(CATP) Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TPHCM, Thành phố (TP) hiện có 16 cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) công lập thực hiện tiếp nhận, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 6.505 đối tượng BTXH và 64 cơ sở BTXH ngoài công lập có quyết định thành lập đã tiếp nhận quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 3.177 trường hợp. Trong đó, 23 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp thành phố, 41 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp quận, huyện và TP.Thủ Đức.
Hiện nay, để bảo đảm công tác quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn trong công tác trợ giúp xã hội tại các cơ sở, có 3 cấp quản lý đối với cơ sở trợ giúp xã hội gồm: cấp thành phố do Sở LĐ-TB&XH quản lý; cấp quận, huyện, TP.Thủ Đức do Phòng LĐ-TB&XH quản lý và cơ sở dưới 10 đối tượng do UBND cấp xã quản lý. Qua đó, Sở LĐ-TB&XH thường xuyên đề nghị, nhắc nhở các địa phương quan tâm kiểm tra, giám sát các cơ sở trú đóng trên địa bàn quản lý thực hiện bảo đảm hoạt động theo giấy phép đã được cấp và tuân thủ các quy định.
Mặc dù có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, thế nhưng việc thực hiện còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, vụ việc bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng đã khiến dư luận bức xúc. Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, trong công tác quản lý tại các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, Sở chưa ghi nhận khó khăn đối với các cơ sở đã được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay có một số khó khăn phát sinh liên quan như: cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng chưa đúng chức năng, nhiệm vụ; quy chế giám sát nội bộ phòng chống xâm hại, bạo lực tại một số cơ sở ngoài công lập chưa được người đứng đầu quan tâm, thực hiện thường xuyên. Trách nhiệm giải quyết vụ việc phát sinh cũng thuộc thẩm quyền địa phương quản lý, do đó công tác kiểm tra giám sát và quản lý địa bàn, tiếp nhận thông tin phản ánh cần được quan tâm hơn...
Theo Nghị định số 110/2024/NĐ-CP, Nhà nước tạo cơ hội cho các tổ chức cá nhân có thể giúp đỡ người khó khăn nhưng phải bảo đảm đúng quy trình, quy định, không được bóc lột, lợi dụng, hành hạ, xâm hại lợi ích, sức khỏe các cá nhân... Bên cạnh đó, các chính sách liên quan đến cơ sở dịch vụ chuyên nghiệp phải tuân thủ các tiêu chí điều kiện và phải được phép hoạt động. Ngoài ra, phải tăng cường công tác về truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc phát hiện các vụ việc, xử lý nhanh và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng
Sắp tới, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị TPHCM kiểm tra, thanh tra toàn diện tất cả quy định của pháp luật đối với hoạt động của các cơ sở BTXH. Bên cạnh kiểm tra điều kiện hoạt động, cơ sở vật chất..., còn phải kiểm tra sâu hơn về tiếp nhận các nguồn hỗ trợ, quản lý tài chính, nguồn hàng, tiền hàng... Ngoài ra, các cơ sở BTXH phải thường xuyên rà soát, báo cáo đối tượng, lập danh sách, tìm nguồn gốc trẻ em, đặc biệt là trẻ em sơ sinh, bởi nếu không rất dễ phát sinh liên quan đến mua bán người.
Qua vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng, cần phải xử lý nghiêm để răn đe trước pháp luật. Bước đầu, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 12 xác định 5 nhân viên (bảo mẫu) có hành vi hành hạ trẻ em. Hiện Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (SN 1978, quê Đồng Nai) và Diệp Ngọc Tuyền (SN 1977, quê Sóc Trăng) bị Công an quận 12 bắt tạm giam về hành vi "hành hạ người khác".
Thiết nghĩ, để bảo vệ trẻ em một cách hiệu quả, cần phải có những chế tài xử lý nghiêm minh đối với những đối tượng có hành vi bạo hành trẻ em. Các đối tượng này phải đối mặt với những hình phạt thích đáng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, không chỉ những kẻ trực tiếp thực hiện hành vi bạo hành mà các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc bao che hoặc thiếu giám sát, quản lý cho hành vi này cũng phải bị xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ toàn diện cho các nạn nhân bị bạo hành. Việc thực hiện nghiêm các quy định pháp luật và nâng cao ý thức của cộng đồng là yếu tố quan trọng để xây dựng một xã hội an toàn và lành mạnh cho trẻ em.