Chó thả rông lại tấn công người!

Thứ Tư, 22/02/2023 16:24

|

(CATP) Vụ việc xảy ra khi 2 con chó thả rông tấn công 1 sinh viên (SV) gây thương tích nặng, tiếp đó là trường hợp chó thả rông cắn 1 du khách... khiến dư luận thêm bức xúc trước tình trạng chó tấn công người. Điều đáng nói là, tại TPHCM cũng như ở các thành phố lớn khác trên cả nước có rất nhiều chung cư (CC), với lượng cư dân sinh sống khá đông nhưng pháp luật hiện hành không cấm nuôi chó, Ban quản lý (BQL) CC cũng cần họp cư dân để bàn về điều kiện "cấm nuôi chó, mèo trong CC".

Chó tấn công người vẫn tiếp diễn

Mặc dù Chuyên đề Công an TPHCM liên tục phản ánh tình trạng này qua loạt bài Đau lòng những vụ chó tấn công người, nhưng mới đây liên tiếp 2 vụ chó cắn người khiến nạn nhân phải nhập viện (ngày 18 và 19-02-2023) khiến dư luận càng thêm bức xúc.

Ngày 18-02-2023, trong lúc chạy bộ tập thể dục, nam SV Hoàng Viên (Trường Cao đẳng Lào Cai) bị 2 con chó thả rông cắn xé thương tâm cho đến khi được người dân giải vây, đưa đi cấp cứu trong tình trạng chấn thương nặng. Theo bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Lào Cai, dù nạn nhân bị nhiều vết thương do chó cắn nhưng vẫn chưa ổn định để khâu lại, hiện các BS mới điều trị bằng kháng sinh để chống nhiễm trùng, chờ đến khi các vết thương se lại sẽ tiến hành khâu. Theo thông tin ban đầu, 2 con chó tấn công nam SV là của chủ quán cơm đang thuê ki-ốt bán hàng ở Trường Cao đẳng Lào Cai, do chủ thả rông ra ngoài, không đeo rọ mõm theo quy định.

Sau đó 1 ngày xảy ra vụ chó cắn 1 du khách nước ngoài, khi anh này đang đi bộ trên vỉa hè ở TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), phải vào BV cấp cứu. Theo thông tin từ BV đa khoa tỉnh Khánh Hòa, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị nhiều vết thương phức tạp ở cánh tay phải, có chỗ dài 10cm, làm đứt cơ nhị đầu tay phải và xây xát đùi phải. Các BS đã sơ cứu bằng cách cắt lọc, khâu vết thương, sau đó chuyển đến Trung tâm chấn thương chỉnh hình tiếp tục điều trị...

Theo phân tích của 1 huấn luyện viên cảnh khuyển, mỗi loài chó đều có tính khí khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là sự trung thành với chủ. Đối với những loài chó dữ, tính khí hung hăng, sẵn sàng tấn công "mục tiêu", dễ bị kích động, có tính "chiến đấu" cao thường được đưa vào lực lượng đặc thù với chương trình huấn luyện chuyên nghiệp để phục vụ công việc. Với loài chó đánh mùi (ngửi) tốt thường được huấn luyện trong công tác phòng chống ma túy, giúp phát hiện các loại chất cấm, mùi thuốc súng, thuốc nổ...

Bên cạnh đó, nhiều giống chó kiểng tuy không có vóc dáng vạm vỡ nhưng đều rất trung thành với chủ nuôi đã được chọn làm thú cưng. Tuy nhiên, đối với người lạ và cộng đồng thì hầu hết các loài chó đều do lòng trung thành với chủ mà dẫn đến tấn công người khác, hoặc đó là phản ứng tự vệ của chính loài này dẫn đến tình huống bất ngờ khi chúng lao vào tấn công người lạ. Cũng chính vì điều này mà đã có quy định rất rõ ràng là khi ra ngoài, đến nơi công cộng có nhiều người, chủ phải có dây dắt và đeo rọ mõm cho chó. Ngoài ra, quy định cũng bắt buộc chủ nuôi chó, mèo phải tiêm phòng bệnh dại, đề phòng trường hợp chó, mèo liếm phải vết thương hở, cắn người dẫn đến nguy cơ bệnh dại đối với nạn nhân hay chính chủ nuôi.

Chó thả rông không rọ mõm trên vỉa hè đường Nguyễn Du, Q1, TPHCM

Pháp luật không cấm, nhưng chung cư cần có quy định

Theo quy định hiện hành, nếu thú cưng được nuôi là gia súc, gia cầm thì cá nhân hay hộ gia đình không được chăn thả trong khu vực CC; trường hợp là các loài ngoài gia súc, gia cầm và không nằm trong danh mục động vật thì pháp luật không cấm nuôi, mà chỉ cấm việc chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà CC. Như vậy xác định chó, mèo không phải gia súc nên pháp luật không cấm việc nuôi các loài này trong CC; tuy nhiên, nếu trong nội quy của CC không cho phép nuôi các loài thú cưng này thì cũng nên tuân thủ quy định đã được Hội nghị nhà CC thông qua để bảo đảm việc sử dụng nơi này an toàn, văn minh. Trường hợp lần đầu nuôi chó, mèo trong nhà CC, BQL sẽ nhắc nhở; lần thứ hai sẽ lập biên bản phạt tiền; đến lần thứ ba nếu người nuôi vẫn còn tái phạm sẽ vừa bị áp dụng phạt tiền vừa áp dụng cưỡng chế chó, mèo đưa ra khỏi CC.

Cũng theo nội quy CC, việc nuôi chó, mèo và các vật nuôi khác tại đây là vi phạm nội quy quản lý, sử dụng nhà CC mà chủ hộ đã ký cam kết thực hiện đúng, đầy đủ với chủ đầu tư. Để xác định các căn hộ nuôi chó, mèo và có cơ sở làm việc với cơ quan chức năng địa phương, BQL đề nghị cư dân nếu phát hiện căn hộ nuôi chó, mèo và vật nuôi khác cần báo cho BQL biết, BQL sẽ báo cáo vụ việc lên cơ quan chức năng và có hướng giải quyết. Đây là một trong nhiều CC (loại cao cấp tại TPHCM) đã đặt ra nội quy, thông qua Hội nghị với cư dân CC cũng như các chủ căn hộ thực hiện cam kết với BQL chung cư nhằm thực hiện nghiêm việc nuôi chó, mèo trong CC.

Người tập thể dục buổi sáng ngán ngẩm vì chủ để chó phóng uế tại công viên ở Q.Gò Vấp

Chó thả rông, nỗi ám ảnh thường nhật

Không những tấn công người ở nơi công cộng, chó còn phóng uế trên đường phố, vỉa hè, công viên... khiến người dân bức xúc. Anh Nguyễn Thế Toàn (ngụ Q.Gò Vấp, TPHCM) cho biết: "Sáng sớm nào tôi cũng chạy bộ ở công viên và chứng kiến những con chó được chủ dắt ra thả rông (tháo dây dắt), cũng có con được chủ dắt dây nhưng lại để chúng phóng uế vô tư. Ngoài làm ảnh hưởng đến bầu không khí trong lành ở công viên, không ít trường hợp còn vô tình đạp phải đống chất thải từ những thú cưng này, đó là chưa kể nhìn thấy những con chó to lớn thì dù đang tập thể dục cũng phải tránh xa cho an toàn".

Chó thả rông đã trở thành nỗi ám ảnh đối với mọi người, trường hợp nguy hiểm nhất vẫn là bị chó tấn công gây thương tích, thậm chí chết người, chưa kể bị mắc bệnh dại. Theo thống kê, cả nước có khoảng 7 triệu con chó, nhưng số được tiêm phòng bệnh dại rất thấp. Chó mắc bệnh dại chủ yếu không xác định được chủ, chưa tiêm phòng vắc-xin ngừa bệnh này; trong khi người nuôi không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt chó, tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm còn nhiều... dẫn đến cắn người, có trường hợp tử vong.

Tại TPHCM có rất nhiều nơi công cộng chó được thả rông, không dây dắt, chẳng rọ mõm. Bên cạnh đó, chó thả rông có thể gây tai nạn giao thông, cắn người, rượt người đi đường ngã, phóng uế gây ô nhiễm môi trường... Việc thành lập Đội bắt chó thả rông của UBND P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức (TPHCM) cho thấy rất cần nhân rộng mô hình này nhằm chấn chỉnh ngay tình trạng chó thả rông dẫn đến những hệ lụy như trên.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm nước ta ghi nhận 75 trường hợp tử vong do bệnh dại. Cùng với đó, hàng năm có khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc-xin ngừa dại và huyết thanh, chi phí ước tính hơn 300 tỷ đồng.

Nuôi chó cần chích ngừa bệnh dại

Bình luận (0)

Lên đầu trang