Khám phá “vương quốc Pơmu” độc nhất vô nhị ở Việt Nam:

Kỳ 1: Lạc vào Vương quốc Pơmu kỳ bí

Thứ Sáu, 13/05/2016 10:39

|

(CAO) Trung ương Hội sinh vật cảnh Việt Nam công nhận 725 cây Pơmu cổ thụ ở huyện Tây Giang (Quảng Nam) là Cây di sản Việt Nam đánh dấu sự kỳ vĩ của “vương quốc Pơmu” có một không hai ở Việt Nam và trên thế giới. Điều đáng nói, trước vấn nạn phá rừng tràn lan như hiện nay, việc bảo vệ và tồn tại một khu rừng Pơmu quý giá đó như một kỳ tích…

Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi về Tây Giang, huyện miền núi khó khăn nhất của của tỉnh Quảng Nam. Ước mong thâm nhập vào “vương quốc Pơmu” cổ thụ đã có từ lâu nhưng giờ mới có dịp thỏa nguyện khi con đường vào Pơ mu được lãnh đạo huyện Tây Giang dày công khai phá nhiều năm qua…

Lạc vào “vương quốc Pơmu”

Tây Giang những ngày nắng hè thường có những trận mưa chiều nên để đến được rừng cây kỳ bí này quả là một điều không dễ. Chiếc xe bán tải hai cầu cài số 1 nhưng vẫn rù rì mãi mới lên được nhưng ngọn núi cao vút. Nhiều đoạn trơn trượt khiến bánh xe quay mãi nhưng vẫn nằm một điểm. Thế nhưng, nhiều năm qua, lãnh đạo huyện Tây Giang và nhân dân đã lên đây vô số lần để kiểm đếm, khám phá, làm đường, bảo vệ…mới có khu rừng kỳ vĩ , được nhiều người biết đến như ngày hôm nay.

Cây Pơmu tên Rồng

Sau khi có quyết định công nhận 725 cây Pơmu là Cây di sản, huyện Tây Giang vừa đầu tư một khu trung tâm với khoảng 10 nhà Gươl (nhà truyền thống của người Cơ Tu), ngay tại “trái tim” của khu rừng Pơmu. Và cạnh đó là khu bia chứng nhận Cây di sản. Đứng ở khu trung tâm, hướng tầm mắt từ phía rừng xa thẳm xung quanh, những thân cây Pơmu cao lớn, thẳng đứng, vững chắc tỏa bóng mát xanh khiến ta như lạc vào chốn thiên đường…

Từ khu trung tâm, chúng tôi theo chân ông Bh’riu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, được xem là người phát hiện và góp công khám phá, bảo tồn, tận hiện nhiều nhất cho “vương quốc Pơmu” cho đến thời điểm hiện tại. Theo ông Bh’riu Liếc, khu rừng Pơmu nằm ở độ cao 1400 m so với mực nước biển.

Lễ cắt băng khánh thành và gắn bia công nhận 725 cây Pơ mu là Cây di sản

Chúng tôi đi lên phía đồi cao khoảng gần 500 m thì đến được cây Pơmu có tên gọi là Ngũ Hổ, cây lớn thứ 3 tại khu rừng này. Tận mắt chứng kiến, chúng tôi không thể tin vào mắt mình với công cây Pơmu cổ thụ vưới đường kính gần 3,5m, cao gần 25m. Đi thêm vài trăm mét nữa là cây Pơmu với tên gọi là cây Rồng còn kỳ bí hơn. Chủ một rễ cây của cây Pơmu này đã lớn hơn những cây lớn khác. Theo ông Bh’riu Liếc, cây kỷ lục nhất ở khu rừng Pơmu cổ thụ này là cây Voi (vì nhìn hình thế ở phía dưới chân cây giống con voi) với đường kín gần 4m, phải hơn 10 người ôm. Từ trung tâm khu rừng đi sâu vào hơn một tiếng đồng hồ mới tới cây Pơmu Voi trên.

Kỳ công khai mở

“Cây này được một vị giáo sư người Mỹ qua khám phá, nghiên cứu, tuy đã mang khoan cỡ lớn để đo tuổi cây nhưng khi khoan vào thì chưa thấu bên kia. Thế là ông này phải về bên kia, vài tháng sau mang khoan khủng hơn mới khoan hết phần thân cây phía dưới. Theo tính toán thì cây Pơmu có tên là Voi có năm tuổi là 1823 năm”, ông Bh’riu Liếc kể lại.

Theo ông Bh’riu Liếc, để khám phá ra khu rừng Pơmu quả là một kỳ công. Việc tìm hiểu, kiểm đếm, khai phá con đường đi đến các cây Pơmu mất rất nhiều thời gian và công sức. Khi phát hiện ra những cây Pơmu cổ thụ kỷ lục trước năm 2000 nhưng đến năm 2011 mới bắt đầu triển khai các công tác “vinh danh” rừng cây cổ thụ này. Trước đó, công tác bảo vệ đã thực hiện nghiêm ngặt. Tại các thôn bản, có từng tổ đội tham gia bảo vệ rừng nói chung, đặc biệt là bảo vệ cây Pơmu cổ thụ nói riêng nên khẳng định hàng chục năm qua chưa một cây Pơmu nào bị lâm tặc đốn hạ.

Để có con đường đến trung tâm rừng Pơmu hôm nay, huyện đã huy động nhiều nhân lực, vật lực trong nhiều năm liền. Còn nghiên cứu mở con đường mòn đi khám phá rừng cây này thì càng vất vã hơn nhiều. Nhiều lần đoàn công tác của huyện dày công đi kiểm đếm, đánh số từng cây, xác định ở từng vị trí và mở đường mòn nhiều lần để đi đến thống nhất có con đường dễ đi như hôm nay. Đoàn công tác của huyện đi trước, cột dây lanh để làm dấu, còn bà con đi sau phát quang. Khi thấy đường đi còn khó, còn gập ghềnh thì lần sau phải khám phá đường khác, làm dấu và tạo ra một con đường ngắn nhất, nhưng dễ đi nhất để sau này mở “tour khám phá rừng Pơmu cổ thụ” đã nằm trong ý tưởng sớm trở thành hiện thực của huyện.

(Còn tiếp...)

Bình luận (1)

Hy vọng bà con và chính quyền nơi đây gìn giữ đc những di sản này

vuongquoccaygiong.com - Thứ Tư, 04/10/2017, 08:18 Trả lời | Thích
Lên đầu trang