Người nghiện ma túy và hành trình gian nan giành lại trí lực:

Kỳ cuối: Tác hại khủng khiếp của ma túy đối với giới trẻ

Thứ Tư, 08/11/2023 08:38  | Thanh Huyền

|

(CATP) Tệ nạn ma túy (MT) là hiểm họa rất lớn đối với xã hội, gây tác hại cho sức khỏe, phẩm giá con người, phá hoại hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương, làm gia tăng tội phạm. Nghiêm trọng hơn, những năm gần đây, tệ nạn MT diễn biến phức tạp, nhiều chất gây nghiện mới đã len lỏi, thâm nhập và ngày càng phổ biến…

Nhận diện các loại ma túy

Là người có 34 năm kinh nghiệm trong công tác cai nghiện MT, bác sĩ, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc trung tâm điều dưỡng và cai nghiện MT Thanh Đa khẳng định, tác hại của MT tổng hợp là quá lớn và cái khó của chúng ta hiện nay là chưa có thuốc điều trị. Vì vậy, để cai nghiện, bản thân người nghiện phải tự chiến đấu. Cùng với đó, quá trình điều trị bệnh cần phải sát sao để giáo dục, phục hồi nhận thức hành vi và trang bị bản lĩnh, kỹ năng sống cho người cai nghiện.

Theo bác sĩ Khánh Duy có thể phân biệt 4 nhóm MT, gồm: Các chất gây đê mê có heroin, thuốc phiện và morphin; Các chất gây kích thích, kích động có hàng đá, thuốc lắc, cocain; Nhóm gây ảo giác, hoang tưởng như tem giấy, cần sa, thuốc lá điện tử... Ngoài ra còn một số loại thuốc ngủ, giảm đau. Hiện nay cai nghiện heroin là dễ nhất. Người nghiện heroin có hội chứng rất dễ phân biệt với các loại MT khác nên có thể dễ dàng nhận thấy. Còn các loại MT khác hội chứng không rõ rệt, không có hội chứng cai nghiện nên khó phân biệt, khi người nghiện MT tổng hợp phát bệnh kích động tâm thần thì mới biết. Hiện 2 cơ cở của trung tâm điều dưỡng và cai nghiện MT Thanh Đa có khoảng 200 trường hợp đến điều trị cai nghiện, đa phần là nghiện MT tổng hợp có dấu hiệu bị tâm thần, trong đó có 1/4 ca là tâm thần nặng.

Tương tự mỗi tháng tại Cơ sở tư vấn và cai nghiện MT Bình Triệu tiếp nhận khoảng 99 người, trong đó đa số là nghiện MT đá và tác hại của nó đến thần kinh người nghiện rất lớn.

Các loại ma túy tổng hợp và hóa chất bị lực lượng Công an thu giữ trong các chuyên án

Những vết trượt dài…

Có mặt tại trung tâm điều dưỡng và cai nghiện MT Thanh Đa vào một buổi chiều tháng 10, chúng tôi thấy tại đây có rất nhiều học viên và mỗi người mang một dáng vẻ, thái độ, cử chỉ khác nhau. Người bệnh tên Nguyễn Thịnh J. (34 tuổi) mới vào trung tâm được một ngày. J. bị loạn thần nặng do có thời gian dài sử dụng các loại MT tổng hợp nên lúc thì cười nói ngô nghê, lúc la hét, hung dữ khiến chúng tôi xót xa.

Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp rất trẻ như Nguyễn Thị N. (SN 1994, quê Bình Thuận), Hồ Xuân N. (SN 2009, quê Sóc Trăng) bị bạn bè rủ rê lôi kéo hút thuốc lá điện tử có pha MT thời gian dài nên cơ thể bần thần, bứt rứt, cáu kỉnh, đập phá đồ đạc thường xuyên, không kiểm soát được hành vi phải vào trung tâm điều trị cắt cơn... Hay Huỳnh Tấn Kh. (SN 2000, quê Tiền Giang), Trần Quốc Kh. (SN 1995, ngụ Q8) bị hoang tưởng tâm thần nặng do dùng MT cũng phải vào trung tâm để điều trị cai nghiện MT...

Theo các cán bộ phòng, chống MT thì tác hại của MT đã quá rõ ràng. Đứng trước mối hiểm họa đó, mỗi chúng ta đều phải trang bị cho mình những kiến thức căn bản, ít nhất là về tác hại của MT để tự bảo vệ bản thân và gia đình trước những cám dỗ. Nói về những tác hại của MT, Thượng úy Nguyễn Khắc Anh - Bí thư Đoàn Thanh niên Phòng PC04 - Cán bộ chuyên đi tuyên truyền về tác hại của MT trên địa bàn TPHCM chia sẻ: Có thể nói MT là tội phạm nguồn, là nguyên nhân phát sinh ra những tội phạm khác như: trộm cắp, cướp, cưỡng đoạt tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, giết người... MT tác động trực tiếp đến thể chất, tinh thần của người nghiện, làm suy giảm trí nhớ, đau đầu, lâu dần dẫn đến tê liệt, tâm thần. Nguy hiểm hơn, hiện nay xuất hiện các loại MT tổng hợp kích thích tinh thần mạnh, gây ảo giác, có thể là hoang tưởng, "ngáo đá”. Do đó những người nghiện thường bất ngờ tấn công man rợ những người xung quanh trong cơn hoang tưởng, kể cả người thân... Đau lòng nhất thời gian qua rất nhiều vụ thảm án do những kẻ ngáo đá gây ra khiến người dân lo lắng. Điển hình như vụ Nguyễn Hữu Quốc giết mẹ ruột ở Tây Ninh, vụ "nữ sinh giao gà ở Điện Biên" hay như vụ thanh niên giao đá cầm giao chém người loạn xạ ở TPHCM cách đây chưa lâu...

Không chỉ bản thân người nghiện chịu tác hại trực tiếp từ MT mà gia đình người nghiện cũng bị ảnh hưởng. Thực tế cho thấy, gia đình, người thân luôn là nguy cơ lớn nhất cho những hành vi giết người man rợ, bởi khi lên cơn ngáo đá đối tượng "ngáo đá” không còn khả năng nhận biết nên sẽ tấn công những người xung quanh trước tiên... Có thể nói, khi dính vào MT sẽ mất hết tương lai, là khởi đầu cho bước trượt dài trong nỗi buồn và nước mắt.

Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống ma túy

Sau 3 năm thực hiện Chương trình hành động số 38-Ctr/TU ngày 04/6/2020 của Ban thường vụ Thành ủy về triển khai thực hiện chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát MT trên địa bàn TPHCM, Ban cán sự Đảng UBND TPHCM đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo sự chuyển biến rõ nét về trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác đấu tranh, phòng chống MT. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được đổi mới, đa dạng và phong phú về hình thức, nội dung phù hợp với từng diện đối tượng. Nhiều mô hình, cách làm hay hoạt động hiệu quả như: Mô hình camera giám sát ANTT; mô hình tự quản về ANTT, quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ tại cộng đồng dân cư (mô hình 5+1); tổ chức các đợt tập huấn những quy định mới của pháp luật, hướng dẫn kỹ năng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác tuyên truyền tại cơ sở. Một trong những mô hình được đánh giá cao là Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, toàn dân tham gia vận động, giúp đỡ người nghiện MT cai nghiện và quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng đã thu hút được đông đảo người dân hưởng ứng và tích cực tham gia.

Các học viên sinh hoạt và học tập tại Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy Bình Triệu

Có thể nói, thời gian qua công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện đã đạt được những kết quả nhất định. Trong đó, đã triển khai đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện MT, tăng dần điều trị MT tự nguyện để kịp thời chữa trị, chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho người nghiện. Triển khai các chương trình, hành động, 3 năm qua đã tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 1.155 người, hiện đang điều trị nghiện bằng thuốc thay thế methadone cho 4.402 bệnh nhân.

Cùng với đó, các lực lượng chuyên trách trong phòng, chống tội phạm về MT như Công an, Biên phòng, Hải quan luôn chú trọng nắm tình hình, hoạt động của tội phạm trên các tuyến đường bộ, đường thủy, đường hàng không nhằm kịp thời phát hiện, lên danh sách, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, pháp luật nhằm tấn công, trấn áp mạnh các băng nhóm, các đường dây vận chuyển, mua bán MT xuyên quốc gia và các điểm, tụ điểm chiết xuất, bào chế và bán lẻ MT. Qua đó góp phần đẩy lùi tội phạm và tệ nạn MT.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử của ngành Công an, Viện KSND, TAND các cấp phối hợp chặt chẽ, đúng pháp luật, tổ chức xét xử nghiêm minh tội phạm MT, thể hiện tính răn đe, giáo dục tội phạm. Thời gian qua, các cơ quan đã tiến hành tố tụng, khởi tố mới 4.039 vụ/5.397 bị can, truy tố 3.423 vụ/4.956 bị can.

Chung tay đẩy lùi ma túy

Theo số liệu thống kê tại Cơ sở tư vấn và cai nghiện MT Bình Triệu, trong 9 tháng đầu năm 2023, đơn vị tiếp nhận 895 người nghiện MT trong đó có 57 trường hợp là nữ giới (chiếm 6,4%). So với cùng kỳ năm 2022 (323 học viên) tỷ lệ tăng 277% (895/323). Trong số đó có 726 học viên nghiện MT tổng hợp (chiếm 81,1%), 140 học viên nghiện heroin (chiếm tỷ lệ 15,5%), còn lại 29 trường hợp là nghiện cần sa, bồ đà (tỷ lệ 3.4%).

Thực tế, con số trên cho thấy vấn nạn MT rất đáng lo ngại, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo người nghiện MT đang có dấu hiệu tăng nhanh và có xu hướng trẻ hóa. Đứng trước thực trạng đó, gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội cần làm gì? Trả lời cho câu hỏi này, dưới góc độ là Trưởng phòng tiếp nhận - tư vấn - giáo dục tại Cơ sở tư vấn và cai nghiện MT Bình Triệu, anh Nguyễn Văn Hoàng cho biết: Đứng trước rất nhiều sự cám dỗ và cạm bẫy của MT, các bạn trẻ cần tự học hỏi và trau dồi thêm các kỹ năng nhận biết về MT và tuyệt đối nói không trước những lời rủ rê sử dụng MT. Không tham gia các nhóm bạn thường xuyên tụ tập chơi bời, hút thuốc, uống rượu, đua xe, vào vũ trường, quán bar... Cùng với đó cần tích cực tham gia các phong trào văn hóa, thể dục thể thao, các hoạt động sinh hoạt lành mạnh, câu lạc bộ tại các địa phương, trường học... Khi gặp vấn đề khó khăn trong cuộc sống hãy tìm đến người tin cậy để chia sẻ hoặc đến các trung tâm tư vấn để được hỗ trợ, tư vấn kịp thời.

Gia đình cũng cần quan tâm đến con em mình, cần trang bị những kiến thức, kỹ năng, giáo dục con em có khả năng từ chối, đủ bản lĩnh nói không với MT và các tệ nạn xã hội. Luôn tạo không khí vui vẻ, đầm ấm trong gia đình. Bố mẹ phải là tấm gương tốt cho con mình noi theo, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Đối với nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của MT bằng nhiều hình thức; đưa chương trình tìm hiểu kiến thức về phòng, chống MT vào giáo dục học đường nhằm trang bị cho giới trẻ, đặc biệt là học sinh, thanh thiếu niên những kiến thức cơ bản nhất để phòng, tránh MT.

Để xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh và hướng tới không còn MT, các cơ quan thông tin, tuyên truyền cần có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang tổ chức tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nhận thức rõ về tác hại của MT; chủ trương, chính sách, pháp luật, biện pháp của Nhà nước về phòng, chống MT.

Kỳ 1: Cảnh báo các loại ma túy trá hình
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang