Trận bão lũ kinh hoàng đã và đang diễn ra tại miền Trung khiến người dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Phát huy truyền thống đó, trên khắp mọi miền đất nước, người dân, các tổ chức thiện nguyện đã vận động quyên góp và vận chuyển hàng hóa về giúp đồng bào. Tuy nhiên, giữa lúc thời tiết diễn biến phức tạp, tàn phá nhà cửa, cướp đi sinh mạng của nhiều người thì hoạt động cứu trợ nếu không được tính toán chu toàn, sẽ đối diện nhiều nguy hiểm cho chính những người có tấm lòng thiện nguyện.
Nhiều nguy hiểm chực chờ
Ngày 22-10, khi cơn bão số 8 đang đổ bộ vào miền Trung, các tỉnh miền Trung lúc đó vẫn ngập sâu, lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng, nhiều vùng bị chia cắt, người dân bị cô lập. Vì vậy các hoạt động cứu trợ người dân gặp phải nhiều khó khăn, hiểm trở nên lực lượng Kiểm ngư Quảng Bình được tăng cường lên địa bàn huyện Lệ Thủy để thực hiện công tác cứu trợ đồng bào bị lũ lụt.
Khoảng 9 giờ cùng ngày, sau khi tập kết tại chợ Cưỡi (xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy) với 6 cán bộ, thuyền trưởng, máy trưởng, trạm trưởng và 2 ca nô đặc chủng, lực lượng này đã vận chuyển người, lương thực, thực phẩm, nước uống từ Quốc lộ 1 vào các xã bị ngập sâu, như: Liên Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy, An Thủy...
Trên đường vận chuyển hàng trở ra điểm tập kết, lực lượng Kiểm ngư Quảng Bình phát hiện 1 thuyền cứu trợ bị lật chìm do sóng to, gió lớn ở khu vực nước sâu gần xã Thanh Thủy nên đã đến cứu hộ. Trên thuyền bị chìm, ngoài hàng hóa còn có 6 người được Kiểm ngư cứu nạn an toàn, trong đó có 3 người trên địa bàn huyện Lệ Thủy và 3 người từ Nghệ An vào Quảng Bình đi cứu trợ bà con vùng lũ. Lực lượng Kiểm ngư đã vận chuyển 6 người này về nơi an toàn và tiếp tục nhiệm vụ cứu trợ.
Chiếc xe tải chở hàng cứu trợ bị lún phải nhờ công an và người dân giúp
Cũng trong ngày 22-10, đoàn cứu trợ của chị B.K.P (ngụ TPHCM) đã đến xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) để trao cho bà con thực phẩm, nước uống và tiền mặt. Tuy nhiên một chiếc thuyền chở hàng cứu trợ bị lật, may mắn không ai bị thương, nhưng toàn bộ hàng cứu trợ ở thuyền này đã ướt hết và một số trôi mất.
Sau đó chị P. đã chia sẻ khoảnh khắc khó khăn này lên Facebook, với mong muốn những người bạn chị sẽ thấy những sự khó khăn mà bà con miền Trung đang gánh chịu và những trở ngại trên con đường cứu trợ để mọi người thận trọng.
Tuy nhiên hình ảnh này lại bị một số thành phần đăng lại với những thông tin sai lệch nhằm câu like: "Người dân không cần hàng cứu trợ nên đã vứt xuống nước", "Bị lái thuyền "chặt" nên đoàn từ thiện vứt hàng xuống nước"... Điều này không chỉ làm tổn thương cho người dân vùng lũ, cho những người không ngại khó đến giúp đỡ người dân miền Trung, mà còn gây bức xúc trong dư luận. Được biết, chị Phụng cùng đoàn của mình đã dành 17 ngày liên tục để giúp bà con vùng rốn lũ với số quà và tiền mặt hơn 2 tỷ đồng.
Con đường di chuyển, vận chuyển hàng hóa cứu trợ đến tay bà con rốn lũ cũng gian truân và hiểm nguy không kém. Ngày 28-10, anh Lê Văn Nam (trú tại Nam Định) cùng đoàn cứu trợ 10 người bị tai nạn, khi đang trên đường hỗ trợ người dân vùng lũ ở huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) trở về. Ngay sau đó, anh Lê Văn Nam được Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình tiếp nhận, điều trị trong tình trạng chấn thương, do bị lật xe tại phía nam cầu Gianh.
Thời điểm xảy ra vụ tai nạn, anh Nam đang trên đường về nhà sau khi tham gia cứu trợ bà con vùng lũ miền Trung. Chiếc xe của anh Nam chở 10 thành viên trong đoàn vừa tham gia cứu trợ bà con vùng lũ tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) trên đường trở về nhà thì gặp mưa to, gió lớn khiến xe lật nghiêng trên Quốc lộ 1A, Hậu quả là anh Nam bị thương, ngất xỉu.
Ngay sau khi nhập viện, tài xế Nam đã được các cán bộ y tế tích cực chăm sóc điều trị, không thu viện phí và các khoản lệ phí khác. Hiện tại sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định. Đồng thời, bệnh viện và UBND thị xã Ba Đồn cũng tổ chức mời cơm và sắp xếp chỗ ăn, nghỉ chu đáo cho toàn bộ các thành viên trong đoàn cứu trợ.
Một trường hợp khác xót xa hơn, ngày 5-11, đoàn từ thiện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) quận 6, TPHCM gặp tai nạn trên đường đi cứu trợ bão lụt miền Trung. Vụ tai nạn xảy ra vào lúc 9 giờ 30 ngày 5-11, trên QL1A địa bàn thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Thời điểm này, đoàn xe chở hàng cứu trợ bão lụt miền Trung của đoàn từ thiện GHPGVN quận 6, TPHCM lưu thông hướng TPHCM - Phan Thiết, khi đến địa điểm trên thì một xe 7 chỗ trong đoàn gặp tai nạn với xe tải chạy chiều ngược lại (Phan Thiết - TPHCM). Trên xe 7 chỗ lúc này có 3 người, trong đó Thượng tọa Thích Thiện Phú (thế danh Lê Văn Sang), Phó trưởng ban Trị sự GHPGVN quận 6, Phó đoàn từ thiện, bị thương nặng.
Thượng tọa được đưa đi cấp cứu nhưng đến 10 giờ 30 cùng ngày do chấn thương quá nặng nên đã viên tịch, mặc dù đã được các y bác sĩ tận tình cứu chữa. Nhưng đoàn từ thiện vẫn tiếp tục lên đường ra miền Trung để cứu trợ đồng bào, hoàn thành sứ mệnh cao cả của chuyến đi này.
Tình hình mưa lũ, sạt lở diễn biến phức tạp
Hàng loạt vụ sạt lở đã xảy ra liên tiếp ngay sau những trận mưa lớn khi cơn bão số 9 đổ bộ vào đất liền nước ta. Khi nước lũ rút, cuộc sống của người dân vùng lũ dần ổn định thì lại đến người dân vùng núi thấp thỏm vì sạt lở đất. Đất sạt ngay sát chân nhà dân, đá lở xuống đường giao thông, hậu quả từ những vụ sạt quy mô nhỏ ngay trong những ngày mưa lớn ảnh hưởng từ hoàn lưu bão số 9 là lời cảnh báo cho các địa phương vùng núi. Sạt lở, lũ quét là khó dự báo, có những vụ xảy ra dù quy mô nhỏ nhưng thiệt hại về con người là rất lớn.
Ngay từ cơn bão số 6 đã xảy ra sạt đường, lở núi. Tình hình mưa lũ ở khu vực miền Trung ngay lúc đó đã có 15 người chết và 21 người mất tích. Nhiều tuyến quốc lộ bị sạt lở, ngập do ảnh hưởng của cơn bão số 6. Trên các tuyến quốc lộ: 93 điểm bị sạt lở (Quảng Bình 9 điểm; Thừa Thiên - Huế 16 điểm; Quảng Nam 68 điểm); 19 điểm bị ngập (Quảng Bình 14 điểm ngập sâu từ 0,5 - 0,9m). Quốc lộ 1A trên địa phận Thừa Thiên - Huế (huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà) 5 điểm ngập sâu 0,2 - 0,6m dài khoảng 2km. Đường sắt Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập.
Tình hình nguy hiểm như vậy có thể đe dọa đến bất kỳ ai khi lưu thông trên đường, chứ chưa nói là vào vùng lũ cứu trợ. Và sau bão số 6, tổ hợp thời tiết dị thường đã liên tiếp diễn ra làm tăng thêm các vụ sạt, sụp lở. Đã có những đoàn chuyên nghiệp của bộ đội và công an bị thương, thậm chí hy sinh trong lúc đi cứu hộ đồng bào.
Sạt lở cầu, đường ở Quảng Nam
Anh Nguyễn Hiếu trong một lần cứu trợ tại Huế khi cơn bão số 7 tràn vào đẩy nước dâng lên thành lũ kể lại: "Khi đến Huế, chúng tôi có báo cáo với công an địa phương nhờ hỗ trợ. Các anh rất nhiệt tình. Lực lượng công an giúp chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương lên danh sách bà con nhưng khi lũ dâng, các điểm tập kết phát quà đều bị ngập sâu. Cuối cùng, các anh công an phải mượn xuồng đưa chúng tôi đến từng nhà giúp bà con.
Nhưng như vậy tôi cảm thấy áy náy suốt chuyến đi vì khi xuồng ra giữa đồng, biển nước mênh mông, mưa trên trời thì đổ xuống, gió mạnh thì cứ thổi bạt ngang. Con xuồng 6 người tròng trành đợi cơn gió phớt ngang thôi cũng lật úp được. Chưa kể những cột điện đổ, dây điện giăng ngang ngâm trong nước, vẫn còn điện. Quá nguy hiểm. Hoàn tất chuyến cứu trợ, tôi vui mừng như vừa thoát chết. Nghĩ thương lực lượng công an và cán bộ địa phương".
Mới đây trong chuyến cứu trợ tại Quảng Trị sau bão số 9, đoàn của anh Trần Đình Nguyên (TPHCM), cứu trợ đồng bào Pako ở huyện Đắckrông dù đã tiền trạm rất kĩ, nhưng đến ngày đi, đường 9 dẫn lên khu vực này bị sạt lở nghiêm trọng. Cũng may sau đó anh nhờ công an huyện dẫn đoàn và phụ giúp thì mới lên được với dân làng. Tuy nhiên, khi phát xong quay về Đông Hà thì chiếc xe tải chở hàng bị lún sau. Một lần nữa phải nhờ cán bộ, người dân và công an mấy chục người hì hục 5 tiếng đồng hồ mới đẩy chiếc xe lên được. Cả đoàn thở phào và ân hận vì ngay từ đầu không phối hợp với địa phương và công an.
Lực lượng công an sẵn sàng hỗ trợ các đoàn cứu trợ
Đại tá Hoàng Ái Vân - Trưởng phòng Công tác Đảng, Công tác chính trị Công an tỉnh Quảng Trị: Dưới sự chỉ đạo sâu sát của Ban giám đốc, lực lượng Công an tỉnh Quảng Trị đã ngày đêm lặn lội trong mưa bão sơ tán dân, đưa người dân đến nơi an toàn. Các chiến sĩ công an không quản nguy hiểm, hy sinh để khi người dân cần là lực lượng có ngay bên cạnh.
Hiện nay, địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng được người dân cả nước, các đoàn thiện nguyện đến trao quà cho dân. Đó là nghĩa cử cao quý và chính quyền địa phương rất trân trọng. Về phía công an tỉnh, với chủ trương của lãnh đạo, chúng tôi sẵn sàng phối hợp hỗ trợ các đoàn từ thiện trong hoạt động cứu trợ sao cho diễn ra hiệu quả và đạt tính an toàn tuyệt đối.
Trung tá Lê Thị Hồng Nhung - Trưởng phòng Công tác Đảng, Công tác chính trị Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế: Từ cơn bão số 6, Thừa Thiên - Huế đã hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Chủ trương của Ban giám đốc là phải tập trung, nỗ lực cứu dân, giúp dân trong bão lũ. Các đơn vị công an tỉnh cùng công an các địa phương đã không ngại bão giông sẵn sàng xông vào bão lũ để bảo vệ người dân.
Trong công tác cứu trợ đồng bào, công an tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn từ thiện và cán bộ địa phương nơi đoàn đến phát quà cho bà con. Bảo đảm các phần quà được trao tận tay cho người dân và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đoàn cứu trợ khi được đề nghị phối hợp.