Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện nay, tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy trên toàn quốc là 248.643 người. Trong đó, có 1.203 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện có biểu hiện loạn thần “ngáo đá”.
Sau 2 năm thi hành Luật Phòng, chống ma túy, Công an các địa phương đã quan tâm chỉ đạo rà soát, phát hiện người sử dụng trái phép chất ma túy và tiến hành lập hồ sơ theo quy định.
Luật Phòng, chống ma túy 2021 và các văn bản quy định chi tiết đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác xác định tình trạng nghiện, cai nghiện ma túy, quy định tiêu chí đưa ra khỏi danh sách người nghiện.
Các địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ thực hiện hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, tăng cường rà soát lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc.
Tính đến ngày 14/6/2023, cả nước có 47.650 người sử dụng trái phép chất ma túy; 2.074 người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; 183.783 người nghiện ma túy; 17.210 người bị quản lý sau cai nghiện ma túy. Đáng lo ngại, trong số đó, có 1.203 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện có biểu hiện loạn thần “ngáo đá”.
Số đối tượng loạn thần, “ngáo đá” do sử dụng ma tuý tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về ANTT, rất nguy hiểm cho gia đình và xã hội
Cả nước hiện cũng có 10.356 bác sỹ thực hiện xác định tình trạng nghiện, tăng 1.525 bác sỹ (17%) so với năm 2022; có 5.700 cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 4.777 cơ sở (tăng 517%).
Kết quả xác định tình trạng nghiện 6 tháng đầu năm 2023 là 37.813 người, tăng 25.668 người (tăng 211%) so với cùng kỳ năm 2022 và cao hơn cả năm 2022. Trong đó có 32.389 người có kết quả xác định là nghiện ma túy, chiếm 85,5% trên tổng số người được xác định tình trạng nghiện.
Theo cơ quan chức năng, hiện nay, hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy đã đầy đủ. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tại các địa phương, vẫn thiếu cơ chế vận hành, công tác tổ chức thực hiện thiếu sự kiểm tra đôn đốc, giám sát thực hiện của các ngành, còn tình trạng “khoán trắng” cho lực lượng Công an nên hiệu quả chưa cao.
Công an khống chế một đối tượng "ngáo đá" khi đối tượng tấn công người đi đường bằng gạch đá
Các địa phương đều gặp khó khăn về nguồn kinh phí, nhất là trong công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy. Do các địa phương chưa quan tâm bố trí nguồn ngân sách cho công tác phòng, chống ma túy từ ngân sách địa phương.
Trong công tác cai nghiện thì số đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng còn thấp; chưa có tổ chức cá nhân đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện.
Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội chưa chủ động tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp huyện để giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn cung cấp dịch vụ cai nghiện; quy định về điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở cung cấp dịch vụ theo Nghị định 116 là rất cao, khó đáp ứng được trong thực tế.
Để giải quyết tình trạng trên, Cục CSĐT tội phạm về ma tuý đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phân công trách nhiệm cụ thể các ngành, có cơ chế giám sát, đôn đốc các ngành thực hiện công tác phòng, chống ma túy có hiệu quả; hàng năm tham mưu cho UBND trình HĐND bố trí nguồn ngân sách cho công tác phòng, chống ma túy.
Bộ Y tế cũng cần quan tâm chỉ đạo các Sở Y tế địa phương bố trí nguồn nhân lực, tổ chức tập huấn, trang bị phương tiện, cơ sở vật chất cho Trạm y tế cấp xã để thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, tạo điều kiện tối đa cho người nghiện tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng ở ngay địa bàn cấp xã.
Ban hành cơ chế phù hợp nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, giải quyết những khó khăn vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, thu hút người nghiện tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
UBND cấp tỉnh cần chỉ đạo các ngành thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống ma túy; xây dựng các mô hình, tạo nguồn vốn, công ăn việc làm cho người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, giảm tỷ lệ tái nghiện, trong đó cần xác định rõ nội dung, hình thức, nhiệm vụ và cách thức tổ chức thực hiện.