Người nhiễm HIV/AIDS 'ngại' dùng thẻ BHYT vì sợ lộ danh tính, bị kỳ thị

Chủ Nhật, 17/04/2016 05:42  | Ngô Đồng

|

(CAO) Khi các tổ chức quốc tế đang cắt giảm kinh phí viện trợ cho công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, bảo hiểm y tế (BHYT) đang được xem là phao cứu sinh cho người có H.

Tuy nhiên, tỷ lệ người có H tham gia BHYT hiện còn quá thấp, nhiều người không sẵn sàng dùng thẻ vì sợ lộ danh tính, bị kỳ thị. Ngoài ra, một số vướng mắc trong hệ thống y tế cũng như sự kỳ thị của cộng đồng đang là rào cản để người có H tiếp xúc với các dịch vụ y tế.

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến tháng 12-2015, cả nước có 106.423 người đang điều trị ARV.

Riêng tại TP.HCM, tính từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên vào tháng 12-1990 đến hết năm 2015, có 41.931 trường hợp nhiễm HIV được quản lý, 10.997 trường hợp tử vong do HIV/AIDS. Số người nhiễm HIV hiện còn sống tại TP là 30.934 người. Tính đến hết năm 2015, TP đang điều trị ARV cho 27.350 bệnh nhân, trong đó có khoảng 19.000 bệnh nhân có hộ khẩu tại TP.HCM.

Khu vực điều trị ARV. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Về địa bàn dịch HIV/AIDS, TP.HCM ghi nhận 100% quận/huyện (24/24), 100% phường xã, thị trấn (318/318) báo cáo có người nhiễm HIV. Tính đến hết 2015, còn 16/24 quận/huyện có người nhiễm HIV hiện còn sống trên 1.000 người, trong đó quận 8 có số người nhiễm HIV còn sống cao nhất, với 2.732 người, quận Bình Thạnh có 2.496 người, quận 4 có 2.114 người; riêng huyện Cần Giờ là đơn vị có số người nhiễm HIV còn sống thấp nhất, 252 người.

Đa phần các bệnh nhân AIDS đều nằm trong đối tượng nghèo và cận nghèo, không có tiền mua thuốc hoặc thanh toán các chi phí liên quan đến điều trị, trong khi các bệnh nhân HIV khi đã chuyển sang giai đoạn AIDS thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cần phải điều trị nên chi phí dành cho điều trị tăng.

Để người nhiễm HIV/AIDS có thể tiếp cận được với thuốc điều trị, BHYT được coi là "phao cứu sinh" của họ. Thông tư 15/2015/TT-BYT của Bộ Y tế đã mở ra hướng mới trong điều trị HIV/AIDS. Theo đó, người tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS tại các cơ sở y tế đều được thanh toán BHYT. Vì vậy, BHYT được coi là giải pháp tài chính bền vững để điều trị lâu dài cho người nhiễm HIV/AIDS.

Đến năm 2015, TP.HCM triển khai được 33 phòng khám ngoại trú điều trị cho bệnh nhân có H. Chương trình thí điểm triển khai BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS cũng được triển khai tại quận 8 và Thủ Đức. Tuy nhiên, số bệnh nhân khám chưa nhiều, ước khoảng 100 lượt khám/thán tại 14 phường, xã tại 2 quận trên.

Nguyên nhân là nhiều người không sẵn sàng dùng thẻ vì sợ lộ danh tính, bị kỳ thị.

Mặc khác, một số vướng mắc trong hệ thống y tế khiến nhiều cơ sở khám chữa bệnh cho người có H không đủ điều kiện để kí hợp đồng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh do BHYT chi trả với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Cụ thể, Quỹ BHYT chỉ có thể chi trả cho các dịch vụ y tế thuộc phạm vi thanh toán của BHYT và cho các cơ sở y tế có chức năng khám chữa bệnh, nhưng phần lớn các cơ sở đang điều trị HIV/AIDS hiện nay không có chức năng khám chữa bệnh nên không được BHYT thanh toán.

Theo ông Đồng Văn Ngọc, Phòng nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM, trong thời gian tới, TP.HCM sẽ triển khai lồng ghéo cơ sở điều trị HIV/AIDS vào hệ thống khám bệnh, chữa bệnh chung của Bệnh viện theo qui chế điều trị ngoại trú; đồng thời xây dựng qui trình khám chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS phù hợp với qui định.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố khẩn trương kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để thực hiện được khám chữa bệnh HIV/AIDS do BHYT chi trả. Công tác kiện toàn cần được hoàn thành trước 30-6-2016.

Bình luận (0)

Lên đầu trang