số con với mỗi cặp vợ chồng, mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.

Dự luật quy định các cặp vợ chồng, cá nhân tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm trong việc sinh con, thời gian sinh, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cặp vợ chồng, cá nhân đó. Quyền này phải gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt; xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Pháp lệnh DS đang có hiệu lực quy định mỗi cặp vợ chồng, cá nhân chỉ được "sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định". Bộ YT giải thích, trao quyền quyết định số con cho vợ chồng, cá nhân để đối phó với tình trạng mức sinh xuống quá thấp, gây GHDS, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Dân số Việt Nam đang trong quá trình già hóa. Ảnh: TTXVN

Bộ YT nhấn mạnh, dù vậy vẫn cần có quy định với các biện pháp để duy trì bền vững mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước thông qua việc điều chỉnh mức sinh phù hợp với từng vùng, đối tượng, điều kiện phát triển KT-XH của cả nước, từng vùng, từng địa phương. Các quy định này phải có trước khi ban hành Luật DS để tránh tình trạng lợi dụng việc quy định quyền tự quyết định về số con của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân.

Xu thế mức sinh xuống thấp

Tại lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày DS thế giới 11/7 do Bộ YT và Quỹ DS Liên hợp quốc tổ chức sáng 11/7/2024 tại Hà Nội, ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục DS (Bộ YT) - cho biết: "Việt Nam (VN) đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 với tổng tỉ suất (TS) sinh (TFR) duy trì ở mức 2 - 2,1 con/phụ nữ suốt thời gian qua, nhưng có nguy cơ không duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc, do xu thế mức sinh xuống thấp".

Theo số liệu của Bộ YT, 30 năm qua, VN đã hiện thực hóa các mục tiêu chương trình hành động của hội nghị quốc tế về DS và phát triển với chỉ số phát triển con người được cải thiện, đạt mức trung bình so với các nước trên thế giới. Những chỉ số này thể hiện rõ nhất qua tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong của bà mẹ, tử vong của trẻ em giảm mạnh. Tỉ suất tử vong của mẹ đã giảm 6 lần trong 30 năm qua; trong khi TS tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi trong giai đoạn 1993 - 2020 giảm từ 43,3 xuống 12,1/1.000 trẻ đẻ sống. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,5 tuổi vào năm 2023. Việt Nam đã khống chế thành công tốc độ gia tăng DS nhanh, tỉ lệ tăng DS hàng năm giảm từ 1,7% (giai đoạn 1989 - 1999) xuống 1,14% giai đoạn 2009 - 2019. Việt Nam cũng đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tổng TS sinh được duy trì ở mức 2 - 2,1 con/phụ nữ trong nhiều năm qua.

Tỉ lệ sinh ở các vùng miền nước ta không đồng đều. Ảnh: TTXVN

Nước ta đã bước vào thời kỳ "dân số vàng" từ năm 2007, khi cơ cấu DS chuyển dịch tích cực theo hướng DS trong độ tuổi lao động (LĐ) tăng mạnh, từ 56,1% năm 1989 lên 67,5% năm 2023, với lực lượng LĐ trẻ, dễ tạo nên năng suất LĐ cao và lợi thế trong kinh tế, đặc biệt tạo nên thị trường LĐ trẻ, có chuyên môn.

Ông Lê Thanh Dũng cũng cảnh báo về tình trạng mức sinh thấp. Theo ông, từ năm 2020 đến nay VN xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp tại các tỉnh, thành phố phía Nam, khiến mức sinh của toàn quốc năm 2023 xuống còn 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử, và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.

Theo số liệu của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, số con trung bình của 1 phụ nữ ở TPHCM trong độ tuổi sinh đẻ là 1,32, trong khi năm 2023 là 1,42. Gần 20 năm qua, mức sinh ở TPHCM dao động từ 1,24-1,7, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế VN đang duy trì (2-2,1 con/phụ nữ). Với mức sinh này, TPHCM tiếp tục được xếp vào nhóm 21 tỉnh, thành phố (TP) có mức sinh thấp nhất cả nước. Hệ quả là TPHCM đang bước vào giai đoạn GHDS, với hơn 1,1 triệu người trên 60 tuổi (chiếm 12,05%).

Thực tế từ năm 2011, VN đã bắt đầu bước vào giai đoạn GHDS và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Bộ YT dự báo chỉ còn 15 năm nữa, tức đến 2039, nước ta sẽ bước vào thời kỳ DS già, tức là cứ 5 người dân sẽ có 1 người trên 60 tuổi.

Tổng cục Thống kê dự báo tốc độ tăng DS của VN đã giảm dần trong những năm gần đây, năm 2022 là 0,98%, năm 2023 là 0,84% và khả năng trong tương lai vẫn tiếp tục xu hướng này nếu không có biện pháp kiềm chế tốc độ GHDS.

Ứng phó với nguy cơ dân số già, khủng hoảng lao động

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng GHDS, theo Bộ YT đó là xu hướng kết hôn muộn, sinh ít con hoặc không muốn sinh, khiến VN đứng trước nguy cơ thời kỳ "dân số vàng" qua nhanh, làm ảnh hưởng đến phát triển KT-XH.

Theo Cục DS (Bộ YT), mô hình sinh con của VN đã chuyển dịch từ mức sinh cao nhất ở nhóm tuổi 20 - 24 sang nhóm tuổi 25-29, tình trạng sinh thưa cũng tăng và tuổi kết hôn cũng vậy; tỉ lệ kết hôn giảm, cũng có nghĩa là xuất hiện xu hướng thanh niên thích sống độc thân. Tình trạng này có thể thấy trong xu hướng "ngại sinh, ngại kết hôn, trì hoãn sinh con". Các nhà nghiên cứu về DS, xã hội học chỉ ra nguyên nhân những gia đình trẻ ít sinh con là do chịu nhiều áp lực về kinh tế, giáo dục, việc làm, chi phí nuôi con hiện nay rất cao.

Tuy nhiên, vấn đề nan giải trong chiến lược phát triển DS bền vững ở nước ta là TS sinh ở các vùng miền, địa phương không đồng đều. Thống kê cho thấy, 21 tỉnh, TP có mức sinh thấp, trong đó có TPHCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Kiên Giang... và 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao, như: Hà Tĩnh, Lai Châu, Quảng Trị, Yên Bái, Điện Biên, Nghệ An, Tuyên Quang, Ninh Bình...; thậm chí vẫn còn tình trạng tảo hôn.

Để ứng phó với tình trạng GHDS, trong DA Luật DS, Bộ YT đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con, trao quyền quyết định sinh con cho các cặp vợ chồng, thực hiện mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ). Trong khi đó, với đặc điểm vùng tăng DS cao, vùng giảm nhanh, vẫn phải có những chính sách, tuyên truyền để cân bằng mức sinh ở những vùng, địa phương có mức sinh cao.

Chiến lược phát triển bền vững DS rất quan trọng, nhằm bảo đảm đủ lực lượng LĐ trẻ cho phát triển KT-XH, làm chậm tốc độ GHDS mà các nước phát triển đang phải đối phó rất vất vả, thậm chí bất lực. Nhiều nước Châu Âu, cả Trung Quốc, Hàn Quốc, đặc biệt là Nhật, đang phải vất vả đối phó với tình trạng GHDS; trong đó chính sách 1 con của Trung Quốc kéo dài hơn 35 năm do không điều chỉnh kịp thời nên nước này phải đối mặt với việc GHDS nhanh chưa từng có. Đến năm 2035, ước tính có khoảng 400 triệu người ở Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên, chiếm 30% DS...

Với VN, phải tìm các biện pháp tốt nhất để duy trì vững chắc mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) trên phạm vi cả nước, là mục tiêu cực kỳ quan trọng trong Chiến lược phát triển DS bền vững và phát triển bền vững.

Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững

Tại lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày DS thế giới 11/7, bà Đào Hồng Lan - Bộ trưởng Bộ YT - nhấn mạnh: Để hoàn thành các mục tiêu trong Nghị quyết 21-NQ/TW của Đảng, Chiến lược DS Việt Nam đến năm 2030, cũng như mục tiêu phát triển bền vững của VN, Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về DS và phát triển, hưởng ứng Ngày DS thế giới 11/7 năm 2024, Bộ YT đã chọn chủ đề "Đầu tư cho công tác DS là đầu tư cho phát triển bền vững". Qua đó nhằm kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển tiếp tục quan tâm đầu tư cho công tác DS của VN, đóng góp vào sự phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức quốc tế, phái đoàn ngoại giao các nước và cộng đồng quốc tế chia sẻ, hỗ trợ để giải quyết hiệu quả việc ứng phó với xu thế mức sinh xuống thấp và GHDS nhanh; đồng thời hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện Luật DS.

Bình luận (0)

Lên đầu trang