Vụ bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng, Quận 12:

Cần trừng trị nghiêm khắc những kẻ ngược đãi trẻ em

Thứ Năm, 05/09/2024 14:37  | Nguyễn Hiếu

|

(CATP) Thời gian gần đây, nạn bạo hành trẻ em (BHTE) đang có dấu hiệu gia tăng với nhiều hình thức đa dạng, phức tạp, để lại hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ cũng như tác động tiêu cực đến đời sống xã hội ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước. Chắc ai cũng cảm thấy đau xót khi đọc những thông tin hoặc xem các clip BHTE với các hành vi gây phẫn nộ dư luận. Ðể góp phần ngăn chặn tình trạng này, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng với những giải pháp cụ thể, thiết thực...

Mái ấm nhưng... không ấm

sáng 04/9, CAQ12, TPHCM phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra Mái ấm Hoa Hồng nằm trên đường Tô Ký, P.Trung Mỹ Tây, Q12 để xác minh, làm rõ thông tin trẻ em bị bạo hành dã man tại đây. Hiện mọi hoạt động của mái ấm này bị tạm dừng, lực lượng CA phối hợp với Viện kiểm sát đang lấy lời khai những người liên quan để làm rõ sự vụ. Theo đại diện UBND P.Trung Mỹ Tây, trước mắt cơ quan chức năng đã đưa các cháu đi khám sức khỏe và giám định thương tật để xác định trách nhiệm của những người vi phạm, đồng thời sẽ chuyển các cháu về các cơ sở bảo trợ xã hội công lập để có điều kiện chăm sóc tốt hơn, hỗ trợ phục hồi cho các bé.

Công an có mặt tại Mái ấm Hoa Hồng, Q12

Chiều 04/9, Sở LĐTB&XH phối hợp các cơ quan chức năng thông tin về việc nhiều trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng trên đường Tô Ký, Q12, bị bạo hành. Mái ấm Hoa Hồng là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí, được Phòng LĐTB&XH Q12 cấp phép hoạt động ngày 07/7/2023; với chức năng, nhiệm vụ trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, sống lang thang và số lượng không quá 39 trẻ. Tuy nhiên khi kiểm tra thì tại cơ sở có 85 trẻ, trong đó có 15 trẻ sơ sinh (dưới một tuổi) chưa đầy đủ giấy tờ. Đại diện Sở LĐTB&XH cho biết từ 16 giờ ngày 04/9, toàn bộ 85 trẻ em đã được đưa về cơ sở bảo trợ xã hội công lập là Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình, Làng Thiếu niên Thủ Đức, Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp.

Theo báo cáo nhanh của Sở LĐTB&XH, Mái ấm Hoa Hồng do bà Giáp Thị Sông Hương làm chủ và nhận nuôi các trẻ em mồ côi. Nơi đây đang nuôi dưỡng 85 trẻ em mồ côi được chia thành các nhóm: trẻ sơ sinh (lớn nhất khoảng 8 tháng tuổi) gồm 15 cháu, trẻ từ 12 tháng đến dưới 36 tháng gồm 36 cháu và nhóm từ 36 tháng đến 72 tháng có 30 trẻ (đang đi học tại trường mầm non Sóc Bông, KP1, P.Trung Mỹ Tây). Có 3 cháu bé từ 6-12 tuổi; 1 trẻ đang điều trị tại bệnh viện. Đây cũng là địa điểm được giới thiệu là cưu mang mẹ bầu có hoàn cảnh khó khăn, người già không nơi nương tựa. Cơ sở có 15 nhân viên làm việc, mở cửa từ 8 giờ đến 20 giờ mỗi ngày để các nhà hảo tâm đến thăm và đóng góp từ thiện.

Trước đó, báo chí phản ánh về việc BHTE mồ côi tại Mái ấm Hoa Hồng. Quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo mẫu tên T. có những hành động ngược đãi, đánh đập dã man đối với các cháu. Trong đó có bé trai khoảng 7 tháng tuổi bị T. ngồi lên người, nhéo lỗ tai. Thậm chí, một bé còn bị T. tác động vật lý đến chảy máu miệng, nhấc lên cao rồi ném xuống nệm.

Sau khi tiếp nhận thông tin, CAQ12 phối hợp với các đơn vị liên quan đã vào cuộc điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Được biết, tại Mái ấm Hoa Hồng từ lâu xuất hiện những thông tin trên mạng xã hội liên quan đến nguồn gốc, hoạt động nuôi dạy trẻ mồ côi. Ngoài ra, chủ cơ sở còn có các hoạt động kêu gọi từ thiện, tạo lập một số kênh Youtube, Facebook, đăng công khai số tài khoản cá nhân để kêu gọi cho các hoạt động ở đây.

Bị cáo Võ Thị Mỹ Linh tại tòa hồi tháng 4/2024

Những hành vi bạo hành trẻ em đáng lên án

rất nhiều vụ BHTE gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong khi các cháu còn quá nhỏ. Vì sao những vụ việc khủng khiếp trên vẫn tiếp tục xảy ra với nhiều cách thức khác nhau, mặc dù nhiều đối tượng đã phải trả giá rất đắt?

Liên quan đến hành vi BHTE, chiều 04/9/2024, Tòa Gia đình và người chưa thành niên (TAND TPHCM) mở lại phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Võ Thị Mỹ Linh (31 tuổi, quê ở tỉnh Đồng Tháp) về tội "giết người". Đây là bảo mẫu bạo hành bé trai 6 tháng tuổi khiến nạn nhân bị thương tích dẫn đến tử vong vào tháng 01/2023, tại một căn hộ thuộc P.Tân Tạo, Q.Bình Tân.

Lê Thị Diễm Trang dùng chổi đót liên tục đánh cháu T. được camera an ninh ghi lại

Trước đó, ngày 25/8/2023, Cơ quan CSĐT CAQ12 đã bắt khẩn cấp Lê Thị Diễm Trang (SN 1988, ngụ Q12) để điều tra về hành vi hành hạ người khác. Đây là đối tượng đã trói cháu bé T.P.C.T (SN 2015) vào cột điện trong tình trạng trần truồng rồi dùng chổi đánh liên tục khiến cháu T. kêu la thảm thiết. Mặc dù được những người hàng xóm chạy đến can ngăn nhưng Trang chửi bới, đe dọa tấn công hàng xóm, khiến nhiều người dân bức xúc nên họ đã trích xuất hình ảnh từ camera an ninh và dùng ĐTDĐ quay lại, đăng trên mạng xã hội Facebook, đồng thời trình báo CA.

Tương tự, chiều 29/5/2024, Lê Văn Bậm (45 tuổi) bị TAND H.Hóc Môn tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù về tội hành hạ người khác, 6 năm tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Nguyễn Thảo Nguyên (mẹ của nạn nhân) 1 năm tù về tội hành hạ người khác. Đây là vụ "cha dượng hờ" và mẹ ruột hành hạ cháu bé 3 tuổi bằng cách trói tay và chân cháu bé này, để nạn nhân nằm dưới sàn nhà trong tình trạng không mặc quần áo, dùng tua vít, búa, kéo dọa đánh vào vùng kín của cháu; cho cháu bé sử dụng chất nghi là ma túy, xảy ra vào tháng 4/2022 tại xã Bà Điểm, H.Hóc Môn. Những lần Bậm hành hạ cháu bé đều được Nguyên dùng ĐTDĐ quay lại, sau đó dùng tài khoản Facebook tên "Thảo Nguyên" gửi các clip cho bạn là L.T.B (51 tuổi, ngụ Q5) để đùa vui. Sau khi các clip quay cảnh hành hạ cháu bé được đưa lên mạng xã hội và được người thân của cháu bé đến CA xã Bà Điểm, H.Hóc Môn trình báo sự việc, CAH.Hóc Môn vào cuộc khám xét nơi ở của Bậm và Nguyên, thu giữ 1 túi nylon chứa 0,2 gram ma túy cùng bộ dụng cụ sử dụng ma túy.

Bé trai bị Bậm cho hút ma túy đá, đe dọa bạo hành

Hãy để trẻ được an toàn

theo Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH), trung bình mỗi năm cả nước phát hiện khoảng 2.000 vụ BHTE. Do đó, để giảm thiểu những vụ việc BHTE, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần hoàn thiện chính sách pháp luật đối với công tác bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, các cơ quan chức năng chú trọng đến các cơ chế để bảo đảm quyền trẻ em không chỉ được ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật mà còn phải được bảo đảm để thực hiện trong thực tế.

Trẻ em thuộc nhóm người dễ bị tổn thương, có những nhu cầu đặc biệt cần được đáp ứng và là đối tượng được xã hội quan tâm, ưu tiên bảo vệ. Việc bảo đảm quyền trẻ em đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng BHTE đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều địa phương, với hình thức đa dạng, khó lường, phương thức và thủ đoạn tinh vi, phạm vi mở rộng với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, thậm chí đã có những vụ việc dẫn tới tử vong, gây bất bình, phẫn nộ trong cộng đồng.

Nạn BHTE gây hậu quả nặng nề cả trước mắt và lâu dài. Trẻ bị bạo hành lớn lên thường có xu hướng sống khép mình, tự ti, trầm cảm, mất khả năng tự chủ trong cuộc sống, thậm chí nảy sinh ý muốn tự tử hoặc có thể lặp lại những hành vi bị bạo hành với người khác, dễ dàng phạm tội khi bị rủ rê, lôi kéo. Điều đáng nói, nhiều vụ BHTE xảy ra công khai, kéo dài nhưng chưa được người dân quan tâm, nhìn nhận đúng nguy cơ để trình báo kịp thời tới các cơ quan chức năng, để đến khi phát hiện thì hậu quả đã rất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các chế tài xử phạt đối với các hành vi và tội BHTE chưa phát huy tính răn đe, phòng ngừa hiệu quả.

Liên quan đến vụ bạo hành, ngược đãi trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng, ngay trong sáng 04/9/2024, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy đã chỉ đạo như sau: Giao UBND Q12 chủ trì, phối hợp với Sở LĐTB&XH, CATP và các đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh vụ việc và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để răn đe đối với hành vi ngược đãi, bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra tại Q12. Báo cáo nhanh tình hình cho UBND TP trong ngày 04/9/2024. Giao Sở LĐTB&XH phối hợp với Sở TT&TT, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP, các sở, ban, ngành, tổ chức có liên quan và UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra để phát hiện kịp thời và ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em trên địa bàn TP. Cũng trong ngày 04/9, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM đã gửi văn bản tới UBND Q12, Phòng LĐTB&XH, CAQ12 đề nghị xem xét, xử lý những cá nhân có liên quan. Sở LĐTB&XH TPHCM đề nghị UBND Q12 phối hợp với các đơn vị nghiên cứu đưa vụ án ra xét xử lưu động, công khai vì đây là vụ có tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em; nhằm ngăn chặn các hành vi BHTE tái diễn. Sở cũng chỉ đạo các đơn vị và cá nhân liên quan làm rõ trách nhiệm trong công tác thẩm định, cấp phép hoạt động và giám sát hoạt động của Mái ấm Hoa Hồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang