(CAO) Đó là thông tin vừa được GS TS Phạm Gia Khánh, Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam công bố sáng 17-4 tại hội nghị khoa học ROME IV - Tiêu chuẩn mới trong chẩn đoán các rối loạn chức năng tiêu hóa ở trẻ em.
GS TS Phạm Gia Khánh, Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết, 66% trẻ em trên thế giới bị rối loạn chức năng dạ dày ruột, riêng tại Việt Nam, tỷ lệ này lên đến 91%.
Các triệu chứng rối loạn chức năng dạ dày ruột thường gặp ở trẻ em Việt Nam là nôn trớ, tiêu chảy, táo bón, trướng bụng/đầy hơi, quấy khóc, chán ăn,…
Nhân viên y tế chăm sóc cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Ảnh: TTXVN
GS TS Phạm Gia Khánh, Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam nhận định: “Rối loạn chức năng tiêu hóa ở trẻ đang trở thành vấn đề lo lắng của nhiều bà mẹ do chế độ ăn thiếu khoa học và hợp lý của trẻ nhỏ.
Tuy không ảnh hưởng trầm trọng tới sự phát triển và hoạt động cơ thể, không gây biến chứng nguy hiểm đối với trẻ; nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến quá trình chăm sóc nuôi dưỡng trẻ, cha mẹ mất nhiều thời gian, kinh tế để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh cho trẻ, đồng thời gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và quá trình học tập của trẻ”.
Với những nhu cầu cấp thiết về những kiến thức chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ, các nhà khoa học trên thế giới đã thống nhất đưa ra những tiêu chí để chẩn đoán các rối loạn chức năng tiêu hóa dạ dày ruột ở người lớn và trẻ em.
Với những kết quả nghiên cứu khoa học, các tiêu chuẩn chẩn đoán ngày càng được cải tiến: từ ROME I (năm 1989), ROME II (năm 1999), ROME III (năm 2006) và mới nhất là ROME IV (năm 2016) để có thể áp dụng thuận lợi ở cả cộng đồng và trong bệnh viện.
Theo đó, ROME IV sẽ được áp dụng tại Việt Nam từ tháng 5-2016. Một số thay đổi có thể kể đến như ROME IV sẽ chẩn đoán đau bụng quặn và sự quấy khóc của bé một cách đầy đủ với các tiêu chuẩn mới để tránh nhầm lẫn, hoặc bệnh tiêu chảy trong giấc ngủ,....
Tại hội nghị, các chuyên gia y tế cũng cập nhật một trong những nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa chức năng là do đạm sữa bị thay đổi cấu trúc và biến tình trong quá trình xử lý nhiệt, trở nên vón cục và khó tiêu hóa, từ đó có thể gây ra những rối loạn như chứng đầy bụng, khó tiêu, đau thắt bụng và gây táo bón cho trẻ.
Các chuyên gia nhi khoa khuyến cáo các bậc cha mẹ nên cân nhắc lựa chọn những thực phẩm giàu đạm tự nhiên và các sản phẩm dinh dưỡng có công nghệ xử lý chất đạm tốt nhất, giúp giữ nguyên cấu trúc đạm khi chuyển vào cơ thể trẻ.