Lâm Đồng:

Thực hư cái chết của người đàn ông dưới giếng dốc Cổng Trời

Thứ Tư, 16/01/2019 18:45

|

(CAO) Dư luận tại tỉnh Lâm Đồng những ngày qua xôn xao về cái chết của một người đàn ông tại thôn Cổng Trời (nơi có con dốc Cổng Trời nhiều người biết đến), thuộc xã Mê Linh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng).

Từ kết quả khám nghiệm hiện trường, tử thi, lời khai các nhân chứng..., ngành chức năng bước đầu xác định, có cơ sở đây là vụ tai nạn lao động do đứt dây thả người xuống, ở độ cao trên 20m; không phát hiện dấu hiệu án mạng.

Tuy nhiên, nhiều lời đồn đại cho rằng, nạn nhân bị sát hại. Người nhà nạn nhân tỏ ra bức xúc trước việc người thân gặp nạn. Chúng tôi đã gặp gỡ, làm việc với cơ quan chức năng để tìm hiểu vụ việc.

Theo thông tin, tài liệu từ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng, Phòng Khoa học hình sự Công an tỉnh, ngày 7-1-2019, ông Vũ Đình Phương (SN 1955, trú đường Phù Đổng Thiên Vương, P.8, TP. Đà Lạt) có vườn rẫy cà phê tại thôn Cổng Trời, ở đó có 1 cái giếng có chiều sâu 24,25m đặt mô tơ hút nước để tưới cà phê.

Tuy nhiên, do cục máy mô tơ dưới giếng bị hư, không hút được nước nên ông Phương nhờ ông Phạm Tấn Lực (SN 1966, nhà ở Đa Thiện, P.8, TP.Đà Lạt) cũng có vườn rẫy cạnh bên, xuống giếng sửa giùm.

Khoảng 13 giờ cùng ngày, ông Phương cùng 2 người khác là các ông Trần Khánh Dư, Đoàn Văn Vân để ông Phạm Tấn Lực ngồi vào một cái rọ sắt, dùng 3 đoạn dây, gồm dây dù, dây thừng và đoạn dây dù ngắn nữa nối với nhau từ trục mô tơ, quấn vào thanh tời với chiếc rọ sắt để đưa ông Lực xuống giếng.

Tuy nhiên, theo 3 ông này, họ mới quay được mấy vòng thì sợi dây bị đứt khiến ông Lực rơi từ độ cao khoảng 20m xuống giếng. Sự việc bất ngờ khiến cả 3 hoảng loạn, hô hoán mọi người xung quanh ứng cứu. Lúc này, có 1 người hàng xóm mới đi nhậu về, hăng hái giúp, xuống đưa nạn nhân lên và tiến hành hô hấp nhân tạo, nhưng ông Lực sau đó đã tử vong.

Hình ảnh mang tính chất minh họa

Trước cái chết đau xót của người thân, gia đình nạn nhân không tin ông Lực bị tai nạn mà cho rằng có sự mưu sát nên đã đánh ông Phương một trận chảy máu mũi, miệng. Tại sân nhà rẫy của ông Phương có dính máu nên họ càng tin rằng ông Lực bị sát hại rồi bị tạo cớ đứt dây dù khi thả ông Lực xuống giếng phi tang.

Ngoài ra, theo lời đồn đại, giữa ông Phương và ông Lực có mâu thuẫn, không có mối quan hệ thân thiện, ông Lực không có nghề làm giếng, điều kiện gia đình khá giả, không có lý do gì phải làm thuê hay giúp ông Phương. Vì những lẽ đó nên xuất hiện những lời đồn đại về cái chết của ông Lực là không bình thường.

Kết quả khám nghiệm hiện trường, tử thi, cho thấy, nạn nhân bị gãy xương sườn trái, phải; trong phổi dính bùn, cát. Đoạn dây bị đứt tại mối nối dây thừng với đoạn dây dù gần rọ sắt (đoạn dây dù ngắn), phần dây bị giãn, tưa, bản rộng 1,3cm. Nguyên nhân đứt do không đảm bảo tải trọng. Thời điểm ông Lực được đưa xuống giếng, giếng đã được bơm khí ô xi, hút cạn nước. 2-3 giờ sau đó, mực rước rỉ từ mạch nước ra 0,8m.

Lời khai của 2 ông Dư và Vân cho rằng, ông Lực vui vẻ, tự nguyện ngồi vào rọ sắt, còn phụ họ cột dây vào rọ cho chặt. Còn theo lời ông Phương, buổi sáng ngày 7-1, ông Lực qua nhà ông chơi, ông Phương có nói về việc máy mô tơ dưới giếng bị hư, hỏi ông có biết ai để thuê, nhờ xuống sửa. Ông Lực nói để ông giúp chứ thuê làm gì cho tốn tiền. Cả hai thống nhất đầu giờ chiều xuống giếng sửa máy bơm. Ông Phương sau đó gọi thêm 2 ông Dư, Vân đến phụ giúp và xảy ra chuyện.

Về nguyên nhân nạn nhân bị gãy xương sườn, lãnh đạo Phòng Khoa học hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng, cho rằng, về nguyên lý, khi một người bị rơi từ độ cao khoảng 20m xuống giống như ta ném vật gì đó, sẽ bị rạn, vỡ một bộ phận nào đó. Trường hợp của nạn nhân Lực, xương sườn bị ép, dồn đột ngột gây gãy cùng nhiều dấu hiệu khác, vết rơi phù hợp. Về nguyên nhân xác định nạn nhân tử vong, chúng tôi đã gửi các mẫu vật thu được đến cấp trên để có kết quả chính xác, đảm bảo sự khách quan.

Theo cơ quan điều tra, được biết, trước đó, giữa ông Lực và ông Phương có mâu thuẫn trong việc mua bán đất đến mức phải ra tòa. Phần đất rẫy nhà ông Lực là mua lại của ông Phương. Nhưng chuyện xảy ra đã lâu, giữa họ sau này không còn căng thẳng. Ông Lực còn có mối quan hệ họ hàng với một lãnh đạo công an huyện Lạc Dương.

Trước những nghi vấn của gia đình nạn nhân, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Lâm Đồng, ngành kiểm sát, đội ngũ giám định pháp y càng phải cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ để không sót, lọt chứng cứ, đảm bảo khách quan với sự việc.

Về vết máu ở hiện trường, cơ quan điều tra cho rằng, khả năng là của ông Phương bị đánh. Tuy nhiên, đó mới chỉ là nhận định ban đầu vì mọi lời khai, chứng cứ, hệ quả nạn nhân tử vong phù hợp với nhận định đây là vụ tai nạn. Mẫu máu cùng một số mẫu vật khác liên quan đến vụ việc hiện đã được các ngành chức năng gửi đến Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an giám định để có kết luận chính thức. Vụ việc vẫn đang từng bước được điều tra, làm rõ.

Lãnh đạo Công an huyện Lâm Hà nêu quan điểm, sự việc xảy ra giữa ban ngày, có nhiều nhân chứng, chứng cứ liên quan, được đánh giá là khách quan nên nghiêng về giả thiết đây không phải là vụ án mạng mà là tai nạn lao động.

“Dù mâu thuẫn giữa ông Phương và ông Lực có chưa hóa giải đi chăng nữa cũng không có lý do gì ông Phương hại chết nạn nhân, lại có tới 2 người khác giúp sức. Họ vì động cơ, mục đích gì? Không có lập luận nào thuyết phục cho việc này. Mọi hoạt động khám nghiệm hiện trường, tử thi, trục vớt các vật liên quan... có sự giám sát của Viện kiểm sát, nhiều nhân chứng và người nhà nạn nhân.

Không ai, vì động cơ gì phải làm sai lệch bản chất sự việc. Chủ nhà là ông Vũ Đình Phương và những người liên quan tiến hành sửa giếng không đảm bảo an toàn lao động, gây chết người, khi có kết luận chính thức, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý phù hợp”, Đại tá Nguyễn Văn Hoàng – Trưởng Công an huyện Lâm Hà chia sẻ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang