(CAO) Tới thời điểm hiện tại, dự án đang triển khai thi công và hoàn thành khoảng 90% khối lượng ở công trường. TPHCM quyết tâm hoàn thành dự án trong năm 2022 và năm 2023 sẽ hoàn tất các thủ tục quyết toán liên quan.
Tại buổi họp báo cung cấp một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP những ngày qua, diễn ra vào chiều 24/3, liên quan đến Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (còn gọi là Dự án ngăn triều, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng), Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP) Nguyễn Huy Bình cho biết, Dự án ngăn triều được phê duyệt tại Quyết định số 5967/QĐ-UBND ngày 12/11/2015 của UBND TPHCM, mục tiêu góp phần giải quyết vấn đề ngập do triều cường trên địa bàn TP với diện tích khoảng 570 km2 và khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.
Cống Mương Chuối trong Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu
Quy mô chính của dự án là đầu tư xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn gồm các cống Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định, các cống nhỏ và khoảng 6 km đê kè xung yếu khu vực sông Sài Gòn (trên cơ sở nâng cao trình của những vùng trũng thấp).
Dự án này sau khi hoàn thành có thể điều tiết mực nước khoảng 1 - 1,2m để vừa chống ngập khi triều lên vừa góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường nước trong khu vực dự án.
Tới thời điểm hiện tại, dự án đang triển khai thi công và hoàn thành khoảng 90% khối lượng ở công trường. TPHCM quyết tâm hoàn thành dự án trong năm 2022 và năm 2023 sẽ hoàn tất các thủ tục quyết toán liên quan.
Liên quan đến Đề án chống ngập và xử lý nước thải TPHCM, ông Trần Như Quốc Bảo - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP cho hay: TPHCM là 1 trong 10 đô thị có nguy cơ ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu cao nhất thế giới.
Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Đề án chống ngập và xử lý nước thải, UBND TPHCM đề ra 05 nhóm giải pháp bao gồm:
1. Nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch; triển khai quy chế, giải pháp liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
2. Tập trung thực hiện các giải pháp công trình để phục vụ giải quyết ngập.
3. Rà soát, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư; cải cách thủ tục hành chính đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập.
4. Tăng cường liên kết, hợp tác khoa học công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác xóa, giảm ngập nước.
5. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền vận động Nhân dân.