Dính bệnh truyền nhiễm do... lười rửa tay

Thứ Hai, 09/05/2016 05:07  | Ngô Đồng

|

(CAO) Các nghiên cứu cho thấy, bàn tay của một người có thể mang tới 4,6 triệu mầm bệnh (tập trung số lượng lớn ở kẽ tay và kẽ móng tay) và dễ lây bệnh từ người sang người.

Sự bùng phát của những dịch bệnh truyền nhiễm trong thời gian qua đã gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhất là trẻ em. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, một trong những biện pháp hiệu quả và khá đơn giản trong việc phòng ngừa dịch bệnh cho con người là rửa tay sạch sẽ.

Sáng ngày 5-5, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM đã tổ chức Lễ phát động chương trình "Bảo vệ sự sống: Hãy vệ sinh tay". Đây là một hoạt động nhằm nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh để phòng ngừa bệnh tật.

Lễ phát động chương trình "Hãy vệ sinh tay để bảo vệ sự sống" tại BV Nhi Đông 1

Nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, vì đây là những nhiễm khuẩn mắc phải trong thời gian người bệnh nằm viện.

Nhiều nghiên cứu cho thấy nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỉ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và tăng chi phí điều trị.

Trong khi đó, nhiễm khuẩn bệnh viện hoàn toàn có thể ngăn ngừa được thông qua những chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn hiệu quả. Trong đó, việc vệ sinh tay được cho là biện pháp đơn giản, ít tốn kém và hiệu quả nhất để giảm nhiễm khuẩn bệnh viện, bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.

Tập thể các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 1 rửa tay trong lễ phát động

Mặc khác, theo các chuyên gia y tế, 80% bệnh tật hiện nay có liên quan đến việc người dân thiếu nước sạch, thiếu ý thức vệ sinh cá nhân, trong đó có việc người dân không có thói quen rửa tay bằng xà phòng...

Các nghiên cứu cho thấy, bàn tay của một người có thể mang tới 4,6 triệu mầm bệnh (tập trung số lượng lớn ở kẽ tay và kẽ móng tay) và dễ lây bệnh từ người sang người.

Thế nhưng, theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), tại Việt Nam chỉ có 12% người dân có thói quen rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, chỉ có 16% rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh. Đây chính là nguyên nhân khiến người dân, đặc biệt là trẻ em dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn qua đường hô hấp và tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, tiêu chảy, nhiễm giun sán, nhiễm cúm, bệnh tay chân miệng, nhiễm sởi...

Các bệnh truyền nhiễm hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách giữ gìn vệ sinh, trong đó có rửa tay bằng xà phòng là biện pháp cơ bản nhất

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ một động tác rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới.

Việc rửa tay cũng có thể làm giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%, nhiễm khuẩn đường hô hấp tới 19-45%...

Thói quen này đã góp phần phòng tránh nhiều nguồn lây nhiễm bệnh hiệu quả

Bác sĩ Lê Bích Liên, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1, việc rửa tay sạch tưởng như chỉ là chuyện nhỏ, nhưng trên thực tế, thói quen này đã góp phần phòng tránh nhiều nguồn lây nhiễm bệnh hiệu quả cho trẻ em và cho cả người lớn. Chúng ta nên tập thói quen rửa tay cho trẻ từ sớm.

Bác sĩ Bích Liên cũng cho hay, tại BV Nhi Đồng 1, tất cả các khoa phòng đều có trang bị các bình xịt dung dịch sát khuẩn rửa tay nhanh, lavabo rửa tay.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia của WHO đưa ra và được Bộ Y tế khuyến cáo thực hiện, rửa tay bằng xà phòng thôi không đủ mà phải rửa đúng cách theo 6 bước thì mới đạt được hiệu quả cao trong việc diệt trừ vi khuẩn.

6 bước rửa tay đúng cách:

- Bước 1: Làm ướt 2 lòng bàn tay bằng nước. Lấy xà phòng và chà 2 lòng bàn tay vào nhau.

- Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.

- Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các kẽ trong ngón tay.

- Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.

- Bước 5: Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại.

- Bước 6: Xoay các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và làm khô tay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang