TPHCM: Kỳ vọng sớm tái khởi động dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng

Thứ Năm, 14/12/2023 08:08

|

(CATP) Thời gian qua, tiến độ thực hiện của Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1, gọi tắt là Dự án chống ngập) được người dân đặc biệt quan tâm, do có quy mô và mức đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, từ khi thi công đến nay, dự án đã tạm ngừng nhiều lần nên chưa hoàn thành.

Gặp khó khăn về nguồn vốn

Dự án chống ngập khu vực TPHCM do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam thực hiện từ năm 2015 theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao; phương thức thanh toán bằng quỹ đất kết hợp thanh toán bằng tiền), với mục tiêu kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM. Việc đầu tư dự án chống ngập sẽ giúp TPHCM chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh, rạch, nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị, hỗ trợ lưu trữ nước mưa khi có mưa kết hợp triều cường, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường. Tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án khoảng 9.566 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay), sau đó tăng vốn lên khoảng 10.000 tỷ đồng.

Theo hợp đồng BT đã ký kết giữa UBND TPHCM và Công ty Đầu tư xây dựng Trung Nam, để khắc phục tình trạng ngập do triều cường, nhà đầu tư sẽ xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn, rộng từ 40 - 160m, cao trình đáy cống từ -3,6 đến -10m và xây dựng đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh - giai đoạn 1 (gồm 6km đê, kè và 43 cống nhỏ); xây dựng nhà quản lý trung tâm và hệ thống SCADA.

Cụ thể, nhà đầu tư sẽ bỏ tiền thực hiện dự án, đổi lại TPHCM sẽ thanh toán cho Công ty Đầu tư xây dựng Trung Nam 3 khu đất: lô C8A, khu A, Khu đô thị mới Nam Thành phố, P.Tân Phú, Q7; khu đất số 232 Đỗ Xuân Hợp, P.Phước Long A, TP.Thủ Đức; lô đất số 762 Bình Quới, P27, Q.Bình Thạnh. Cạnh đó, TPHCM sẽ thanh toán bằng tiền cho nhà đầu tư BT đối với khoản chênh lệch giữa tổng vốn thực hiện dự án với trị giá 3 khu đất. Nhưng do dự án có một số thiếu sót, chưa bảo đảm chặt chẽ theo quy định pháp luật, dẫn đến việc thực hiện thời gian qua gặp vướng mắc trong thanh quyết toán cho nhà đầu tư.

Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn do triều cường (Ảnh chụp tại đường Trần Xuân Soạn, Q7 ngày 30/11/2023)

Xét tổng tiến độ, đến nay dự án đã hoàn thành hơn 93% khối lượng công việc, cần khoảng 1.800 tỷ đồng để hoàn thiện 10% còn lại. Tuy nhiên, nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong việc vay vốn từ phía ngân hàng để tiếp tục thi công, do thời gian vay kéo dài và ngân hàng không tiếp tục cấp vốn.

Sắp vận hành thử nghiệm

Để có cơ sở vận hành Dự án chống ngập khu vực TPHCM, mới đây, UBND TPHCM đã chuyển hồ sơ, đề nghị UBND hai tỉnh Đồng Nai và Long An xem xét, có ý kiến về quy trình vận hành công trình dự án này. Theo đó, nhà đầu tư đã hoàn thiện quy trình vận hành hệ thống và quy trình vận hành các cụm công trình của dự án. Để có cơ sở vận hành công trình theo quy định, UBND TPHCM đề nghị hai tỉnh Đồng Nai, Long An góp ý về quy trình vận hành công trình dự án, đồng thời có ý kiến về việc ảnh hưởng khi công trình vận hành mực nước trên sông Soài Rạp, mực nước trên sông Chợ Đệm - Bến Lức (thuộc địa giới hành chính giữa TPHCM và hai tỉnh Đồng Nai, Long An).

Công tác vận hành thử nghiệm là quy trình bình thường của dự án trước khi tiến tới vận hành chính thức. Đặc biệt, một dự án lớn có tính hệ thống như Dự án chống ngập khu vực TPHCM cần có quy trình phối hợp tổng thể để từ đó đánh giá cho toàn hệ thống. Sau đó, từng bước giải quyết các vướng mắc (nếu có) và tiến đến vận hành chính thức.

Công ty Đầu tư xây dựng Trung Nam thông tin: Thực tế cho thấy nhiều khu vực thấp, trũng thuộc bờ hữu sông Sài Gòn như các quận 4, 7, 8 và nặng nhất là H.Bình Chánh phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc ngập nặng, kể cả khi trời không mưa. Trong khi đó, hoàn toàn có thể kiểm soát triều cường từ sông lớn, kể cả triều biển dâng cho khu vực nội đô TPHCM, đây cũng là nhiệm vụ quan trọng của dự án này. Khi đi vào hoạt động, các cống ngăn triều sẽ được đồng bộ hóa bằng hệ thống SCADA và mạng lưới quan trắc mực nước kênh, rạch của hơn 15 điểm thu thập dữ liệu bố trí khắp các sông ngòi, kênh, rạch của TPHCM. Thông qua mạng lưới đó, các dữ liệu mực nước sẽ được ghi nhận, báo cáo, tự động cập nhật cho các trung tâm điều hành dự án. Trên cơ sở đó, nhân viên vận hành thực hiện đóng - mở các van ngăn triều hoặc hệ thống vận hành cửa van sẽ tự động đóng - mở khi thông số mực nước ở tình trạng cảnh báo của triều cao.

Một cống ngăn triều trong Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) nhìn từ trên cao

Ông Đinh Minh Hiệp (Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM) cho biết: TPHCM đang lấy ý kiến các địa phương về việc vận hành thử nghiệm dự án trên. Dự án có quy mô rất lớn, cần được nhiều địa phương phối hợp, tham gia góp ý kiến bởi liên quan đến cấp nước, thoát nước, hệ thống quản lý giao thông, xây dựng...

Dự án chống ngập khu vực TPHCM cũng tính toán đến giải pháp giao thông thủy khi dự án đi vào vận hành chính thức. Chẳng hạn, khi các van cống ở toàn bộ 6 hạng mục cống ngăn triều lớn mở hoàn toàn, tàu thuyền trên sông sẽ lưu thông bình thường. Trường hợp triều cao, mưa lớn diễn ra, hệ thống 6 cống ngăn triều đóng hoàn toàn, lúc này hệ thống giao thông thủy sẽ vẫn tiếp tục diễn ra thông qua các âu thuyền. Các âu thuyền này được thiết kế với bề rộng 15m, buồng âu dài 100m, hai đầu âu thuyền được thiết kế cửa âu, van phẳng quay theo trục đứng.

Đây là dự án lớn nhất của TPHCM trong việc giải quyết bài toán chống ngập do triều cường. Với những nỗ lực của chính quyền TPHCM cùng sự hỗ trợ từ Chính phủ, người dân đang kỳ vọng Dự án chống ngập khu vực TPHCM sẽ sớm được tái khởi động và hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Ngày 05/11/2023, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo số 455/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ Công tác chỉ đạo rà soát, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), gọi tắt là Tổ Công tác. Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh đây là dự án quan trọng, cấp thiết của TPHCM, nhưng thời gian qua việc triển khai thực hiện rất chậm, cần có giải pháp kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để tiếp tục thúc đẩy thực hiện dự án, sớm thi công và hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư.

Về vướng mắc pháp lý, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu TPHCM nghiên cứu hai phương án. Đối với Phương án 1, UBND TPHCM tiếp tục áp dụng Điều 2 của Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 01/4/2021 để chủ động giải quyết những vướng mắc của dự án theo thẩm quyền; nếu vẫn còn vướng mắc thì báo cáo rõ, cụ thể vướng ở điểm nào và đề xuất giải pháp.

Đối với Phương án 2, UBND TPHCM báo cáo Thường trực Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan nghiên cứu điều khoản chuyển tiếp phù hợp để tháo gỡ vướng mắc của dự án trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các Bộ Tư pháp, Tài chính nghiên cứu quy định của pháp luật liên quan đến thẩm quyền quyết định chủ trương sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư dự án; hướng dẫn UBND TPHCM thực hiện theo đúng quy định.

Về vướng mắc nguồn vốn, UBND TPHCM báo cáo Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM có chủ trương giao nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời tháo gỡ để tiếp tục thực hiện dự án, vì việc này thuộc thẩm quyền của TPHCM. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu UBND TPHCM nghiên cứu ý kiến của Tổ Công tác; khẩn trương thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 01/4/2021 và kết luận của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 365/TB-VPCP ngày 06/9/2023, báo cáo Tổ Công tác trong tháng 11/2023.

Bình luận (0)

Lên đầu trang