Hơn 320 người tử vong và mất tích do bão lũ

Thứ Tư, 11/09/2024 20:21

|

(CAO) Tính đến 17 giờ 30 phút ngày 11/9, đã có 324 người chết và mất tích (179 người chết, 145 người mất tích); tăng 32 người chết, mất tích (Lào Cai 28, Yên Bái 4) so với thống kê lúc 11 giờ cùng ngày.

Hoàn lưu của siêu bão Yagi với phạm vi ảnh hưởng rộng gây mưa lũ lớn tại các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa. Thiệt hại do bão và hoàn lưu bão số 3 tiếp tục tăng.

Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 17 giờ 30 phút ngày 11/9, đã có 324 người chết và mất tích (179 người chết, 145 người mất tích); tăng 32 người chết, mất tích (Lào Cai 28, Yên Bái 4) so với thống kê lúc 11 giờ cùng ngày.

Bão số 3 và hoàn lưu bão cũng gây ngập 54.051 nhà tại nhiều địa phương.

Cơ quan chức năng cùng gia đình tổ chức mai táng cho những người tử vong trong trận lũ ống, lũ quét tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai

Trực thăng vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm cứu trợ các khu vực bị chia cắt

Trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo kịp thời với mục tiêu đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho nhân dân là trên hết, trước hết.

Trực tiếp Thủ tướng và Thủ tướng phân công các Phó Thủ tướng, một số Bộ trưởng xuống các địa phương trực tiếp chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ về xây dựng pháp luật chiều 11/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi, chia buồn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới gia đình, cơ quan, đơn vị và địa phương có thiệt hại, mất mát về người, tài sản do bão số 3 gây ra. 

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quan điểm “Đảng chỉ đạo, Nhà nước quản lý, người dân làm chủ,” thực hiện mọi biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả, nhất là mưa lũ, sạt lở do hoàn lưu bão.

Nước lũ ngập mênh mông tại khu vực ven sông Hồng, Hà Nội

Được lệnh của Bộ Quốc phòng, lúc 13 giờ 4 phút ngày 11/9, máy bay EC-155-B1 số hiệu VN-8621 của Công ty Trực thăng miền Bắc, Binh đoàn 18 (Bộ Quốc phòng) đã cất cánh từ sân bay Gia Lâm, vận chuyển hàng hóa cứu trợ gồm nước uống, lương khô, sữa, mỳ tôm...

Máy bay hạ cánh xuống huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng lúc 14 giờ 8 phút cùng ngày. Thông tin từ Quân chủng Phòng không-Không quân, nếu điều kiện thời tiết cho phép, ba tổ bay trực thăng Mi-171, Mi-17 và Mi-8 của Trung đoàn 916 thuộc Sư đoàn Không quân 371 sẽ cất cánh thả hàng cứu trợ tại vùng lũ Yên Bái và Cao Bằng.

Chính quyền các địa phương cũng ưu tiên tập trung cho công tác ứng phó với mưa lũ; tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn mất tích; cứu chữa miễn phí cho người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời thân nhân và hỗ trợ các gia đình có người thân bị thiệt mạng.

Cùng với đó triển khai cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở; tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở.

Một số địa phương nước đã tràn đê, có nơi đã vỡ đê

Trên địa bàn các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa, hoàn lưu bão vẫn gây mưa to, đến rất to, lũ các sông lên cao trên báo động 2-báo động 3; đặc biệt một số địa phương nước đã tràn đê, có nơi đã vỡ đê. 

Để bảo đảm tính mạng và tài sản của nhân dân, công tác di dời người dân đang được chính quyền các địa phương triển khai quyết liệt. Người dân đều đồng thuận, phối hợp và hỗ trợ lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ.

Tại các địa điểm sơ tán đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện sinh hoạt cũng như thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ dân.

Các ngành, địa phương đã huy động nhân lực, vật tư sẵn sàng xử lý mọi tình huống theo các phương án bảo vệ trọng điểm, phương án hộ đê toàn tuyến và các phương án phát sinh do mực nước trên hệ thống các sông tiếp tục lên.

Đêm 10, ngày 11/9, nước sông Hồng tiếp tục lên cao, trước tình hình mưa lớn làm tràn bờ bao ở nhiều huyện, thành phố Hà Nội đã ban hành lệnh báo động lũ cấp 2 tại 10 quận, huyện ven sông.

Các huyện Đông Anh, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Trì... đã huy động đông đảo nhân lực tham gia đắp, gia cố nhiều tuyến đê.

Công tác di dời các hộ dân cũng được thành phố triển khai quyết liệt. Quận Hoàn Kiếm đã thông báo, vận động sơ tán 379 hộ dân tại hai phường Chương Dương và Phúc Tân; quận Bắc Từ Liêm đã di dời 836 hộ dân (đạt 100%) tại 4 phường ven đê sông Hồng (Đông Ngạc, Liên Mạc, Thụy Phương, Thượng Cát); quận Ba Đình di dời 276 hộ với 1.059 nhân khẩu trong khu vực nguy hiểm bờ vở sông Hồng (thuộc phường Phúc Xá); huyện Quốc Oai di dời 129 hộ với 429 nhân khẩu…

Ngày 11/9, toàn thành phố Hà Nội có 126 trường tạm dừng học tập trực tiếp do ảnh hưởng của mưa lớn. Căn cứ tình hình thực tế, nhiều Phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường chủ động triển khai hình thức dạy học ứng phó nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh.

Trừ các trường mầm non bị ngập nặng không thể đón học sinh, nhiều trường khác vẫn tổ chức đón trẻ nếu bố mẹ phải đi làm, gia đình không có người chăm sóc con. Nhiều trường phổ thông thông báo chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến.

Bình luận (0)

Lên đầu trang