TP.HCM: Kiến nghị bỏ quy định thu 2% phí bảo trì chung cư

Thứ Sáu, 15/03/2019 06:40

|

(CAO) Hầu hết các tranh chấp, khiếu kiện tại các chung cư trên địa bàn TP.HCM thời gian vừa qua có liên quan đến vấn đề quỹ bảo trì.

Do đó, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị nên bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu 2% phí bảo trì chung cư.

TP.HCM có 38 vụ khiếu kiện, tranh chấp chung cư gay gắt

Đây là thông tin được Sở Xây dựng TP.HCM đưa ra tại Hội nghị chuyên đề công tác quản ý nhà nước về nhà chung cư trên địa bàn TP.HCM tổ chức vào chiều 14-3.

Theo Sở Xây dựng, trên địa bàn TP hiện có 1.440 chung cư với 141.062 căn hộ, tăng gấp 2 lần so với năm 2009. Tỷ lệ căn hộ nhà chung cư chiếm 8,4% tổng số nhà ở trên toàn địa bàn TP và đang có xu hướng ngày càng cao trong quá trình phát triển nhà ở. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, căn hộ nhà chung cư chiếm tỷ lệ 24,6% tổng số nhà ở xây dựng mới.

Phần nhiều tranh chấp trong đó liên quan đến quỹ bảo trì chung cư

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nhà ở chung cư, các tranh chấp xảy ra tại các chung cư cũng ngày càng gay gắt. Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, trên toàn địa bàn thời gian qua có 38 chung cư xảy ra tình trạng khiếu kiện, tranh chấp gay gắt. Trong đó, chủ yếu là tranh chấp liên quan đến kinh phí vận hành và quỹ bảo trì nhà chung cư.

Đáng chú ý, một số chủ đầu tư né tránh việc đóng góp kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư. Nhiều chung cư chưa lập quy trình bảo trì, chủ đầu tư không bàn giao đầy đủ hồ sơ bảo trì và lắp đặt thiết bị vào chung cư khiến cho các tranh chấp ngày càng gay gắt.

Đơn cử như tại dự án cao ốc căn hộ và văn phòng Thanh Đa View (P.27, Q. Bình Thạnh), cư dân tố cáo chủ đầu tư dự án đóng thiếu các khoản phí quản lý bảo trì. Đồng thời, giữa cư dân và chủ đầu tư cũng xảy ra tranh chấp về sở hữu chung tại chung cư…

Hay tại chung cư Tân Tạo 1 (P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân, TP.HCM) do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thái Sơn làm chủ đầu tư bị cư dân tố chủ đầu tư không lập tài khoản để sử dụng kinh phí bảo trì 2%; không bàn giao kinh phí bảo trì 2% theo quy định; tăng phí quản lý không đúng quy định; chủ đầu tư không đóng kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu riêng.

Cùng với tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì, một số khiếu kiện xuất phát từ những bức xúc về chất lượng công trình. Như tại Cao ốc Hưng Phát (928 Lê Văn Lương, Ấp 3, xã Phước Kiển, Nhà Bè, TP.HCM) do Công ty Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư bị cư dân phản ánh chất lượng chung cư không đảm bảo; Ban quản trị chưa nhận bàn giao hệ thống xử lý nước thải của chung cư, hệ thống nước thải trong một số căn hộ hay bị nghẹt, nước tràn lên làm hư hại sản gỗ, nội thất…

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, các chung cư có từ 20 căn hộ trở lên phải thành lập Ban quản trị nhà chung chư. Tuy nhiên trên thực tế đa số các chung cư cũ là chung cư thấp tầng, số lượng căn hộ ít và không có thang máy nên hầu hết chung cư này không thành lập Ban quản trị mà hoạt động theo mô hình tự quản. Với các chung cư mới, hiện còn 212 chung cư chưa thành lập Ban quản trị.

Ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng tranh chấp tại các chung cư nếu không được giải quyết có thể sẽ dẫn đến phát sinh những bất ổn xã hội. Qua thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp do một số chủ đầu tư nhận thức pháp luật không đúng như chủ đầu tư bán căn hộ cứ nghĩ phần sở hữu chung là của riêng chủ đầu tư.

Cũng có trường hợp chủ đầu tư cố tình vi phạm dẫn đến phát sinh mâu thuẫn. Trong khi đó, năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước của một bộ phận viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu, thậm chí buông lỏng, xử lý không đến nơi đến chốn, dẫn đến tranh chấp ngày càng phức tạp.

Trước tình hình tranh chấp, khiếu kiện tại các chung cư thời gian qua, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí 2% phần sở hưu chung cư nhà chung cư như hiện nay.

Theo đó, việc hình thành quỹ bảo trì phần sở hữu chung của tùng chung cư sẽ do BQT chung cư thu của các chủ sở hữu nhà chung cư trong quá trình quản lý, sử dụng theo tỷ lệ % do hội nghị nhà chung cư quyết định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang