Thiếu nữ bất ngờ ôm bình xăng lẻn vào bệnh viện Chợ Rẫy tự thiêu

Thứ Sáu, 13/05/2016 05:53

|

(CAO) Sau 1 ngày xuất viện, nữ bệnh nhân bất ngờ ôm bình xăng quay lại Bệnh viện Chợ Rẫy, lẻn vào khoa Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện rồi khóa trái cửa, tẩm xăng tự thiêu.

Chiều 12-5, TS BS Lê Quốc Hùng, Phó trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới BV Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, sự việc trên làm các nhân viên y tế của khoa một phen hú vía.

Nữ bệnh nhân ôm xăng náo loạn

Theo đó, nữ bệnh nhân tên N.T.V.N (29 tuổi, hiện ngụ tại quận 10, TP.HCM).

Theo lời của người nhà khai với bác sĩ, cách đây 2 năm, N. có ôn luyện thi tốt nghiệp. Có lẽ do áp lực học quá nhiều nên thường xuyên bị mất ngủ và tình trạng ngày càng tăng. Gia đình đã đi khám và điều trị nhiều nơi nhưng không khỏi.

Đến ngày 1-5 vừa qua, N. có biểu hiện nôn ói nên được người nhà đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.

Khoa Bệnh Nhiệt đới BV Chợ Rẫy TP.HCM, nơi xảy ra vụ nữ bệnh nhân ôm xăng vào ý định tự thiêu

Qua thăm khám, các bác sĩ cho bệnh nhân nhập vào khoa Nội thần kinh để điều trị. Tại đây, sau khi thăm khám, khai thác kỹ bệnh sử, bác sĩ khoa Nội thần kinh phát hiện nữ bệnh nhân này đã tự uống khoảng 60 viên thuốc không rõ các loại. Do đó, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Bệnh Nhiệt đới của BV để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Sau 4 ngày điều trị tại BV Chợ Rẫy, các kết quả xét nghiệm huyết học và sinh hóa của bệnh nhân trong giới hạn bình thường, tình trạng tâm thần tạm ổn định, do đó BV cho bệnh nhân xuất viện ngày 4-5 với chẩn đoán xác định là quá liều nhiều loại thuốc tân dược và yêu cầu tới khám và theo dõi tiếp tại Trung tâm tư vấn tâm thần địa phương.

Tuy nhiên, thân nhân chưa đưa bệnh nhân tới tái khám tâm thần sau khi xuất viện. Đến khoảng 15 giờ 45 ngày 5-5, nữ bệnh nhân này bất ngờ lẻn tới phòng hành chính của Khoa Bệnh Nhiệt đới, khóa trái cửa bên trong đồng thời lấy trong bao xốp màu đen một chai xăng và một bật lửa định tưới xăng lên người.

Khi đó, điều dưỡng Nguyễn Minh Tâm đứng gần đó phát hiện lao tới ngăn cản. Không tưới được xăng lên mình, trong lúc giằng co, nữ bệnh nhân đã tưới xăng lên người điều dưỡng Tâm rồi tìm cách bật lửa.

Rất may khi đó, 2 nữ điều dưỡng là Lê Thị Bờ và Võ Thị Trúc Hương kịp thời hỗ trợ, ngăn cản hành vi bật lửa.

Nhân viên y tế cần nêu cao tinh thần cảnh giác, đặc biệt với bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần

Ngay sau đó, được các nhân viên của Khoa tiếp ứng, cố định bệnh nhân đang kích động lên băng ca. Các lực lượng bảo vệ, công an quận 5 sau đó cũng có mặt hỗ trợ và tìm cách liên hệ với người nhà của bệnh nhân.

BS Hùng cho biết, rất may đã ngăn chặn kịp thời nếu không hậu quả thật khó lường.

Hiện tại, nữ bệnh nhân này đang được theo dõi và điều trị tâm thần ngoại trú tại BV Quận 5. Theo xác nhận cảu mẹ ruột bệnh nhân, hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã cải thiện tốt, sinh hoạt bình thường.

Cảnh báo an ninh trong bệnh viện

TS BS Lê Quốc Hùng, Phó trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới BV Chợ Rẫy TP.HCM chia sẻ, gần đây đã xảy ra không ít việc nhân viên y tế bị tấn công gây thương tích, thậm chí đưa đến tử vong.

TS BS Lê Quốc Hùng, Phó trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới BV Chợ Rẫy TP.HCM kể lại sự việc

Đơn cử như trường hợp điều dưỡng Võ Văn Đấu, làm việc tại BV Tâm thần Tiền Giang, bị bệnh nhân tâm thần tưới xăng thiêu sống khiến anh tử vong vào cuối năm 2015.

Hơn thế nữa, các bệnh nhân tâm thần cũng gây thương tích cho nhau như trường hợp 2 bệnh nhân đang điều trị tại Viện Pháp y Tâm thần Biên Hòa bất hòa trong bữa ăn sáng, dẫn đến xô sát gây hậu quả cả 2 cùng tử vong vào ngày 9-5 vừa qua.

Bảo vệ Trần Cư, Đội trưởng Đội bảo vệ của BV Chợ Rẫy cũng chia sẻ, cách đây khoảng 2 tuần, cũng tại BV Chợ Rẫy, bảo vệ cũng ngăn chặn kịp thời một nam thanh niên định nhảy lầu 3 của bệnh viện. Rất may đã phát hiện kịp thời và nhờ Công an khu vực đến hỗ trợ. Khi nam thanh niên lao xuống thì đã nắm lại kịp.

Bảo vệ Trần Cư, Đội trưởng Đội bảo vệ của BV Chợ Rẫy kể lại việc ứngc ứu nam thanh niên nhảy lầu

Theo Bảo vệ Trần Cư, BV Chợ Rẫy thỉnh thoảng cũng hay xảy ra các sự việc nhỏ, như thân nhân bệnh nhân say xỉn vào quậy phá, nhưng đều được ngăn chặn kịp lúc.

Qua các sự việc trên, TS BS Lê Quốc Hùng đưa ra một số cảnh báo. Thứ nhất, nhân viên y tế phải luôn tỉnh táo, theo dõi sát để phát hiện những biểu hiện tâm thần bất thường của bệnh nhân để kịp thời điều trị, ngăn ngừa hành vi tự sát hay tấn công người khác.

Thứ hai, bệnh viện phải bố trí, sắp xếp giường bệnh, môi trường điều trị hợp lý cho những bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần. Tuyệt đối tránh để bệnh nhân nằm lầu cao mà không có biện pháp ngăn ngừa nhảy lầu, các loại dao kéo dùng trong sinh hoạt như dao gọt trái cây phải được kiểm soát kỹ, để xa tầm tay của bệnh nhân,...

Vấn đề an ninh trong bệnh viện cần phải được cảnh báo

Thứ ba, giải thích rõ tình trạng và nguy cơ gây sát thương của bệnh nhân cho thân nhân người bệnh. Từ đó nhân viên y tế và thân nhân phối hợp kiểm soát bệnh nhân trong quá trình điều trị.

Thứ tư, thân nhân bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt việc đưa bệnh nhân của mình tái khám tại các Trung tâm sức khỏe Tâm thần địa phương, đặc biệt là ở những bệnh nhân đang có biểu hiện rối loạn tâm thần hay có hành vi tự sát trước đó, bất chấp tại thời điểm xuất viện bệnh nhân không có biểu hiện tình trạng rối loạn tâm thần.

Bình luận (0)

Lên đầu trang