TPHCM có 64 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, chăm sóc, nuôi dưỡng 3.177 người

Thứ Năm, 05/09/2024 17:35

|

(CAO) TPHCM có 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập thực hiện tiếp nhận, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 6.505 đối tượng bảo trợ xã hội và 64 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập có quyết định thành lập đã tiếp nhận quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 3.177 trường hợp. Trong đó có 23 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp Thành phố, 41 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp quận-huyện và thành phố Thủ Đức.

Sau phản ánh của người dân và báo chí về tình trạng ngược đãi trẻ em xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng (Quận 12) khiến dư luận rất bức xúc, Sở LĐ-TBXH TPHCM đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên báo chí liên quan đến công tác này của sở.

Theo Sở LĐ-TBXH, pháp luật nghiêm cấm hành vi bạo lực trẻ em. Trong đó bao gồm hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập. Từ sự việc xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng, Sở nhận định đây là vụ việc bạo hành trẻ em có tính nghiêm trọng và cần phải xử lý nghiêm để răn đe trước pháp luật. Quan điểm của sở từ khi tiếp nhận thông tin đến thời điểm này là xử lý nghiêm những người có hành vi bạo lực trẻ và đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu để cơ quan có thẩm quyền thu thập tài liệu phục vụ công tác điều tra, xác minh và xử lý theo quy định.

 Ông Nguyễn Tăng Minh – Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH thông tin với báo chí tại buổi họp báo vào chiều qua (4/9)

Liên quan đến việc thời gian qua, một số cơ sở trợ giúp xã hội cũng đã bị người dân, báo chí phản ánh thông tin tiêu cực, bạo hành, Sở LĐTBXH cho biết các cơ quan báo chí trên địa bàn Thành phố đã thực hiện rất tốt chức năng giám sát, phản ánh thông tin về những vấn đề xã hội, trong đó có những thông tin giúp uỷ ban nhân dân, cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở để kiểm tra sâu, kỹ, làm rõ những vấn đề còn hạn chế, khắc phục, thậm chí sai phạm để có biện pháp chấn chỉnh, giải quyết. 

Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân Thành phố: ngoài việc triển khai, tổ chức thực hiện, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật có liên quan thì phải thực hiện tốt chức năng kiểm tra giám sát, quản lý địa bàn. Trách nhiệm giải quyết vụ việc phát sinh cũng thuộc thẩm quyền địa phương quản lý, do đó công tác kiểm tra giám sát và quản lý địa bàn, tiếp nhận thông tin phản ánh cần được quan tâm hơn.

Trong thời gian tới, ngoài việc kiểm tra giám sát định kỳ hàng năm, Sở tiếp tục có kế hoạch rà soát, kiểm tra giám sát tất cả cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập trên địa bàn (gồm cơ sở TP quản lý, cơ sở do quận, huyện, TP Thủ Đức quản lý) để ngăn ngừa phát sinh vụ việc bạo hành tại cơ sở trợ giúp xã hội.

Cũng theo sở, TPHCM có 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập thực hiện tiếp nhận, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 6.505 đối tượng bảo trợ xã hội và 64 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập có quyết định thành lập đã tiếp nhận quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 3.177 trường hợp. Trong đó có 23 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp Thành phố, 41 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp quận-huyện và thành phố Thủ Đức.

Các cơ sở trợ giúp xã hội tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng được quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 nàm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Hiện nay để đảm bảo công tác quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn trong công tác trợ giúp xã hội tại các cơ sở. Có 03 cấp quản lý đối với cơ sở trợ giúp xã hội đó là: cấp Thành phố do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, cấp quận - huyện - thành phố Thủ Đức do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ sở dưới 10 đối tượng do ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.

Về khó khăn trong công tác quản lý tại các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, Sở chưa ghi nhận khó khăn đối với các cơ sở đã được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay có một số khó khăn phát sinh liên quan: cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng chưa đúng chức năng, nhiệm vụ; quy chế giám sát nội bộ phòng chống xâm hại, bạo lực tại một số cơ sở ngoài công lập chưa được người đứng đầu quan tâm, thực hiện thường xuyên.

Sau vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra tại Cơ sở mái ấm Hoa Hồng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với địa phương phân loại, tổng hợp danh sách trẻ em cần bảo vệ khẩn cấp và chuyển 84 trẻ về các Trung tâm Bảo trợ xã hội công lập chăm sóc, nuôi dưỡng. Chỉ đạo các Trung tâm chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự và các nguồn lực cần thiết khẩn trương tiếp nhận trẻ về chăm sóc nuôi dưỡng.

Các Trung tâm cũng đã tổ chức cho nhân viên y tế khám sức khỏe, chỉ định lượng sữa hoặc thức ăn phù hợp với từng độ tuổi, sức khỏe. Bố trí nơi ở, người chăm sóc và ổn định tinh thần cho trẻ. Sáng 05/9/2024 các Trung tâm tiến hành tiêm ngừa cho các bé theo quy định để đảm bảo sức khỏe và phòng tránh dịch bệnh.

Hiện nay 84 trẻ tại các Trung tâm có sức khỏe, tâm lý ổn định, tinh thần vui tươi và giao tiếp tốt với nhân viên Trung tâm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang