Tuy nhiên, sau khi cải tạo xong, do thiếu biện pháp quản lý, bảo vệ chặt chẽ, dẫn đến cảnh vỉa hè tiếp tục bị xâm hại, trở nên nhếch nhác, "ghẻ lở", mất an toàn với người đi bộ, nhất là những người khuyết tật.
"Ổ voi" trên vỉa hè
Ghi nhận của chúng tôi, nhiều đoạn vỉa hè của một tuyến đường ở các quận trung tâm TPHCM đã xuống cấp trầm trọng, như: Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh), Pasteur (Q3), Nguyễn Văn Trỗi (Q.Phú Nhuận)... Những hình ảnh đó nhếch nhác, làm xấu mỹ quan đô thị, gây mất an toàn cho người đi bộ, nhất là các tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn. Dù tình trạng vỉa hè xuống cấp, hư hỏng nặng, nhưng lâu nay vẫn chưa được cải thiện, mà có chiều hướng ngày càng tệ hơn.
Điểm qua vài tuyến đường xung quanh các trường đại học trên địa bàn Q.Bình Thạnh, nơi có nhiều người đi bộ, đặc biệt là sinh viên. Không tuyến đường nào có vỉa hè lành lặn, đảm bảo an toàn cho người đi bộ. Chỗ thì rải đầy đất với những hòn đá to, chỗ thì đá lót vỡ tan nát, nơi khác từng mảng xi măng, bê-tông bong tróc, tạo thành hố nhỏ, hố to "bẫy" người đi bộ. Nhiều hôm trời mưa hay nước từ nhà người dân chảy ra, đọng lại thành từng vũng trên vỉa hè.
Một đoạn vỉa hè trên đường Đinh Bộ Lĩnh, Q.Bình Thuận
Bạn Phan Yến Thanh (sinh viên của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM, đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh) cho biết: "Xung quanh trường em học có nhiều quán ăn, tiện lợi cho việc em ăn trưa, nghỉ trưa rồi bắt đầu buổi học mới. Nhưng vỉa hè xung quanh trường em có nhiều đá, lồi lõm, đọng nước...
Những hôm trời mưa xong thì không thể đi qua được vì sình, đất trơn trượt và rất dơ. Có hôm bạn em đang đi bộ trên vỉa hè đường Điện Biên Phủ gần trường thì có xe máy lao lên phía sau, né "ổ gà” trên vỉa hè rồi va quẹt vô người bạn em. Từ đó, tụi em hạn chế đi bộ trên tuyến đường này luôn...".
Nhiều người dân sống tại những tuyến đường không có vỉa hè lành lặn cũng rất bức xúc. Anh Cao Thiên Vũ (nhà trên đường Nguyễn Kiệm, P9, Q.Phú Nhuận) chia sẻ: "Gia đình tôi có thói quen tập thể dục vào lúc sáng sớm, nhất là ba tôi. Tuy nhiên, nhiều tuyến vỉa hè xung quanh nhà tôi lại không an toàn. Các tòa nhà, công trình xây dựng nhà ở "cày" nát hết vỉa hè. Do đó, những người lớn tuổi như ba mẹ tôi không thể chạy bộ được. Muốn tập thể dục thì phải lấy xe chạy ra công viên, rất phiền phức". Một người khác sống tại khu vực này chỉ những chỗ "lở lói" trên vỉa hè, nhận xét rất tâm trạng rằng: "Hậu quả "chiến tranh" đó!".
Vỉa hè đường Nguyễn Xí bị "cày" nát, nước tù đọng sau cơn mưa
Tình trạng biến dạng của vỉa hè không chỉ gây khó khăn cho người đi bộ. Nhiều người khuyết tật hầu như không thể di chuyển trên những tuyến vỉa hè hư hỏng nặng này. Đây là vấn đề cần được các cơ quan chức năng quan tâm, nhất là đối với một đô thị hướng đến sự phát triển bền vững và văn minh như TPHCM.
Do đâu vỉa hè xuống cấp nhanh chóng?
Vậy nguyên nhân do đâu mà phần lớn vỉa hè trên địa bàn thành phố thường xuống cấp rồi hư hỏng, nhếch nhác? Theo người dân, nhiều tuyến vỉa hè đang sạch đẹp, gọn gàng thì các đơn vị thi công lắp đặt cáp ngầm, điện, nước tới đào lên, lắp đặt thiết bị ngầm, sau khi hoàn tất công việc thì vỉa hè cũng... tan hoang.
"Những đơn vị thi công này không quan tâm đến chất lượng vỉa hè và người đi bộ. Họ san lấp trả lại vỉa hè giống như làm cho có, rất cẩu thả, khiến vỉa hè cứ thế mà xấu dần, biến dạng" - Một người dân nhà trên đường Ba Tháng Hai (P14, Q10) than phiền. Chưa kể tình trạng vỉa hè kém chất lượng, không đồng nhất, chỗ cao, chỗ thấp... còn do các công trình xây dựng sau khi hoàn tất, sửa trả lại vỉa hè qua loa; có chỗ tự ý nâng cao vỉa hè, thay đổi đá lát, trông rất lộn xộn.
Xe máy cũng "tiếp tay" phá hoại vỉa hè. Ở đâu có vỉa hè là xuất hiện nhiều xe máy thản nhiên "leo" lên chạy băng băng, mặc kệ lối dành riêng cho người đi bộ. Nhiều tuyến đường lưu lượng giao thông lớn, chỉ cần chờ đèn đỏ hơi lâu một tí là không ít người phóng xe máy lên vỉa hè để... đi cho nhanh (!). Họ chiếm lối của người đi bộ, thậm chí còn bóp kèn, lớn tiếng bảo người đi bộ né ra cho họ chạy xe, vì "đi bộ gì mà cản đường quá vậy?".
Không ít xe máy liên tục "leo" vỉa hè chỉ để tránh... đợi 5 giây đèn đỏ!
Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho người đi bộ, mà còn khiến vỉa hè nhanh chóng xuống cấp. Không ít tuyến đường được thành phố triển khai thực hiện dự án chỉnh trang vỉa hè, "ngốn" không ít ngân sách Nhà nước, nhưng thường thì "tuổi thọ” vỉa hè lại chẳng được lâu. Vì người đi xe máy cứ phóng xe ào ào trên vỉa hè, một người làm sai mà không bị lực lượng chức năng bắt quả tang và xử phạt thì nhiều người khác cũng làm theo. Dù có đầu tư bao nhiêu tỷ đồng, thi công tốt đến đâu, với tình trạng này thì vỉa hè thật sự không thể "thọ”.
Tình trạng trên gây lãng phí lớn đối với những tuyến đường được đầu tư để cải tạo, lát đá vỉa hè. Năm 2016, Q1 có kế hoạch lót lại toàn bộ vỉa hè bằng đá granite tại 134 tuyến đường trên địa bàn, với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Mức chi phí này cao gấp 2 - 3 lần so với lát gạch thông thường. Ấy vậy mà ở nhiều tuyến đường đông đúc, vỉa hè lại đang trong tình trạng hư hỏng, bong tróc.
Vỉa hè đường Điện Biên Phủ, nơi tập trung nhiều trường học, công ty, văn phòng trông rất nhếch nhác
Nhiều tuyến vỉa hè tuy không biến dạng, đảm bảo an toàn cho người đi bộ, đồng thời mảng xanh cũng được đầu tư, nhưng lại thiếu sạch sẽ. Xung quanh vỉa hè, rác thải sinh hoạt của người dân chất thành từng đống, gây ô nhiễm môi trường. Điển hình là đường Mai Chí Thọ (Q2), vỉa hè xanh và đẹp bỗng chốc lại phải chứa thêm bãi rác tự phát do một số người vô ý thức vất ra, bốc mùi hôi thối, khiến người bộ cũng ái ngại khi đi qua khu vực này.
Vẫn còn đó những tuyến vỉa hè sạch đẹp, như: Lê Duẩn, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng (Q1)... Đây còn là những con đường yêu thích của người dân trong khu vực để chạy bộ vào buổi sáng, là không gian lý tưởng cho người đi bộ. Đặc biệt, một số vỉa hè lát gạch tenji (gạch xúc giác) hỗ trợ người khiếm thị di chuyển dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, lát gạch tenji thì phải lát đúng cách, tránh gây tác dụng ngược. Đã có nhiều trường hợp lát gạch tenji thiếu khoa học, lộn xộn giữa loại gạch có dấu chấm và loại có thanh chắn, gây nguy hiểm cho người khiếm thị. Các viên gạch có chấm cảnh báo người khiếm thị khi họ đang gặp nguy hiểm, thường thấy lát ở rìa lối băng qua đường và sân ga. Còn các viên gạch có thanh chắn cung cấp tín hiệu định hướng cho người khiếm thị biết rằng họ đang đi theo một con đường an toàn.
Tăng mức phạt đối với ôtô, xe máy chạy trên vỉa hè
Theo quy định tại Điểm đ, Khoản 5, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ôtô điều khiển đi không đúng phần đường, làn đường quy định, chạy trên hè phố (trừ trường hợp đi qua hè phố để vào nhà) bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng (mức phạt theo quy định cũ là từ 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng).
Điểm g, Khoản 3, Điều 6, Nghị định này quy định, xe máy đi không đúng phần đường, làn đường quy định, chạy trên hè phố (trừ trường hợp đi qua hè phố để vào nhà) bị phạt từ 400 - 600 ngàn đồng (mức phạt theo quy định cũ là từ 300 - 400 ngàn đồng).
(Còn tiếp...)