Quang cảnh hội nghị
Ông Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UND tỉnh Lâm Đồng và Đại tá Nguyễn Quang Thống - Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành địa phương. Các điểm cầu diễn ra tại hội trường UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc.
Lâm Đồng là tỉnh thuộc Nam Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 9.7773 km2, dân số khoảng 1,4 triệu người; trong đó có trên 300.000 người là đồng bào DTTS, chiếm 23,43% dân số cả tỉnh.
Năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo, tổng sản phẩm tăng 11,84% so với năm 2001. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tình hình an ninh chính trị và TTATXH vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị, TTATXH trên địa bàn. Qua đó, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm năm 2022 đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực hoàn thành nhiệm vụ “kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Một số loại tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, như: tội phạm do nguyên nhân xã hội, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo thông qu sử dụng công nghệ cao, các hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc diễn ra trên địa bàn...
Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn toàn tỉnh để chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể là thành viên Ban chỉ đạo 138 tỉnh và Ban chỉ đạo 138 các địa phương; triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, Công an tỉnh phát huy vai trò nòng cốt.
Đối với tội phạm về tham nhũng, chức vụ; cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra, xử lý 10 vụ, 13 đối tượng. Thủ đoạn chủ yếu vẫn là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao và các sơ hở trong công tác quản lý tài chính, tài sản để phạm tội.
Tội phạm pháp luật về kinh tế, môi trường: nổi cộm vẫn là những hành vi khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép; các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, đất lâm nghiệp. Phát hiện 394 trường hợp vi phạm về trật tự quản lý kinh tế; trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 350 trường hợp với số tiền gần 2 tỷ đồng; khởi tố 44 vụ, 65 bị can.
Phát hiện, khởi tố 36 vụ, 30 bị can sử dụng công nghệ cao để phạm tội (lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, tổ chức đánh bạc...). Tội phạm về ma tuý, TTXH... có xu hướng ngày càng trẻ hoá, thủ đoạn phức tạp, tinh vi.
Các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 376 vụ, 660 đối tượng phạm tội về ma tuý; khởi tố 331 vụ (đạt 99,7% chỉ tiêu đề ra), 463 bị can; xử phạt hành chính 31 vụ, 130 đối tượng; ít hơn so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ quan CSĐT 2 cấp thụ lý 1.753 vụ án, 3.067 bị can; đã kết thúc điều tra 1.053 vụ, 2.160 bị can; chuyển Viện kiểm sát và Toà án truy tố, xét xử trên 2.000 bị can, bị cáo; đạt tỷ lệ 96,4% số vụ án, vụ việc hình sự xảy ra trên địa bàn.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã có các bài phát biểu, tham luận, đóng góp ý kiến vào công tác phòng ngừa tội phạm có hiệu quả
Tại Hội nghị trực tuyến, Chủ tịch UBND và Trưởng Công an các địa bàn TP Đà Lạt, Bảo Bộc, Bảo Lâm, Đam Rông đã báo cáo tình hình triển khai công tác phòng chống tội phạm trên địa bàn; những vụ án, chuyên án nổi bật và những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ...
Với phương châm "Phòng hơn chống", Ban Chỉ Ban chỉ đạo 138 tỉnh và Ban chỉ đạo 138 các địa phương chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, như: quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm; tuyên truyền pháp luật dưới nhiều hình thức; xây dựng, phát huy nhiều mô hình mới, hay, hiệu quả...
Để tiếp tục thực hiện kế hoạch công tác đấu tranh phòng chống tội phạm có hiệu quả trên địa bàn năm 2023, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Lâm Đồng đã đề ra nhiều giải pháp. Cùng đó, đề xuất Bộ Công an tham mưu Chính phủ chỉ đạo siết chặt công tác quản lý các hoạt động cho vay trực tuyến, qua ứng dụng điện thoại, mạng Internet, mạng xã hội để ngăn ngừa các đối tượng hoạt động tội phạm trên không gian mạng.
Đề xuất Bộ Công an xây dựng quy chế phối hợp với các ngân hàng, cơ quan, cung cấp dịch vụ mạng Internet, mạng viễn thông trong việc cung cấp thông tin, điều tra, xử lý các hành vi phạm tội...
Đối với việc tổ chức cho số đối tượng cai nghiện ma tuý đang có diễn biến phức tạp; đề xuất Bộ LĐ-TBXH chỉ đạo rà soát các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện để các đơn vị sự nghiệp công đăng ký, tổ chức triển khai thực hiện công tác cai nghiện ma tuý tự nguyện theo quy định...