Bất cập cây xanh đô thị:

Kỳ 1: Cây xanh bị "bức tử"

Thứ Ba, 28/07/2020 10:53  | Hải Văn

|

(CATP) Tính từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra hàng loạt sự cố, tai nạn liên quan tới cây xanh. Từ việc cây xanh bị "bức tử", gãy cành, trốc gốc, đè chết người, cho đến việc Công ty TNHH MTV Cây xanh TPHCM đưa ra giá dịch vụ cao ngất ngưởng, khiến dư luận "dậy sóng".

Việc phân bổ cây xanh chưa hợp lý, cây bị cấm trồng vẫn được trồng nhan nhản trên phố, hàng ngàn mét khối gỗ nằm "phơi sương", gây tổn thất lớn cho Nhà nước..., đặt ra hàng loạt vấn đề liên quan tới cây xanh đô thị ở TPHCM.

Là hạng mục có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ gốc, giúp cây xanh phát triển, nhưng hiện nay, hàng trăm bồn cây xanh tại TPHCM đang xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều cây xanh bị "bức tử" bởi xà bần, rác rưởi, bóng đèn, dây điện, hóa chất, bếp lò...

BỒN CÂY "NÁT NHƯ TƯƠNG"

Khảo sát tại đường Ba Tháng Hai cho thấy, hai bên tuyến đường này có hàng chục bồn cây bị nứt, vỡ, sụp lún... Một bồn cây trước địa chỉ số 202 Ba Tháng Hai (Q10) bị bể mảng lớn, rễ cây trồi lên mặt đất, "ăn" lan ra ngoài đường gây cản trở giao thông. Cách đó hơn trăm mét, hàng chục bồn cây trước Nhà hát Hòa Bình bị nứt nẻ, trầy trụa, rễ cây xiên ngang mặt đất làm vỉa hè "lượn sóng", bong tróc nham nhở.

Nhiều gốc cây trên đường Tôn Thất Thuyết bị bê-tông trám kín mít đến "ngộp thở"

Từ lâu, nhiều bồn cây tại ngã tư Ba Tháng Hai - Nguyễn Tri Phương bị hư hỏng, khiến nhiều mảng bê-tông to tướng nằm chình ình bên đường, tiềm ẩn hiểm họa khôn lường. Nhiều bồn cây cạnh đó cũng bị nứt, vỡ, xi măng, hồ vữa nằm ngổn ngang.

Anh Nguyễn Văn Hà (thợ sửa xe ở ngã tư này) nói: "Vỉa hè bị biến dạng một phần là do các đơn vị đào bới để lắp cáp quang, dây điện, đường ống, sau đó không chịu san lấp, hoàn thổ. Một phần do công ty cây xanh chưa quan tâm chỉnh trang, tu bổ, khiến nhiều bồn cây trông rất luộm thuộm. Vào giờ cao điểm, xe cộ thường chạy lên vỉa hè, dễ bị vấp té”.

Hàng chục bồn cây hai bên các tuyến đường QL13, Ung Văn Khiêm, Điện Biên Phủ, Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh) cũng bị nứt nẻ, vỡ vụn; nhiều cây không còn bồn và ngược lại, nhiều bồn không còn cây. Các tuyến đường Võ Văn Tần, Mạc Đỉnh Chi, Nguyễn Đình Chiểu cũng có hàng chục bồn cây bị xuống cấp, nhiều bồn "nát như tương".

Nhiều bồn cây trên đường Ba Tháng Hai, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Đình Chiểu bị hư hỏng, vỡ nát

Một bồn cây tại giao lộ Nguyễn Đình Chiểu - Phan Kế Bính (Q1) bị bể từa lưa, rễ cây trồi ra đường, tạo thành cái bẫy nguy hiểm đối với người đi đường. Vỉa hè tại đây lại bong tróc, nhếch nhác. Nhiều bồn cây ven đường Đinh Bộ Lĩnh, đoạn giáp với đường Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh) cũ kỹ, hư hỏng, rễ cây trồi lên mặt đất làm vỉa hè biến dạng, đầy "ổ voi", "ổ gà”.

Tại các tuyến đường Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Thị Minh Khai (Q1), Trương Định (Q3), Nguyễn Chí Thanh (Q5)..., nhiều bộ rễ cổ thụ "bò” lằng ngoằng trên mặt đất, cao cả gang tay hoặc xỉa ra đường, gây cản trở giao thông. Hai bên các tuyến đường này có hàng chục bồn cây hư, bể. Vỉa hè xung quanh những gốc gây này bong tróc, lồi lõm, nham nhở.

Được xem là "bộ mặt" của Q1, nhưng tại Công trường Mê Linh có rất nhiều bồn cây bị hư hại, bể nát. Nhiều chỗ bị xe cộ cán qua, trầy trụa, xấu xí. Các biển phản quang, hàng rào chắn bị tróc sơn, rỉ sét, mất ốc vít, bung ra ngoài như những lưỡi dao, rất nguy hiểm. Đối diện với công trường này, nhiều bồn cây ở công viên Cảng du lịch Bạch Đằng cũng luộm thuộm không kém. Nhiều bồn không có cây mà chỉ có ụ đất nằm chỏng chơ, còn những bồn khác thì cây cối còi cọc.

Cũng tại Q1, không ít bồn cây trên các tuyến đường Nguyễn Thái Học, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Thánh Tôn... bị hoai mục, xuống cấp nghiêm trọng. Có chỗ rễ cây "trườn" lổm nhổm trên mặt đất, gây khó khăn cho người đi đường. Nhiều bồn cây trên đường Lê Lợi, Hàm Nghi (Q1), Hoàng Diệu, Nguyễn Tất Thành (Q4) cũng bị méo mó, xiêu vẹo. Đặc biệt, trên đường Trần Quang Khải (Q1) có một cây dầu trăm tuổi chết khô do bị ai đó đào bới gốc để đổ hóa chất độc hại vào.

Nhiều tuyến đường khác trên địa bàn thành phố cũng có hàng trăm bồn cây xanh đã xuống cấp nghiêm trọng. Anh Đinh Văn Hòa (kỹ sư nông nghiệp) cho biết: "Bồn cây không chỉ cố định gốc, làm đẹp mỹ quan đô thị, mà còn có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển cây xanh. Với những cây không có bồn bảo vệ, khi mưa xuống, đất quanh gốc dễ bị xói mòn, chảy ra đường và vỉa hè, gây bẩn đường phố và mất nguồn dinh dưỡng nuôi cây".

Nhiều cây xanh trước Bệnh viện Chợ Rẫy bị đóng đinh treo hàng hóa, đặt bếp lò quanh gốc

Anh Nguyễn Quang Huy (ngụ Q1) nói: "Cùng với các hạng mục khác như: vỉa hè, trạm xe buýt, biển quảng cáo, công trình kiến trúc..., cây xanh và bồn cây được xem là mặt tiền của đường phố. Các bồn cây bị vỡ nát, xuống cấp thì không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng, gây khó khăn cho khách bộ hành, mà còn làm xấu bộ mặt đô thị”.

ĐỦ CÁCH "BỨC TỬ" CÂY XANH

Ngày 20-12-2005, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 20/2005/TT-BXD hướng dẫn về quản lý cây xanh đô thị. Một trong những quy định của Thông tư này là cấm tự ý chặt hạ, di dời, ngắt hoa, bẻ cành, chặt rễ, cắt ngọn, khoanh vỏ, đốt lửa đặt bếp, đổ rác, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây. Không được tự ý xây bục, bệ bao quanh gốc cây, giăng dây, giăng đèn trang trí, đóng đinh, treo biển quảng cáo trái phép. Thông tư 20 quy định là vậy, nhưng hiện nay có rất nhiều cá nhân, đơn vị ngang nhiên xâm hại, "bức tử" cây xanh.

Là một trong các "thủ phủ” quán cà phê, quán nhậu của TPHCM, vỉa hè các tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa, Phan Xích Long có hàng chục cây xanh bị xâm hại nghiêm trọng. Nhiều cây bị đóng đinh để treo biển quảng cáo, đặt bếp lò, đổ xà bần... Tại đoạn "mũi tàu" Trường Sa - Vũ Huy Tấn, hàng chục cây xanh bị "trói" bởi một "rừng" dây điện, bóng đèn, ổ cắm điện. Hàng trăm cây xanh trên các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Điện Biên Phủ, Ung Văn Khiêm... cũng bị đóng đinh, gắn tờ rơi, biển quảng cáo, bóng đèn, dây điện...

Nhiều cây trên đường Đinh Bộ Lĩnh (đoạn đối diện gần Bến xe Miền Đông) bị các tiệm sửa chữa ôtô treo móc lốp xe, vòi hơi; đổ dầu máy, nhớt xe, nước bẩn vào gốc. Bồn cây bị chiếm dụng làm nơi vứt rác, chứa thùng xốp, treo bạt, dựng xe đẩy, buôn bán hàng rong...

Nhiều cây xanh, thảm cỏ tại nút giao thông cầu Sài Gòn bị nhiều người dẫm đạp, lấn chiếm làm nơi buôn bán, tập kết vật liệu xây dựng. Một mảng cây xanh dẫn vào Khu du lịch Tân Cảng bị nhiều người chiếm dụng làm nơi buôn bán, đổ xà bần, rác thải chồng chất hàng đống.

Trên nền đất loang lỗ, chỉ còn lưa thưa vài đám cỏ héo úa, bên cạnh là các bếp than tổ ong, mảnh sành, bồn cầu, gậy gộc nằm lổm ngổm; xe cộ chở rác dựng ngổn ngang. Nhiều cây thuộc họ dừa ở khu vực này bị héo hoặc chết.

Tại các quận 5, 10, 11..., hàng trăm cây xanh cũng bị "bức tử" khi nhiều người thản nhiên xâm hại gốc; thân, rễ bị đẽo gọt, chặt hạ. Nhiều gốc cây trước Bệnh viện Chợ Rẫy (Q5) bị người dân đóng đinh, treo biển quảng cáo và đủ loại hàng hóa; có gốc bị chủ quán ăn đặt bếp lò bên cạnh để buôn bán.

Nhiều hàng cây trên đường Hoàng Quốc Việt bị cắt cành trụi lủi

Nhiều mảng xanh xung quanh các Bệnh viện: Đại học Y dược, Hùng Vương, Từ Dũ, Nhi đồng 1... bị dẫm đạp, héo úa; nhiều chỗ bị chiếm dụng để buôn bán. Gốc cây thì bị "khủng bố" bởi hàng đống xà bần, rác rưởi nhộm nhoạm, đất đai khô khốc, bạc màu.

Nhiều gốc cây trên các tuyến đường như: Tôn Thất Thuyết (Q4), Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh), Tỉnh lộ 43, Ngô Chí Quốc (Q.Thủ Đức), QL1A... còn bị trám bê-tông kín mít. Có gốc cây bị người dân đổ tro than đá, dầu nhớt, rác xây dựng, rác điện tử. Nhiều cây xanh nghiêng hẳn ra ngoài đường, bị xe cộ chạy ngang qua va quệt.

Nhiều hàng cây phải oằn mình gồng gánh hàng bó dây điện lớn. Một số khác bị cắt tỉa cành trụi lủi, gây mất mỹ quan và không góp phần làm xanh mát thành phố như chức năng vốn có của nó. Cạnh đó, tình trạng đào bới, thi công mạng lưới điện ngầm, hố ga, cống thoát nước... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của hệ thống cây xanh trên địa bàn.

Tiến sĩ La Vĩnh Hải Hà (Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông lâm TPHCM) chia sẻ: "Cây xanh công cộng bị xâm hại đang là vấn đề khiến dư luận bức xúc. Do đó, cần có chiến lược truyền thông, tuyên truyền về tầm quan trọng của cây xanh trong việc tạo bóng mát, điều hòa khí hậu, chống xói mòn, góp phần bảo vệ môi trường... để người dân hiểu và chung tay bảo vệ".

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang