(CAO) Bảo hiểm xã hội TPHCM vừa có báo cáo gửi UBND TP về tình hình nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tính đến hết tháng 1/2023, trên địa bàn TP có hơn 58.000 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội với số tiền hơn 4.800 tỷ đồng.
Cụ thể, tính đến ngày 31/1/2023, trên địa bàn TPHCM có 58.092 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, với tổng số tiền nợ 4.874,64 tỷ đồng, chiếm 7,55% so với tổng số thu bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Sau khi trừ nợ dưới 1 tháng là 33,03 tỷ đồng và nợ khó thu là 581,74 tỷ đồng, số tiền nợ còn lại là 3.955,87 tỷ đồng, chiếm 6,13% so với tổng số thu bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Hiện TPHCM có 41.176 đơn vị nợ từ 1 đến 3 tháng với số tiền nợ 1.966,23 tỷ đồng; 6.729 đơn vị nợ từ 3 đến 6 tháng với số tiền nợ 423,73 tỷ đồng; 3.546 đơn vị nợ từ 6 đến 12 tháng với số tiền khoảng 335,51 tỷ đồng. Đặc biệt có 6.641 đơn vị nợ trên 12 tháng với số tiền nợ 1.812,14 tỷ đồng.
Từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/1/2023, bảo hiểm xã hội TPHCM đã thực hiện chuyển UBND TP ban hành quyết định xử phạt theo thẩm quyền đối với 115 đơn vị (nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp) với số tiền phạt là gần 16 tỷ đồng.
Đã có 12 đơn vị chấp hành quyết định xử phạt, tổng số tiền phạt 1,8 tỷ đồng, 62 đơn vị giải quyết nợ với tổng số tiền là 22,25 tỷ đồng.
Theo bảo hiểm xã hội TP, nguyên nhân khiến tình trạng nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn diễn ra là do tính tự giác chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của một số đơn vị chưa cao, đặc biệt là các đơn vị sử dụng ít lao động.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những bất cập trong chế tài xử lý đối với các đơn vị chây ỳ, không chịu đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Cơ quan bảo hiểm xã hội chưa được giao đầy đủ trách nhiệm xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội nên công tác thanh, kiểm tra, thực hiện các chế tài xử lý của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa đủ sức răn đe, dẫn đến một số đơn vị sử dụng lao động coi thường pháp luật, không chấp hành xử lý phạt, cố tình vi phạm.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tình hình chiến sự trên thế giới khiến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp trong ngành may mặc, da giày hoạt động không ổn định, thiếu đơn hàng, bắt buộc phải cắt giảm nhân sự. Người lao động bị mất thu nhập nên không có điều kiện tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội và có xu hướng nhận bảo hiểm xã hội một lần tăng cao, không quan tâm đến việc đóng Bảo hiểm tự nguyện để hưởng lâu dài...
Bảo hiểm xã hội TPHCM kiến nghị điều chỉnh hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính theo từng hành vi trốn đóng, chậm đóng tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế cho phù hợp với tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 216 Bộ Luật Hình sự.
Ngoài ra, bảo hiểm xã hội TP cũng kiến nghị UBND TPchỉ đạo UBND các cấp, Công an, Tòa án, Viện kiểm sát và các cơ quan ban ngành tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra trong công tác thu hồi nợ, nhằm ngăn chặn những trường hợp lạm dụng để trốn đóng, chậm đóng hoặc trục lợi Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...