(CAO) Để tối ưu việc phòng ngừa, điều trị, thanh toán bệnh HIV, nhiều thuốc mới đã được nghiên cứu, nhiều phương pháp phòng ngừa được thử nghiệm, nhiều mô hình phối hợp đa ngành được hình thành...
Theo Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM, tính từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào tháng 12-1990 đến thời điểm tháng 6-2015, tại thành phố có 40.956 người nhiễm HIV được quản lý. Trong đó, có 10.887 trường hợp đã tử vong và 17.451 trường hợp đang điều trị.
Qua giám sát từ 2011-2015 cho thấy, đường lây truyền HIV qua quan hệ tình dục tăng cao hơn, chiếm 57,5%, trong khi lây qua đường máu (tiêm chích ma túy) giảm còn 41,3%. So với giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ này đã thay đổi khá lớn. Thời điểm đó, lây qua đường tình dục chỉ chiếm 24% và lây qua đường máu chiếm đến 59%.
Xu hướng lây qua đường tình dục gia tăng lấn át tỷ lệ lây qua đường máu, cảnh báo HIV đã đi vào cộng đồng chứ không còn tập trung trên nhóm đối tượng nguy cơ cao như trước đây nữa.
Trẻ nhiễm HIV được chăm sóc, điều trị tại một trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em tại quận Thủ Đức, TPHCM
Đáng chú ý, theo Ủy ban Phòng chống AIDS thành phố, nếu như tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm phụ nữ mại dâm chỉ có 3,7% thì ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có tỷ lệ nhiễm đến 12,7%. Ngoài ra, có đến 69% ca nhiễm HIV được phát hiện tại thành phố rơi vào nhóm tuổi khá trẻ 25-39.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho rằng, muốn "thanh toán" đại dịch HIV/AIDS, vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo bác sĩ Khanh, từ khi căn bệnh thế kỷ này được phát hiện, để tối ưu việc phòng ngừa, điều trị, thanh toán, nhiều thuốc mới đã được nghiên cứu, nhiều phương pháp phòng ngừa được thử nghiệm, nhiều mô hình phối hợp đa ngành được hình thành...
Bác sĩ Khanh dẫn chứng, đa số các thuốc mới trong điều trị viêm gan B, C đều xuất phát nhờ quá trình nghiên cứu thuốc chống virus HIV. Ngay cả phương pháp phòng ngừa virus viêm gan B lây từ mẹ sang con cũng lấy từ ý tưởng ngừa virus HIV. Ngày nay, y học thế giới cũng đã hiểu khá rõ về “đường đi nước bước” của virus này.
Theo Ủy ban Phòng chống AIDS, Việt Nam đang sẵn sàng cho việc thanh toán đại dịch vào năm 2030. Theo đó, mục tiêu “90-90-90” đã được đặt ra: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp.