Trẻ em Việt Nam mắc bệnh hen cao nhất châu Á

Thứ Tư, 11/05/2016 22:42  | Huệ Trinh

|

(CAO) “Tỷ lệ trẻ em Việt Nam ở độ tuổi 12-13 có tỷ lệ mắc bệnh hen phế quản cao nhất Châu Á với 29,1% và đang có chiều hướng gia tăng nên đất nước chúng ta đang được xem là “thủ đô” hen của Châu Á”. Con số gây sốc này được Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Hen - dị ứng - miễn dịch lâm sàng TP.Hồ Chí Minh công bố tại buổi họp báo phát động chương trình hành động hưởng ứng “Ngày Hen toàn cầu” vào ngày 11-5-2016, do Văn phòng đại diện hãng dược phẩm GlaxoSmithKline Pte Ltd tại TP.Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Các chuyên gia y tế tham gia phát động “Ngày Hen toàn cầu”

Hen là một bệnh mạn tính gây viêm và làm hẹp đường thở, gây nên tình trạng thở khò khè, tức ngực và ho. Hen có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ em. Theo tổ chức Y tế thế giới, số bệnh nhân mắc hen phế quản có xu hướng ngày càng gia tăng, ước tính có khoảng 334 triệu người mắc bệnh hen trên toàn cầu. Tuy nhiên trong số đó, chỉ có khoảng từ 5% bệnh nhân hen được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Tỷ lệ người tử vong từ căn bệnh này cũng đáng phải lưu tâm khi: mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 200.000 người chết vì bệnh hen phế quản, trong đó tại Việt Nam có khoảng 3.000 ca. Chi phí điều trị cho bệnh này cũng trở thành gánh nặng xã hội, từ chi phí điều trị trực tiếp như: tiền thuốc, xét nghiệm và các chi phí gián tiếp như phải nghỉ việc do giảm năng suất lao động, bỏ học, bỏ việc giữa chừng để dành thời gian điều trị.

“Tuy không thể chữa khỏi hẳn, nhưng bệnh hen hoàn toàn có thể phòng ngừa và kiểm soát được” - Đó là khẳng định của thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Như Vinh- Trường Đại học Y Dược TP.HCM. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu phòng ngừa và kiểm soát, trước hết người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ định, điều trị từ bác sĩ. Ngoài ra, bệnh nhân cần phải chủ động phòng tránh tác nhân gây ra triệu chứng bệnh trong môi trường như: tránh tiếp xúc với bụi, khói nhất là khói thuốc lá và các chất kích thích; tránh hoạt động thể lực mạnh và đặc biệt là giữ môi trường sống trong lành.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan

Mặt khác, việc cập nhật kiến thức về điều trị bệnh hen cho các cán bộ y tế cũng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết chúng ta muốn kéo giảm tỷ lệ người mắc bệnh. Trong đó, yêu cầu chẩn đoán chính xác bệnh lý là vô cùng quan trọng nên ngoài kỹ năng chuyên môn của đội ngũ lương y, cần phải có sự hỗ trợ từ các thiết bị y tế, đặc biệt là máy hô hấp khí. Đây là loại máy không quá mắc nhưng vẫn chưa được nhiều địa phương quan tâm trang bị. Đến nay, mới có 46/63 tỉnh, thành có trang bị máy hô hấp khí nên ít nhiều còn ảnh hưởng đến chất lượng điều trị cho bệnh nhân.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan nhấn mạnh: “Các nghiên cứu cho thấy đa số người mắc bệnh hen có thể sinh hoạt bình thường hoặc tương đối bình thường nếu được điều trị đúng cách. Nhưng trên thực tế, phần lớn số bệnh nhân hen lại nản lòng và bỏ dở điều trị. Đứng trước thách thức to lớn ấy, ngoài việc đầu tư phát triển, đảm bảo tính sẵn có của các phương pháp chẩn đoán và điều trị hen ngay tại tuyến cơ sở, ngành y tế cần phải đẩy mạnh truyền thông giáo dục nhận thức cho người dân về bệnh hen, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh nói riêng và cả cộng đồng nói chung”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang